Từ năm 2008, Lâm Đồng và Sơn La là 2 tỉnh đầu tiên được Chính phủ chọn thực hiện thí điểm Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Từ năm 2008, Lâm Đồng và Sơn La là 2 tỉnh đầu tiên được Chính phủ chọn thực hiện thí điểm Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Theo đó, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) được thành lập, khẳng định sự đúng đắn trong bối cảnh mới bảo vệ môi trường, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo nguồn lực tài chính bền vững phục vụ công tác BV&PTR, gắn cải thiện sinh kế cho người tham gia giữ rừng.
|
Cần tiếp tục tuyên truyền mạnh để nhân rộng mô hình ý thức cộng đồng bảo vệ rừng |
Năm năm chi 686.687 triệu đồng
Mặt thuận lợi là Quỹ BV&PTR tỉnh Lâm Đồng được thành lập ngay trong giai đoạn thí điểm để tiếp cận và đúc kết kinh nghiệm từ thực tế quản lý thu chi nguồn tài chính mới; sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp lãnh đạo tỉnh và hỗ trợ tích cực của các sở ban ngành, chính quyền địa phương… Chặng đường 5 năm (từ 2011-2015), kết quả huy động các nguồn thu ngày càng có hiệu quả. Tổng số tiền DVMTR đã thu là 752.179 triệu đồng, đạt 115% so với kế hoạch. Trong đó, thu trong tỉnh chiếm 39,06% và thu ngoài tỉnh 60,94% và cơ sở sản xuất thủy điện chiếm 94,09%; cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch 5,41%; cơ sở kinh doanh du lịch 0,5%. Lâm Đồng còn triển khai thu tiền trồng rừng thay thế. Từ 2012 đến 31/12/2015 là 149.181 triệu đồng, tương ứng diện tích rừng phải trồng 1.760,42 ha. Tuy nhiên, chưa thu được 143.126 triệu đồng từ Công ty thủy điện Đồng Nai 3 và 4, tương ứng 1.689,58 ha trồng rừng thay thế.
Về thực hiện chi tiền DVMTR, tổng số đã giải ngân trong 5 năm (2011-2015) là 686.687 triệu đồng, đạt 92% kế hoạch. Trong đó, các chủ rừng 606.123 triệu đồng, quản lý Quỹ tỉnh 68.196 triệu đồng và trích lập quỹ dự phòng 12.368 triệu đồng. Đối tượng được chi trả chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, tổ chức có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với chủ rừng là tổ chức nhà nước. Theo Quỹ QLBVR, diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR để quản lý, bảo vệ và số hộ tăng dần theo từng năm (diện tích chi trả bình quân hàng năm khoảng 330.000 ha; số hộ dân được chi trả hàng năm khoảng 16.000 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%). Ngoài ra, trong 2 năm 2014 và 2015, tỉnh đã phân bổ triển khai thực hiện trồng rừng thay thế 898,13 ha với kinh phí 76.081 triệu đồng và hỗ trợ hoạt động chống chặt phá rừng, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép 1.455 triệu đồng …
Hiệu quả mang lại và thực tế cần khắc phục
Chính sách chi trả DVMTR đã được sự đồng thuận cao của người dân tham gia; các hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo phấn khởi và đồng tình. Tổng số hộ dân tham gia BVR cung ứng DVMTR được chi trả tiền năm 2011 là 12.113 hộ, đến năm 2015 tăng lên 17.073 hộ (trong đó trên 70% hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Nhờ vậy, diện tích rừng được khoán và chi trả tiền DVMTR từ năm 2011 đến năm 2015 tăng dần theo các năm (năm 2015 tăng 30% so với 2011). Chủ trương này đã đóng góp tích cực vào cải thiện hình thức tuần tra khoán QLBVR; có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa đơn vị chủ rừng với Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương trong triển khai khoán BVR, QLBVR…Với hình thức tổ chức khoán BVR theo tổ (nhóm) các hộ nhận khoán trong cùng thôn, buôn đã liên kết được sức mạnh tập thể của các hộ nhận khoán để phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác tuần tra bảo vệ rừng. Việc cải thiện sinh kế người dân và nâng cao nhận thức của bên sử dụng và bên cung cấp DVMTR thực sự đã rõ.
Tuy chất lượng bảo vệ rừng tốt hơn nhưng cũng cần nhìn nhận rõ hạn chế là kết quả nghiệm thu diện tích rừng cung ứng DVMTR hàng năm vẫn còn bị mất, bị phá. Tình hình vi phạm Luật BV&PTR đang diễn ra phức tạp trong những năm qua. Một số đơn vị được cung ứng DVMTR vẫn chưa thực hiện nộp tiền sử dụng DVMTR với số nợ là 1.088 triệu đồng. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chính sách chi trả DVMTR chưa được triển khai đến hết tất cả các đối tượng liên quan… Mặt khác, vẫn còn những hạn chế từ các quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách như diện tích có rừng tự nhiên ngoài quy hoạch 3 loại rừng chưa đề cập chi trả; chưa điều chỉnh mức chi trả phù hợp; chưa có hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với các đơn vị sử dụng DVMTR không nộp và chậm nộp tiền DVMTR...
Đánh giá 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Việc triển khai thành công và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trước hết là sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo UBND tỉnh, của Sở NN&PTNT, sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các đối tượng sử dụng và cung ứng DVMTR. “Cần chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về chính sách chi trả DVMTR cho các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhân dân; tích cực chủ động làm việc, đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện việc nộp tiền ủy thác DVMTR, lập tờ khai quyết toán tiền DVMTR và thực hiện các cam kết theo đúng các quy định ký kết trong hợp đồng ủy thác...”, ông Phạm S nhấn mạnh.
MINH ĐẠO