Những "công trình nghiên cứu" từ trường huyện

08:08, 26/08/2016

Mặc dù không có nhiều điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học (NCKH) như học sinh ở thành phố nhưng học sinh nông thôn, miền núi lại có những ưu thế riêng và nếu biết tận dụng những ưu thế đó...

Mặc dù không có nhiều điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học (NCKH) như học sinh ở thành phố nhưng học sinh nông thôn, miền núi lại có những ưu thế riêng và nếu biết tận dụng những ưu thế đó. Những đề tài nghiên cứu đoạt giải trong các kỳ thi cấp Quốc gia trong những năm qua đã chứng minh điều này. Để làm được điều đó, các trường THPT đã có nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết khó khăn, từ đó nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) của học sinh.
 
Những “quả ngọt” đầu tiên
 
Mới được thành lập từ năm 2012, trường THPT Hùng Vương tại thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương vẫn còn là cái tên khá mới mẻ trong Cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp quốc gia lần thứ VIII năm học 2015-2016 được tổ chức vào tháng một vừa qua. Thế nhưng, ngay lần đầu tiên tham gia, ngôi trường vùng huyện này đã ngay lập tức ghi dấu ấn với đề tài: “Máy đánh bóng quả hồng”.
 
Trần Đức Lợi và Đỗ Thị Tú Uyên - hai học sinh là tác giả của đề tài chia sẻ: Xuất phát từ thực tiễn tại địa phương, chúng em nhận thấy quả hồng là loại quả đặc sản của tỉnh Lâm Đồng nói chung và thị trấn D’ran nói riêng. Từ lâu nay, việc cấy, ghép... tạo ra những quả hồng đảm bảo chất lượng đã được người dân địa phương thực hiện khá thuận lợi và ổn định. Tuy nhiên, công đoạn làm sạch, đẹp quả hồng lại tốn khá nhiều thời gian và công sức. Thực tế, người dân địa phương thường phải thuê nhân công lau chùi quả hồng bằng phương pháp thủ công. Chính vì vậy mà chúng em muốn tạo ra một chiếc máy có khả năng lau chùi, đánh bóng quả hồng, tiết kiệm được nhiều thời gian, sản phẩm lại đồng đều và ít tốn nhân công lao động.
 
Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, thử nghiệm dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Trần Quốc Doanh, hai bạn đã chế tạo ra chiếc máy đánh bóng quả hồng, hoạt động dựa trên nguyên lý hoạt động của lực ma sát giữa ba trục quay có gắn vải với quả hồng nhờ vào sự tạo ra lực quay của mô tơ. Sau nhiều lần thử nghiệm trên thực tế để rút kinh nghiệm, sản phẩm đã được hoàn thiện. Đảm bảo được những tiêu chí đánh giá của hội đồng thẩm định về tính sáng tạo, tính khả thi, dễ thực hiện, phục vụ tốt cho nhu cầu nông nghiệp tại địa phương; đề tài này đã xuất sắc đoạt giải nhất lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí và giải ba toàn cuộc trong Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học vừa rồi. Đây không chỉ là niềm vui mà còn là niềm hy vọng về khả năng sáng tạo KHKT của học sinh vùng nông thôn, miền núi.
 
Thầy trò vượt thách thức để sáng tạo
 
Những kết quả đạt được của các trường THPT tại các huyện tất nhiên chưa cao so với một số trường đã có bề dày thành tích trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên điều này cũng đã góp phần khẳng định rằng các trường trung học ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn cũng có nhiều lợi thế trong việc nghiên cứu KHKT. Bởi lẽ, theo cô Phạm Thị Ngọc Trâm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, phần lớn các đề tài nghiên cứu KHKT của học sinh nông thôn đều xuất phát từ ý tưởng quan sát trong cuộc sống, trong sinh hoạt đời thường, đặc biệt là trong lao động sản xuất. Ý tưởng là tiền đề của dự án nghiên cứu khoa học. Những trải nghiệm thực tế chính là ưu thế của học sinh trường huyện mà chưa chắc học sinh thành phố đã có được. Trong những lần tổ chức cuộc thi nghiên cứu KHKT, dựa vào những ý tưởng mới lạ và có tính ứng dụng cao và thực tiễn, nhà trường và các giáo viên sẽ cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp các em hoàn thiện ý tưởng và biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể.
 
Nhận thấy các hội thi KHKT là những sân chơi hết sức bổ ích, góp phần giáo dục toàn diện học sinh phổ thông, giúp các em biết vận dụng kiến thức trong sách vở vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, các trường đã có nhiều biện pháp nhằm khuyến khích phong trào nghiên cứu trong học sinh, tuy nhiên thực tế vẫn còn gặp nhiều thách thức.
 
Tại Trường THPT Di Linh, thầy Nguyễn Văn Chương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, cũng như tình trạng chung của hầu hết các trường ở nông thôn, miền núi, khi tổ chức nghiên cứu khoa học trong học sinh, thầy trò gặp phải nhiều khó khăn chung về trình độ và khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học của đội ngũ giáo viên, về số lượng cũng như chất lượng các đề tài nghiên cứu của học sinh, về kinh phí hỗ trợ, về sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh... Bên cạnh đó, học sinh vẫn nghĩ NCKH là việc to lớn và mơ hồ nên không mấy mặn mà, hào hứng với hoạt động này. Để giải quyết điều này, các trường vẫn đang cố gắng tìm mọi biện pháp để dần khắc phục.
 
Thầy Chương cho biết thêm, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường dạy học theo định hướng NCKH để học sinh làm quen với NCKH, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ về vật chất và hướng dẫn khoa học để giúp các em thực hiện các dự án; gắn kết cuộc thi KHKT với các cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và các cuộc thi tiếng Anh. Đặc biệt, bồi dưỡng tiếng Anh để học sinh tìm tài liệu nghiên cứu và trình bày báo cáo,... nỗ lực tìm tòi các giải pháp để triển khai các hoạt động NCKH trong học sinh có hiệu quả.
 
VIỆT QUỲNH