Sau 4 năm thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam bậc tiểu học trong tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã có những đánh giá cụ thể, đồng thời chỉ đạo vẫn tiếp tục duy trì các lớp học theo mô hình này trong năm học đến.
Sau 4 năm thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam bậc tiểu học trong tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lâm Đồng đã có những đánh giá cụ thể, đồng thời chỉ đạo vẫn tiếp tục duy trì các lớp học theo mô hình này trong năm học đến.
|
Trong giờ học áp dụng mô hình VNEN tại Tiểu học Tà Nung - Đà Lạt |
Đổi mới dạy và học bậc tiểu học
Bắt đầu triển khai tại Lâm Đồng từ năm học 2012 - 2013, mô hình Trường học mới Việt Nam - khởi đầu từ Dự án GPE - VNEN (hay gọi tắt là mô hình VNEN) đến nay đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc đổi mới giáo dục (GD) bậc tiểu học (TH) của tỉnh.
Trong năm học 2012 - 2013, 12 huyện, thành trong tỉnh, mỗi địa phương chọn 1 trường TH để áp dụng VNEN, bắt đầu từ lớp 3 với tổng cộng gần 5 nghìn học sinh học theo mô hình này. Trong năm học 2013 - 2014 kế tiếp, số trường tham gia VNEN tăng lên 32 trường, 452 lớp với trên 13 nghìn học sinh học theo chương trình.
Năm học 2014 - 2015, VNEN được áp dụng đến lớp 5, số trường TH trong tỉnh thuộc Dự án GPE-VNEN vẫn là 12 trường với hơn 5.200 học sinh; tuy nhiên, số trường nhân rộng mô hình VNEN tăng lên 107 trường, 1.559 lớp, trên 46.500 học sinh.
Năm học 2015 - 2016 vừa qua, Lâm Đồng vẫn duy trì 12 trường TH thuộc Dự án nhưng do 1 trường sáp nhập với một trường khác nên chỉ còn 11 trường, đồng thời số trường nhân rộng VNEN bậc TH tiếp tục tăng với 158 trường, gần 70 nghìn học sinh. So với tổng số trường TH trong toàn tỉnh, số trường áp dụng theo mô hình VNEN đến thời điểm này đạt tỷ lệ 66,8%.
Để thực hiện tốt mô hình này, Sở GD&ĐT Lâm Đồng hằng năm thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng giáo viên dạy theo chương trình; khuyến khích giáo viên chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp qua sinh hoạt chuyên môn tại tổ, trường và cụm trường.
Có nhiều phản hồi tích cực sau 4 năm Lâm Đồng thực hiện mô hình VNEN bậc TH trong tỉnh. Trước nhất là chất lượng dạy và học được nâng cao, kết quả học tập của học sinh nói chung qua kiểm tra định kỳ đều đạt kết quả cao; tinh thần và thái độ học tập của học sinh thay đổi tích cực. Học sinh theo chương trình hầu hết đều có khả năng tự học, tự thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua sự hướng dẫn của cặp đôi, của nhóm và của giáo viên; việc học trở nên nhẹ nhàng và hứng thú hơn; tính kỷ luật, hợp tác, tinh thần làm việc nhóm dần được hình thành và phát triển. Hằng năm, tỷ lệ học sinh VNEN hoàn thành chương trình lớp học và hoàn thành chương trình TH đạt 100%, duy trì sĩ số đạt 100%, nhiều học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi của tỉnh và quốc gia, khi vào lớp 6 VNEN trong bậc THCS các em vẫn học tốt.
Không nhân rộng thêm trong năm học 2016 - 2017
Vẫn có không ít những khó khăn trong việc thực hiện mô hình VNEN tại Lâm Đồng. Là tỉnh miền núi, việc triển khai và nhân rộng mô hình tại các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh còn gặp nhiều trở ngại; ở nhiều trường, cơ sở vật chất chưa đáp ứng; sĩ số học sinh từng lớp quá đông đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức lớp học.
Cùng đó, thiết bị, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học phục vụ cho dạy và học theo mô hình VNEN ở các môn học vẫn chưa được cấp phát kịp thời hằng năm; chưa có tài liệu hướng dẫn một số môn học và các hoạt động giáo dục như âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức, thể dục... làm giáo viên lúng túng khi thiết kế dạy học.
Tuy nhiên như ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng TH - Sở GD & ĐT Lâm Đồng nhận xét, VNEN cho đến nay đã phát huy được vai trò của một mô hình GD tiến bộ, phù hợp với yêu cầu đổi mới GD bậc TH trong giai đoạn mới hiện nay. Có thể tóm tắt VNEN trong 5 đổi mới quan trọng: đổi mới cách dạy, đổi mới cách học, đổi mới về đánh giá học sinh, đổi mới về cách tổ chức lớp học và đổi mới sự phối hợp và tham gia của cha mẹ học sinh cùng cộng đồng vào quá trình GD học sinh.
Cùng đó, theo ông Hải, nội dung dạy học theo VNEN đã được giảm tải; tài liệu hướng dẫn được biên soạn hợp lý; chương trình phát huy được sự tương tác giữa người dạy và người học, tính tích cực của người học; phù hợp với học sinh của tất cả các vùng miền trong nước; xây dựng, hướng dẫn và GD cho học sinh biết tự chủ, hòa nhập tốt.
Theo đánh giá, Lâm Đồng trong thực hiện mô hình VNEN đã có những cách làm khá sáng tạo, phù hợp với đặc điểm thực tiễn của tỉnh. Chẳng hạn, Sở yêu cầu tất cả các trường TH áp dụng mô hình trường học mới này phải triển khai dạy Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ GD (CGD) để tạo điều kiện cho học sinh lớp 1, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số, đọc thông viết thạo, cho các em làm quen với mô hình VNEN trong những tháng cuối lớp 1 để các em học tốt khi bước vào lớp 2. Sở cũng yêu cầu các trường trong dự án và các trường nhân rộng VNEN được chọn làm đầu mối tổ chức các hội thảo chuyên đề cấp cụm trường, cấp huyện thành để các trường khác học tập kinh nghiệm áp dụng ở trường mình; yêu cầu các trường nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên. Tạo điều kiện, hỗ trợ để giáo viên đứng lớp hoàn thành công việc được giao; lấy học sinh làm trung tâm; lấy sự tiến bộ của học sinh làm thước đo đánh giá giáo viên.
Theo ông Hải, chủ trương chung của ngành GD Lâm Đồng trong năm học 2016 - 2017 đến là không mở rộng thêm mô hình VNEN ở các trường học, chỉ tập trung duy trì và nâng cao chất lượng của những lớp học đang có hiện nay. Cụ thể, các trường thuộc dự án cùng các trường đã triển khai nhân rộng trong năm học 2015 - 2016 tiếp tục triển khai việc dạy và học theo mô hình VNEN. Với các trường còn lại, thời gian đến, Sở sẽ có chỉ đạo cụ thể để các trường này từng bước triển khai một phần hay toàn bộ tùy theo tình hình thực tế.
VIẾT TRỌNG