Nỗ lực của một ngôi trường vùng ven

07:08, 16/08/2016

Không chỉ nỗ lực vươn lên đạt chuẩn quốc gia, THPT Lê Hồng Phong - một ngôi trường vùng ven ở Di Linh còn có rất nhiều học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, giành giải cao tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Không chỉ nỗ lực vươn lên đạt chuẩn quốc gia, THPT Lê Hồng Phong - một ngôi trường vùng ven ở Di Linh còn có rất nhiều học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, giành giải cao tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh và cấp quốc gia.
 
Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong - Di Linh biểu diễn văn nghệ trong lễ ra trường
Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong - Di Linh biểu diễn văn nghệ trong lễ ra trường

Nỗ lực của một ngôi trường vùng ven
 
Gọi là trường vùng ven bởi trường nằm ở thôn 1 - Hòa Ninh, cách trung tâm huyện Di Linh 18 km về phía nam. Học sinh của trường chủ yếu ở các xã phía nam Di Linh như Hòa Ninh, Hòa Nam, Hòa Bắc, Hòa Trung, Đinh Trang Hòa và Liên Đầm. Năm học 2015-2016 vừa qua trường có 35 lớp với 1.159 học sinh; công tác tại đây có 91 cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CB, GV, CNV).
 
Nhưng ngôi trường vùng ven non trẻ này (thành lập năm 2000) với chủ yếu là học trò nông thôn đang có một sức vươn cực kỳ mạnh mẽ đáng được biểu dương. Đây là một trong 3 trường THPT vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng trong cuối tháng 7/2016 vừa qua có quyết định công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia (gồm THPT Đạ Tẻh, THPT Chuyên Bảo Lộc và THPT Lê Hồng Phong) và là 1 trong 11 trường đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 59 trường THPT trong toàn tỉnh hiện nay.
 
Để đạt kết quả này, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường đã xây dựng một lộ trình đạt chuẩn quốc gia từ năm học 2011-2012 và lên kế hoạch phấn đấu cho từng tiêu chí cụ thể. 
 
Trong xây dựng cơ sở vật chất, trường hiện có một khuôn viên rộng rãi gần 14.000 m2 với cây xanh, cảnh quan sạch, đẹp; 25 phòng học có gắn máy chiếu, 2 phòng thực hành Tin học với 50 máy tính có kết nối Internet, 3 phòng thực hành bộ môn, 1 phòng thí nghiệm, 1 thư viện và khu hiệu bộ khang trang. Trong đầu năm học vừa qua, trường đã đưa vào sử dụng một sân bóng cỏ nhân tạo với diện tích hơn 1.000 m 2 do trường đầu tư trên 800 triệu đồng từ nguồn quỹ của trường và xã hội hóa. 
 
Trong xây dựng đội ngũ, tất cả CB, GV, CNV của trường đến nay đều đạt và vượt chuẩn đào tạo. Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhiều năm học qua, trường đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh cũng như đổi mới công tác quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học. Dù là trường nông thôn nhưng công tác duy trì sĩ số được trường duy trì rất tốt, tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm dưới 1%, học sinh lưu ban dưới 2%; từ năm học 2012-2013 đến nay, số học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt của trường luôn đạt trên 93%; tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá giỏi hàng năm trên 40%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm luôn đạt từ 98,55% trở lên; tỷ lệ học sinh của trường đậu đại học cũng tăng dần qua các năm. 
 
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm học 2013-2014, trường xếp thứ 9/60 đơn vị của tỉnh Lâm Đồng có học sinh dự thi, điểm bình quân 14.94 điểm; năm học 2014-2015 trường có 1 học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia cao thứ nhì tỉnh Lâm Đồng, có 4 học sinh có điểm thi đại học đạt từ 26 điểm trở lên; trong năm học 2015-2016, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của trường đạt gần 99%.
 
“Có thể nói, chúng tôi là trường THPT vùng ven, vùng nông thôn duy nhất của tỉnh cho đến thời điểm này đã đạt chuẩn quốc gia” - thầy Dũng tự hào.
 
Cơ hội mới
 
Một điều độc đáo rất đáng ghi nhận của ngôi trường THPT vùng nông thôn này nữa chính là việc vận động rất tốt giáo viên và học sinh trong trường tham gia các cuộc thi của ngành GD&ĐTphát động; không ít đề tài trong số này đã giành được giải thưởng lớn trong năm học 2015- 2016 vừa qua.
 
Điển hình như một học sinh của trường, em Đoàn Lan Anh, lớp 12A3 đã đoạt giải ba cấp quốc gia cuộc thi “Giao thông học đường trên Internet” tổ chức tại Hà Nội; 3 học sinh khác, em Nguyễn Thanh Huy lớp 10A1, Phù Đức Phượng lớp 10A3 và Trương Thị Hương lớp 11A3 đoạt giải khuyến khích cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” cấp quốc gia. Hai học sinh khác của trường, em Hoàng Mai Linh và Nguyễn Thị Khánh Ly lớp 10A9 cũng đoạt giải nhì cấp tỉnh với đề tài “Hãy chung tay nhân rộng mô hình xử lý rác thải trong trường học để bảo vệ môi trường” trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các các tình huống thực tiễn. Còn em Nguyễn Văn Thịnh, học sinh lớp 10A3 đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh với đề tài “Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai”.
 
Đặc biệt, trong cuộc thi KHKT dành cho học sinh THPT, đề tài “Bước đầu nghiên cứu tác dụng của than sinh học từ vỏ sầu riêng lên một số đối tượng cây trồng” của 2 học sinh Lê Văn Tâm và Phan Thị Mỹ Nữ lớp 11A4 của trường đã xuất sắc đoạt giải ba trong lĩnh vực khoa học thực vật môi trường cấp quốc gia. 
 
Với giáo viên, rất nhiều người tại trường đã đoạt giải trong cuộc thi “Thiết kế bài giảng Elearning” do Sở GD&ĐT tổ chức, gồm 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích.
 
Theo thầy Dũng, đây là lần đầu tiên trường tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia và ông rất bất ngờ về việc đoạt giải. “Nó chứng tỏ rằng học sinh vùng nông thôn nếu cố gắng vẫn giành được các giải lớn cấp quốc gia”. Theo ông, việc đoạt giải này đã mang lại niềm tin lớn cho toàn thể thầy cô giáo và học sinh trong trường. Trong những năm học đến, trường sẽ tiếp tục mở rộng các đề tài nghiên cứu cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội để học sinh của trường cùng dự thi.
 
GIA KHÁNH