Tại lễ ra quân thu gom rác thải nông nghiệp ở hồ Đankia - Suối Vàng ngày 20/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chỉ đạo các Sở NN&PTNT, TN&MT và các ngành, các đơn vị, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên...
Tác động do ô nhiễm môi trường nước và giải pháp
[links(right)]
Tại lễ ra quân thu gom rác thải nông nghiệp ở hồ Đankia - Suối Vàng ngày 20/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chỉ đạo các Sở NN&PTNT, TN&MT và các ngành, các đơn vị, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Đã là sự muộn màng khi chất lượng nguồn nước các sông, suối, ao hồ đang nhiễm bẩn và không ít nơi ngày càng ô nhiễm nặng. Sông, suối, ao hồ sẽ “chết” kéo theo nhiều hệ lụy xấu đến sự sống của con người, vì vậy rất cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S (đứng giữa) cùng tham gia thu gom rác thải nông nghiệp |
Những tác động không nhỏ
Trước hết, khi môi trường nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và làm gia tăng chi phí cho bệnh tật. Từ đó, sẽ kéo theo những ảnh hưởng tâm lý bất ổn, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống như lao động, học tập… Ô nhiễm môi trường nước cũng gây những thiệt hại kinh tế không nhỏ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Thực tế tại Lâm Đồng cho thấy hậu quả từ ô nhiễm nguồn nước đã ảnh hưởng rất lớn đến 2 mũi nhọn kinh tế của tỉnh là nông nghiệp và du lịch. Đó là nguồn nước tưới làm hư hại cây cối và làm chết một lượng cá nhỏ trong ao hồ của nhân dân và đó là sự ô nhiễm của nguồn nước tại một số điểm du lịch làm giảm hẳn lượng du khách đến tham quan…
Bên cạnh đó, các thiệt hại kinh tế từ việc khắc phục sự cố môi trường do khai thác, chế biến khoáng sản cũng đã trở thành gánh nặng đối với nhiều địa phương. Dẫn chứng như việc khai thác và chế biến khoáng sản ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, gây bức xúc đối với người dân, làm mất ổn định an ninh - trật tự trong khu vực.
Khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm, khai thác quá mức, cộng thêm việc giữ nước của các công trình thủy điện dẫn đến tình trạng thiếu nước trong cộng đồng dân cư. Ô nhiễm nước mặt còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái dưới nước - thủy sinh và những khu vực có hệ thống sông, suối, ao hồ bị ô nhiễm chảy qua. Nhiều loài thủy sinh do hấp thụ các chất độc trong nước, thời gian lâu ngày hoặc gây biến đổi đột biến gen, tạo nhiều loài mới hoặc một số trường hợp bị chết. Mặt khác, khi các chất ô nhiễm từ nước thấm vào đất không những gây ảnh hưởng đến đất mà còn ảnh hưởng đến cả các sinh vật đang sinh sống trong đất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều cây cối còi cọc, khả năng kháng bệnh kém, không phát triển được hoặc có thể bị thối gốc mà chết...
Khẩn trương bảo vệ nguồn nước
Những năm gần đây, trung ương và Lâm Đồng triển khai nhiều giải pháp để “cứu” lấy nguồn nước nói riêng và môi trường nói chung. Tuy nhiên, chưa đủ để cải thiện tốt nguồn nước mà cần đồng thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp vừa bao hàm tính vĩ mô vừa cụ thể hóa tính vi mô. Đó là, nâng cao chất lượng, hoàn thiện giải pháp về mặt thể chế chính sách, luật pháp liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường. Giải pháp về mặt tài chính là đầu tư bố trí kinh phí đáp ứng được các hoạt động bảo vệ môi trường, mua sắm trang thiết bị quan trắc, xây dựng các công trình xử lý cho bảo vệ môi trường. Tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng, đủ số lượng đáp ứng được công tác quản lý, thực hiện tốt các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường. Đó còn là các giải pháp về quy hoạch phát triển như tiến hành đánh giá môi trường chiến lược cho các quy hoạch phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật; các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật và các giải pháp cụ thể khác như ứng dụng các công nghệ mới trong bảo vệ môi trường, tranh thủ huy động các nguồn lực trong hợp tác quốc tế. Đồng thời, xây dựng cơ chế, quy chế bảo vệ môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường…
Một trong những nhiệm vụ cụ thể hiện nay đang được tiến hành triển khai là xây dựng Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn năm 2012 đến năm 2020. Trong đó, có nội dung rất cụ thể là kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp; khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao; triển khai các đề tài nghiên cứu sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc BVTV trong nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm tới môi trường. Việc hàng trăm cán bộ và người dân của các cơ quan khối kinh tế-kỹ thuật tỉnh và huyện Lạc Dương ra quân thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp tại hồ ĐanKia-Suối Vàng diễn ra ngày 20/8 theo sáng kiến của Sở TN&MT rất cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ một cách thường xuyên và hiệu quả thiết thực hơn. Đặc biệt, qua những đợt thu gom xử lý này, vấn đề quan trọng và có ý nghĩa nhất chính là tuyên truyền sâu rộng về ý thức bảo vệ môi trường nước trong cộng đồng nói chung và các hội viên Hội Nông dân nói riêng. Được biết, sau khi UBND tỉnh giao cho Sở TN&MT xây dựng Đề án thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV, Giám đốc Sở này - ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết: Sở đã tổ chức hội nghị tổng hợp ý kiến của các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan và đang chỉnh sửa lần cuối để trình tỉnh phê duyệt và ban hành. Đây sẽ là một tín hiệu đáng mừng trong “cuộc chiến” giành giật sự trong sạch trở lại cho nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cũng nhằm bảo vệ nguồn nước, đồng thời cần triển khai thực hiện các giải pháp bằng những hành động hết sức cụ thể khác như bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; bảo vệ môi trường trong công nghiệp; bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý, xử lý chất thải rắn... Chỉ khi nào mọi cấp, mọi ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân phải chấp hành nghiêm túc Nghị định số 43/2015-NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ “Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước” thì sự phát triển của xã hội mới thực sự bền vững và văn minh.
MINH ĐẠO