Học nghề cũng là con đường đi đến ước mơ

09:08, 22/08/2016

Hiện nay có rất nhiều trung tâm, trường dạy nghề, đào tạo những kĩ năng làm nghề, giúp người học ra trường có thể tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành. Lựa chọn đúng ngành học, trường học là lối đi đúng đắn để thực hiện ước mơ…

Với quan điểm bao đời nay của người Việt, dù có khó khăn bao nhiêu cũng gắng cho con cái theo đuổi giấc mơ vào đại học, để rồi không ít trường hợp, khi cánh cổng này mở ra thì biết bao cánh cổng khác khép lại. Vì vậy, trước thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, những năm gần đây, nhiều phụ huynh ở Lâm Đồng đã định hướng cho con em mình mạnh dạn viết tiếp ước mơ thông qua các trường đào tạo nghề.
 
Đào tạo nghề điện cơ tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt - Ảnh:​ THỤY TRANG
Đào tạo nghề điện cơ tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Ảnh:​ THỤY TRANG

Trong quý II/2016 cả nước có trên 1,08 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp; so với quý I/2016 tăng 16.400 người (chiếm 2,29%). Lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là 6,6% và 4%. Đó là thông tin được ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố trong Hội thảo công bố Bản tin cập nhật thị trường số 10, do Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 17/8/2016, tại Hà Nội. Những con số biết nói trên đã minh chứng rõ ràng cho việc học đại học không phải là con đường duy nhất và thuận lợi nhất để thoát khỏi nguy cơ thất nghiệp. 
 
Ngày 20/10/2008, Tỉnh ủy Lâm Đồng có Nghị quyết 17 NQ/TU về đào tạo nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020 cụ thể như sau: Tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 45-50%, mỗi năm có 25-30 nghìn lao động được các doanh nghiệp bổ túc, đào tạo nghề phù hợp với công nghệ sản xuất, với yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, công tác tuyển sinh năm học 2015 - 2016 của các trường chuyên nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chỉ tuyển được 1.271/2.660 chỉ tiêu (tỉ lệ đạt 47,8%). Mặc dù Sở đã đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), những năm học 2015 - 2016 chỉ tuyển được 478 học sinh tốt ngiệp THCS và chưa tốt nghiệp THPT vào học TCCN.
 
Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, toàn tỉnh Lâm Đồng có 11.683 thí sinh đỗ tốt nghiệp/tổng số 12.357 thí sinh dự thi (đạt tỉ lệ 94,55%). Trong lúc nhiều bạn trẻ quyết tâm theo đuổi giấc mơ đại học và vất vả với việc chọn trường, chọn ngành, nộp hồ sơ, thì chị Nguyễn Thị Hà (Nam Ban - Lâm Hà) cùng người chị gái của mình đến Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt để đăng ký cho con trai mình là em Hồ Thanh Quý (19 tuổi, vừa tốt nghiệp THCS) vào ngành học Công nghệ thông tin. Chị Hà chia sẻ: “Con trai của tôi sức khỏe không được tốt cho lắm, học hành kết quả cũng không được cao nên tôi đã định hướng cho cháu đi học nghề công nghệ thông tin. Gia đình tôi có một ít đất mặt đường, ít nhất sau khi học nghề xong cũng có thể mở được một tiệm sửa chữa máy vi tính, kiếm miếng cơm qua ngày. Nếu để cháu học tiếp THPT thì bắt buộc sau này phải cho cháu được thử sức với đại học, khó mà kham nổi với năng lực của cháu. Hiện nay, nhiều gia đình ở địa phương tôi tích cóp cho con học đại học, cuối cùng không xin được việc, nợ nần chồng chất thấy ngao ngán quá”. 
 
Hiện nay có rất nhiều trung tâm, trường dạy nghề, đào tạo những kỹ năng làm nghề, giúp học viên ra trường có thể tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành. Nhưng để lựa chọn cho bản thân mình trường dạy nghề phù hợp nhất, trước hết phải định hướng được sở thích và khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, phải theo dõi, tìm hiểu thật kỹ các thông tin về cơ hội việc làm của ngành nghề đó sau khi tốt nghiệp ra trường. Em Nguyễn Thị Thu Hương (Di Linh) theo học ngành Kỹ thuật chế biến món ăn tại một trường dạy nghề trên địa bàn TP Đà Lạt cho biết, tốt nghiệp THPT, em cũng có giấc mơ vào đại học như bạn bè cùng trang lứa, nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ không thể trang trải cho em theo học được cho nên em đành chuyển hướng đi học nghề. Em nghĩ, vì Đà Lạt là một thành phố du lịch, nhu cầu tuyển người chế biến món ăn tại các khách sạn là khá lớn, dễ có việc làm ngay sau  khi em tốt nghiệp. 
 
Đào tạo nghề nông nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Ảnh:​ THỤY TRANG
Đào tạo nghề nông nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Ảnh:​ THỤY TRANG

Ông Trương Duy Việt - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt cung cấp: Hiện nay, nhà trường là 1 trong 45 trường được đầu tư phát triển trở thành trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Trong đó, có 6 nghề đạt chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia, bao gồm: Công nghệ sinh học, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ thông tin, Quản trị nhà hàng. Năm học 2016 - 2017, nhà trường nhận hồ sơ nhập học đến ngày 15/1/2017, chia làm ba đợt, đã có khoảng 1.000 hồ sơ nộp vào. Theo diễn biến như vậy thì cũng đáp ứng nhu cầu tuyển sinh theo kế hoạc đề ra của nhà trường.
 
Ông Việt cũng cho biết thêm, sở dĩ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT không mặn mà lắm với các trường nghề là vì chúng ta vướng mắc ở khâu phân luồng học sinh ngay từ đầu, gây khó khăn rất lớn trong việc định hướng. Tâm lý của phụ huynh và học sinh chạy theo trào lưu học đại học đã thấm sâu vào suy nghĩ, khó có thể thay đổi được một sớm một chiều. Công tác công khai thông tin tuyển sinh của các trường nghề đến các trường THPT không được thực hiện như hệ thống các trường đại học khác khi các em đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
 
BÙI ĐỨC TÚ