Nằm trong hành trình "Sách đi tìm người đọc" của Thư viện Lâm Đồng, nửa năm qua, sách đã "tìm" đến với hơn 1.300 người lầm lỡ đang thực hiện thi hành án tại trại giam Đại Bình (Tổng Cục VIII - Bộ Công an, đóng chân tại Lộc Thành - Bảo Lâm). Những trang sách đã có sức cảm hóa mạnh mẽ, như thắp lên niềm tin cuộc sống cho những phạm nhân đang cải tạo ở đây.
Nằm trong hành trình “Sách đi tìm người đọc” của Thư viện Lâm Đồng, nửa năm qua, sách đã “tìm” đến với hơn 1.300 người lầm lỡ đang thực hiện thi hành án tại trại giam Đại Bình (Tổng Cục VIII - Bộ Công an, đóng chân tại Lộc Thành - Bảo Lâm). Những trang sách đã có sức cảm hóa mạnh mẽ, như thắp lên niềm tin cuộc sống cho những phạm nhân đang cải tạo ở đây.
|
Ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng trao giải nhất cho 2 phạm nhân xuất sắc trong cuộc thi “Quyển sách tôi yêu” |
Sách “tìm” phạm nhân
19 giờ tối, đêm xuống những dãy nhà giam ở Trại giam Đại Bình vắng lặng. Đối với các trại giam thì đó thường là lúc cảm giác tội lỗi bắt đầu ùa về; còn giờ đây các phạm nhân đều chăm chú đọc sách. Những trang sách vừa là người bạn vừa là người thầy tiếp thêm nghị lực sống, mở ra cho họ những suy nghĩ tích cực về cuộc đời. Phạm nhân Lê Thọ (đội 18) tâm sự: “Tôi như một đứa trẻ khi đọc lại những mẩu chuyện trong sách và tôi học tập được trong đó những đức tính ngay thẳng, trung thực, khiêm tốn, lòng dũng cảm, đức hy sinh, vị tha, bao dung, tính tiết kiệm, sự giản dị, tinh thần lạc quan và hy vọng… Chính là những bài học mà tôi đã từng được học nhưng lại không làm được, tôi muốn mình trở lại tuổi thơ để làm một con người như thế và tôi biết không bao giờ là quá muộn. Tôi đã từng mất niềm tin vào cuộc sống, các câu chuyện trong sách đã cho tôi lấy lại niềm tin và hy vọng mà tôi đã mất”.
Tổng kết cuộc thi Ban Tổ chức đã trao 3 giải tập thể, 12 giải cá nhân gồm 2 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích cho các phạm nhân tham gia. 2 giải nhất cho: Phạm nhân Trần Thái Huy với bài viết về sách “Gửi lời xin lỗi” của NXB CAND và phạm nhân Lê Bá Long với bài viết về sách “Những người một thời lầm lỡ” của tác giả Nguyễn Văn Học.
|
Trên hành trình “Sách đi tìm người đọc”, Thư viện Lâm Đồng đưa sách đến tận tay bạn đọc, qua đó, nhằm phát huy vai trò của sách trong đời sống xã hội, khơi dậy văn hóa đọc, kích thích niềm đam mê đọc sách của mọi người. Sách “dừng chân” ở Trại giam Đại Bình, “tìm” đến với phạm nhân không chỉ đem ánh sáng tri thức đến với họ, mà còn thể hiện hơi ấm tình người, để những người phạm tội thấy rõ rằng cộng đồng xã hội không bỏ rơi họ, vẫn tin vào con đường hoàn lương “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, xã hội luôn dang rộng vòng tay đón những người biết “chạy lại”. Có thể nói việc đặt điểm thư viện tại Trại giam Đại Bình đã phát huy đúng tác dụng và giá trị của những trang sách, như ông Hồ Thanh Hà - Giám đốc Thư viện Lâm Đồng đã nói vui: “Sách đã “tìm” đến đúng đối tượng bạn đọc đang rất cần nó”.
Với sự hỗ trợ 1.500 đầu sách ban đầu từ Thư viện Lâm Đồng, Trại giam Đại Bình đã thành lập nên một thư viện chính tại trung tâm, rồi phân ra các đầu mối ở các dãy nhà, ở các khu giam giữ đều có phòng đọc sách khang trang và tủ bảo quản sách, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho phạm nhân mượn sách, đọc sách. Sách ở các tủ sẽ được luân chuyển giữa các khu với nhau cho hết một lượt. Hàng ngày hệ thống truyền thanh nội bộ đều khuyến khích động viên phạm nhân tích cực đọc sách, mượn sách. Qua nửa năm hoạt động, đã có hơn 5.000 lượt phạm nhân mượn sách đọc, nhiều phạm nhân mượn đọc nhiều lần, nhiều sách. Ông Hồ Thanh Hà cho biết, để tủ sách luôn mới, Thư viện Lâm Đồng sẽ thực hiện luân chuyển 6 tháng/đợt - đưa 1.000 cuốn sách mới về trại giam, Ban Giám đốc trại giam lại tiếp tục làm công việc luân chuyển qua từng dãy nhà giam, để tất cả các phạm nhân đều có thể đến gần sách, tự tay lựa chọn đọc những cuốn mình yêu thích. Khi 1.000 cuốn sách được đọc hết, nghĩa là không còn “mới” nữa, Thư viện Lâm Đồng lại tiếp tục luân chuyển thay thế 1.000 cuốn khác từ kho tài liệu dồi dào của thư viện, và sách đến với Trại giam Đại Bình luôn luôn mới, hấp dẫn bạn đọc.
Lướt mắt lên kệ sách, lật mở từng trang, càng thấy việc chọn sách luân chuyển đến trại giam cũng là việc làm có trách nhiệm. Sách hay là sách phù hợp với từng đối tượng người đọc tùy vào từng hoàn cảnh, như hiểu rõ người đọc cần gì, ngoài các thể loại phong phú về khoa học, lịch sử, văn học, những cuốn học làm người như: Gửi lời xin lỗi, Những nẻo đường hoàn lương, Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, tủ sách tâm hồn... được phạm nhân truyền tay nhau đọc. Thượng tá Nguyễn Văn Huy - Phó Giám thị Trại giam Đại Bình đã đánh giá cao hiệu quả tích cực của sách và các hoạt động văn hóa đã hỗ trợ tích cực cho công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân, giúp phạm nhân tự học, tự tu dưỡng chấp hành nghiêm nội quy trại giam, cải tạo tốt sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Sức cảm hóa từ những trang sách
Cuộc thi viết “Quyển sách tôi yêu” dành cho các phạm nhân có thể nói là một “sáng kiến” lớn của Ban Giám đốc trại giam trong hành trình sách “tìm” phạm nhân. Lần đầu tiên tại một nơi mà nghĩ đến người ta chỉ cho là những con người của tội lỗi thường có chung một nguyên nhân dẫn đến phạm tội là “hạn chế về trình độ, nhận thức”; thì giờ đây diễn ra một cuộc thi chữ nghĩa, rất nghiêm túc, rất sôi nổi. Phạm nhân cùng đến thư viện, cùng tìm sách, đọc đi đọc lại cuốn sách hay mình thích, và viết lên cảm tưởng suy nghĩ về cuốn sách, ý nghĩa của sách, bài học rút ra từ sách. Thượng tá Nguyễn Văn Huy - Phó Giám thị làm trưởng ban cuộc thi viết, Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phân trại làm phó ban, các đồng chí phó đội trưởng các tổ nghiệp vụ làm ủy viên, đồng thời thành lập ban giám khảo chấm bài dự thi. Thể lệ cuộc thi, yêu cầu, mục đích, ý nghĩa của cuộc thi được đưa tới toàn thể phạm nhân trong toàn trại qua hệ thống loa phát thanh nội bộ mỗi buổi chiều.
Sau 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 225 bài của 216 phạm nhân tham gia, có phạm nhân viết 2 đến 3 bài về 2 - 3 cuốn sách mình yêu thích. Có cả những nét chữ nguệch ngoạc, cả vô số lỗi chính tả, bởi đa số phạm nhân có trình độ từ lớp 1 - 5 (28 phạm nhân), lớp 6 - 9 (109 phạm nhân), nhiều người từ ngày rời trường học mấy mươi năm, nay mới lại ngượng ngập cầm đến bút. Nhưng đằng sau những dòng chữ ấy vẫn chứa đựng vẻ đẹp nhân văn ẩn bên trong những con người từng lầm lỗi. Ngồi trước giấy trắng, phạm nhân đã gửi gắm tâm tư tình cảm, nhận thức của mình đối với quyển sách mà họ đã đọc và tâm đắc nhất, những nỗi lòng được viết lên, cảm nhận về những cuốn sách hay, những bài học, sách dẫn dắt họ đến với con đường hoàn lương. Đó là tâm sự, rung cảm thật về cuộc đời mà sách đã “dạy” họ. Để khi chấm bài, có những giọt nước mắt của cán bộ quản giáo đã rơi khi thấy nhiệm vụ mình đang ngày đêm vất vả “gặt” được thành quả. Đọc những dòng cảm xúc của các phạm nhân sau khi đọc sách, những người có trách nhiệm làm công tác chấm điểm càng tin rằng khi trở về đời thường họ trở thành người lương thiện, lao động chân chính, hòa nhập cộng đồng, và còn có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Phạm nhân Lê Bá Long với bài viết đoạt điểm cao nhất (9,5đ) viết về cuốn sách “Những người một thời lầm lỡ” đã thổ lộ lòng mình qua những dòng chữ: “Qua cuốn sách “Những người một thời lầm lỡ” nói lên bao nhiêu tội lỗi, những người đã từng lầm đường lạc lối nhưng sau đó đã được tỉnh ngộ, quyết tâm sửa đổi trở thành người có ích cho xã hội. Tác phẩm đã giúp tôi tự tin hơn với cuộc sống hiện tại, làm cho tôi vươn lên trong cuộc sống. Mái trường cải tạo Đại Bình đã làm cho tôi thay đổi suy nghĩ, nhận thức để sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình và cộng đồng xã hội, sống cuộc sống ý nghĩa tốt đẹp hơn”. Phạm nhân Trần Thái Huy (đồng giải nhất) cảm nhận về cuốn sách “Gửi lời xin lỗi” của nhiều tác giả do NXB CAND ấn hành: “Còn rất nhiều những câu chuyện thương tâm, những lá thư đầy sám hối của mỗi con người. Đối với mỗi phạm nhân chúng ta, ngoài hậu quả pháp lý do hành vi của mình gây ra, chúng ta còn phải trả giá bằng những năm tháng trong trại giam, nhưng đau đớn và khổ tâm nhất là phải gánh chịu bản án lương tâm. Nếu không có sự tha thứ của người bị hại và thân nhân người bị hại, những ngày tháng đáng sợ sẽ kéo dài mãi. Những lời ăn năn sám hối của chúng ta dù biết rằng có thể không được tha thứ nhưng bản thân tôi tin rằng khi đã nói được lời xin lỗi chân thành, vượt qua mặc cảm tội lỗi, sẽ vơi đi nỗi day dứt. Tôi tin rằng lời sám hối chân thành, mong muốn vươn lên làm người lương thiện sẽ luôn được mọi người đón chờ và mở lòng tha thứ…”. Xúc động hơn cả là những lời nhắn nhủ chân thành của phạm nhân đối với những ai đang có ý định bước chân vào tội lỗi, như một lời cảnh tỉnh: hãy dừng lại để không khỏi hối hận. Đặc biệt nhất, sau khi đọc và nghiên cứu cuốn sách “Tác phẩm giải thưởng Hồ Chí Minh”, phạm nhân Đỗ Doãn Lý (đội 37) đã thể hiện bài viết của mình trên 20 trang giấy kẻ ngang, trình bày công phu từng phần, từng mục và đóng thành tập thể hiện nhận thức sâu sắc của mình và mong muốn các phạm nhân khác tìm đọc… Không thể kể hết những tâm sự mà các phạm nhân đã viết qua cuộc thi. Sách không chỉ bổ sung giá trị đạo đức cho những con người thiếu hụt, mà còn uốn nắn những nhân cách lệch lạc trở thành người lương thiện.
Cuối những con đường hầm bao giờ cũng là những tia sáng lóe lên. Những trang sách đã thực sự là những tia hy vọng đang nhen nhóm, giúp các phạm nhân đốt lên trong những ngày mau được trở về với gia đình. Sức cảm hóa mạnh mẽ từ sách làm cho con đường hoàn lương của họ thực sự trở nên gần.
QUỲNH UYỂN