Nguồn nước sông, suối và hồ - thách thức và giải pháp

09:08, 24/08/2016

Chúng ta phải có trách nhiệm với cộng đồng, bởi vì rừng nói riêng và môi trường của Lâm Đồng nói chung nếu bảo vệ không tốt sẽ có tác động và ảnh hưởng lớn đến 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai.

Với mạng lưới sông, suối khá dày đặc cùng hệ thống ao hồ chứa khá phong phú, tài nguyên nước của tỉnh Lâm Đồng có nguồn sinh thủy rộng, mô đun dòng chảy lớn. Tổng lượng dòng chảy phát sinh trên toàn bộ diện tích là 9,8 tỷ m3, chiếm trên 50% tổng lượng mưa rơi trên diện tích toàn tỉnh. Vấn đề đang đặt ra đối với xã hội là cần tích cực bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này trước khi chất lượng nước bị ô nhiễm nặng. 
 
Bài 1: Chất lượng nước từ ô nhiễm nhẹ đến nặng
 
Ngày 20/8, trong buổi ra quân thu gom rác thải nông nghiệp tại hồ Đankia - Suối Vàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh: Chúng ta phải có trách nhiệm với cộng đồng, bởi vì rừng nói riêng và môi trường của Lâm Đồng nói chung nếu bảo vệ không tốt sẽ có tác động và ảnh hưởng lớn đến 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai. 
 
Mức độ nhiễm bẩn hữu cơ của nguồn nước hồ Đankia ngày một gia tăng trên diện rộng
Mức độ nhiễm bẩn hữu cơ của nguồn nước hồ Đankia ngày một gia tăng trên diện rộng
Với mật độ sông suối bình quân 0,6 km/km2, tổng diện tích sông suối trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 9.232 ha. Trên 60% sông suối có chiều dài hơn 10 km. Mặt khác, địa hình khá thuận lợi để xây dựng các hồ chứa và đập dâng ngay trong các khu vực sản xuất nông nghiệp; kết hợp giữa khai thác tiềm năng về thủy điện với hoạt động du lịch. Chất lượng nước sông, suối và hồ chứa luôn chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Riêng yếu tố nhân tạo gây tình trạng ô nhiễm nguồn nước là do phần lớn các đô thị, nhất là các khách sạn, nhà hàng chưa xây dựng đầy đủ hệ thống thoát nước bẩn, nước thải chỉ được xử lý qua hệ thống tự hoại hoặc bán tự hoại, có nơi còn xả thẳng xuống sông, suối, ao hồ. Ô nhiễm nguồn nước còn do chất thải ở các bệnh viện, các cơ sở y tế; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đó còn là hoạt động sản xuất nông nghiệp; các hoạt động chăn nuôi. Việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi ảnh hưởng đến chế độ thủy văn. Ô nhiễm nước còn do hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác bô xít, khai thác cát trên sông…
 
Có thể nói, diễn biến chất lượng nước sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện tại và trong tương lai là hết sức phức tạp, phụ thuộc rất nhiều khả năng kiểm soát và quản lý các nguồn gây ô nhiễm trên địa bàn. Một số dẫn chứng: Chất lượng nước suối Cam Ly đã bị ô nhiễm thể hiện qua các thông số hữu cơ (COD, BOD5), SS, kim loại và Coliform. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt nội thành và các hoạt động nông nghiệp. Chất lượng nước sông Đa Dâng có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ và chất lơ lửng. Thượng nguồn sông này chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi nước thải đô thị và sản xuất nông nghiệp thể hiện qua thông số TSS, Coliform; còn ở hạ lưu chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi quá trình sản xuất nông nghiệp và khai thác khoáng sản biểu hiện qua thông số TSS. Chất lượng nước sông Đa Nhim qua các năm từ 2010 đến 2014 có sự biến động khá lớn về thông số TSS và Coliform, trong đó Coliform có xu hướng tăng dần theo thời gian, đặc biệt vào năm 2014 một số vị trí có hàm lượng Coliform tăng cao đáng kể. Nhìn chung theo chỉ số chất lượng nước (WQI) thì chất lượng nước đoạn sông chính Đồng Nai đang có dấu hiệu bị ô nhiễm hữu cơ từ các năm trước nhưng tốc độ ô nhiễm đã tăng lên đáng kể trong năm 2014 nhất là vào mùa mưa. Đối với sông La Ngà, chất lượng nước cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm được thể hiện qua các thông số quan trắc như TSS, NH4+, Fe tổng, vi sinh. Còn sông Krông Nô đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, đặc biệt là vị trí cầu Krông Nô, được thể hiện qua các thông số quan trắc như TSS, vi sinh.
 
Về hồ cung cấp nước cho sinh hoạt, qua quan trắc 4 hồ (Chiến Thắng, Tuyền Lâm ở Đà Lạt, Đankia ở Lạc Dương và Đạ Tẻh ở Đạ Tẻh) cho thấy ngày càng báo động ô nhiễm. Hồ Chiến Thắng thuộc thượng nguồn của suối Cam Ly; hồ Đankia thuộc thượng lưu sông Đa Dâng, hồ Đạ Tẻh thuộc phụ lưu sông Đạ Tẻh và trong hệ thống sông Đồng Nai. Áp lực môi trường cho nước mặt tại các vị trí này chủ yếu là chất thải sinh hoạt, canh tác nông nghiệp, du lịch… Cụ thể, chất lượng nước hồ Đankia đã bị ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ, TSS và Coliform. Tình trạng ô nhiễm ở hồ này đang có xu hướng ngày càng xấu theo thời gian quan trắc. Đặc biệt từ năm 2013 - 2014, đợt quan trắc tháng 10/2014, có sự phát triển chiếm ưu thế của loài tảo Lam Microcystis aeruginosa, (loài có khả năng gây độc cho các loài thủy sinh và con người) cho thấy mức độ nhiễm bẩn hữu cơ của hồ Đankia đang ngày một gia tăng trên diện rộng. Đối với hồ Tuyền Lâm, chất lượng nước sinh học tầng mặt chưa được cải thiện và có chiều hướng ô nhiễm hơn theo thời gian quan trắc, tại hầu hết các điểm khảo sát trong tháng 10/2014 đều ở mức ô nhiễm và ô nhiễm nặng. Mức độ đa dạng thành phần loài các đối tượng thủy sinh vật đạt mức trung bình và khá cao, nguồn nước hồ Tuyền Lâm đã và đang bị ô nhiễm ở mức độ nhẹ tới rất ô nhiễm do chịu ảnh hưởng nhiều của các hoạt động xả thải từ canh tác nông nghiệp cũng như chất thải từ đô thị. Hồ Đạ Tẻh, theo kết quả quan trắc năm 2014 khi so sánh với các năm 2010 - 2013 cho thấy thông số SS và các thông số hữu cơ có nồng độ tăng giảm rõ rệt. 
 
Kết quả quan trắc chất lượng nước hồ năm 2014 so sánh các năm 2010 - 2013 cho thấy, thông số SS tại hồ Nam Phương, Tân Rai, Lộc Thắng có xu hướng giảm nồng độ qua các năm và giá trị nồng độ SS thường cao vào mùa khô và các thời điểm giao mùa. Thông số COD, BOD5 có xu hướng tăng nồng độ vào thời điểm giữa mùa mưa và giao giữa mùa mưa, mùa khô. Còn hồ Xuân Hương, tuy không phải là hồ cung cấp nước cho sinh hoạt nhưng rất quan trọng cho cảnh quan và điều tiết khí hậu của trung tâm thành phố Đà Lạt. Hồ Xuân Hương là nguồn tiếp nhận rất nhiều loại nước thải từ các khu sản xuất nông nghiệp (rau, hoa..), khu dân cư trên lưu vực và là nơi nhận nước mưa từ các hệ thống thoát nước quanh thành phố Đà Lạt. Kết hợp cả hai thông số quan trắc hóa lý và thủy sinh trong hồ Xuân Hương cho thấy, chất lượng nước ở các nguồn nước đổ đầu vào hồ này và chất lượng nước trong hồ vẫn bị ô nhiễm và suy giảm. Mặc dù thời gian qua chất lượng nước hồ Xuân Hương được nhiều nhà khoa học và các cấp chính quyền địa phương quan tâm tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, tuy nhiên do diện tích lưu vực hồ rộng bao gồm các khu dân cư đông đúc, thời tiết, khí hậu thay đổi, hình thức canh tác nông nghiệp thay đổi, dung tích hồ lớn nên chất lượng nước vẫn chưa được cải thiện nhiều, mức độ nhiễm bẩn hữu cơ vẫn ở mức cao được thể hiện qua các chỉ tiêu quan trắc… 
 
Diễn biến chất lượng nước sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện tại và trong tương lai là hết sức phức tạp, phụ thuộc rất nhiều khả năng kiểm soát và quản lý các nguồn gây ô nhiễm trên địa bàn.
 
Bài 2: Tác động do ô nhiễm môi trường nước và giải pháp 
 
MINH ĐẠO