Mở cửa lao động thị trường ASEAN: Cơ hội và thách thức

09:08, 25/08/2016

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015. Để thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối chung, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề...

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015. Để thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối chung, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Điều đó sẽ là một thử thách khó khăn vì khi lao động các nước AEC được tự do di chuyển, làm việc, định cư và được đối xử bình đẳng tại các nước thành viên, sức ép cạnh tranh đối với lao động của nước sở tại sẽ là rất lớn.
 
Hội nhập kinh tế tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp đối với học sinh
Hội nhập kinh tế tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp đối với học sinh
Thiếu lao động tay nghề cao
 
Hiện thực hóa liên kết nội khối, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Các chuyên gia cho rằng, sự “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.
 
Lâu nay, chúng ta luôn giới thiệu về đội ngũ lao động trong nước với các đặc điểm: cần cù, chịu khó học hỏi, giá rẻ,… trong khi đó, yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn chưa bao giờ là ưu điểm của lao động Việt Nam. Ngoài ra, khi tham gia AEC, lao động ngoài việc giỏi chuyên môn còn cần có vốn ngoại ngữ để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia của AEC.
 
Hiện tại, AEC trên thực tế chỉ cho phép luân chuyển lao động trong 8 ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. So với toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, lao động nhóm này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) tổng số lực lượng lao động. Cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ. Đương nhiên lao động ở các nước khác thuộc AEC cũng phải biết tiếng Việt mới vào cạnh tranh việc làm với lao động trong nước nhưng theo các chuyên gia, nếu chính người lao động trong nước không ý thức rõ “mối nguy” này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC.
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thực trạng thị trường lao động nước ta thể hiện nghịch lý là thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Thị trường lao động ASEAN mở cửa, chúng ta có rất nhiều cơ hội, đặc biệt là có thể sang các nước khác lao động dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thách thức của thị trường lao động này cũng rất lớn, sự cần cù, chăm chỉ chưa đủ để đứng vững trên thị trường này mà nhất thiết là phải có trình độ chuyên môn, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công”.
 
Chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề
 
Theo ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nếu người lao động không ý thức được cơ hội và thách thức khi hội nhập, nâng cao năng suất và kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ và việc làm thuộc ngành nông nghiệp, ngành dệt may, sẽ khó mơ việc cạnh tranh với các nước khu vực. “Chính phủ Việt Nam cần tăng cường phát triển hệ thống giáo dục kỹ thuật và dạy nghề ở cấp trung học. Qua đó, giúp nguồn nhân lực có thể tận dụng được những lợi ích của AEC đem lại”, ông Phú Huỳnh khuyến cáo.
 
Hiện nay, tâm lý nhất định phải vào đại học đã ăn sâu vào đa số người dân nên chuyện tốt nghiệp phổ thông tìm trường nghề theo học là rất hạn chế. Trong khi các trường nghề đang được đầu tư ngày càng nhiều hơn về trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chuẩn hóa chương trình,… thì công tác tuyển sinh mỗi ngày thêm chật vật. Trong khi đó, những bạn trẻ có tay nghề tốt, ngoại ngữ tốt có thể tìm được việc làm dễ dàng hơn so với sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng thiếu kỹ năng mềm.
 
Trên thực tế, lao động trẻ Việt Nam tìm việc làm tại các quốc gia AEC hiện ngày càng tăng, hầu hết là trong các lĩnh vực du lịch dịch vụ, công nghệ thông tin, nhà hàng khách sạn… Số lao động tìm kiếm việc làm tại nước ngoài có ưu điểm là ngoại ngữ tốt, kỹ năng mềm, khả năng thích ứng tốt. Và đây cũng là mục tiêu để định hướng giáo dục Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, cung cấp kiến thức phù hợp cho học sinh, sinh viên chủ động hội nhập lao động trong khu vực và thế giới. 
 
D.Q (theo NCSEIF)