Ngành GD&ĐT Lâm Đồng trong năm học 2015-2016 đã bắt đầu triển khai mô hình Trường học mới Việt Nam đối với lớp 6 cấp THCS tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh.
Ngành GD&ĐT Lâm Đồng trong năm học 2015-2016 đã bắt đầu triển khai mô hình Trường học mới (THM) Việt Nam đối với lớp 6 cấp THCS tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh.
|
Lớp học theo mô hình Trường học mới tại THCS Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: VT |
Những kết quả bước đầu
Tổng cộng có 18 trường trong toàn tỉnh thí điểm mô hình THM Việt Nam, trong đó có 15 trường THCS thuộc 12 phòng GD&ĐT và 3 trường THCS-THPT trực thuộc Sở với tổng số 47 lớp, 1.395 học sinh. Tổng cộng có 296 giáo viên tham gia giảng dạy theo mô hình. Tất cả các trường học này khi đăng ký tham gia thí điểm đều có cơ sở vật chất tương đối thuận lợi, cùng đó, hầu hết học sinh theo mô hình này đều đã được học theo mô hình VNEN ở bậc tiểu học.
Để triển khai mô hình, Sở GD&ĐT đã cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT cũng như tổ chức tập huấn lại cho cán bộ quản lý các phòng GD&ĐT, lãnh đạo và giáo viên các trường THCS, THCS-THPT có đăng ký tham gia.
Đồng thời, Sở cũng thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ Sở đến Phòng GD&ĐT và các trường học. Trong năm học, Ban chỉ đạo cấp Sở trực tiếp đi địa bàn để chỉ đạo, tư vấn; giải quyết các vấn đề khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện, Sở đã chỉ đạo mỗi Phòng GD&ĐT, mỗi trường tổ chức được ít nhất 1 hội nghị chuyên đề mỗi học kỳ về THM để cùng trao đổi rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn việc dạy và học theo mô hình THM. Tổng cộng trong năm qua đã có 18 hội nghị THM được tổ chức, nhiều đơn vị đã có sự chuẩn bị công phu và hiệu quả như Phòng GD&ĐT của các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh.
Sở GD&ĐT Lâm Đồng trong chỉ đạo đã giao quyền chủ động cho các phòng GD&ĐT trong việc thảo luận, thống nhất khung phân phối chương trình cụ thể của từng bộ môn trên cơ sở khung phân phối chương trình chung của Bộ GD&ĐT, phù hợp với điều kiện nhà trường cũng như của địa phương. Nhiều phòng GD&ĐT và các trường đã phát huy được vai trò, chủ động sáng tạo trong việc thực hiện chương trình. Các đơn vị đã chú ý tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên giảng dạy theo mô hình THM...
Để nâng cao chất lượng dạy học theo mô hình, ngành GD&ĐT tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề cấp phòng, cấp trường, cấp tổ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, góp ý rút kinh nghiệm cho cán bộ quản lý cũng như giáo viên trực tiếp giảng dạy trong quá trình triển khai thực hiện. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo của các đơn vị để đánh giá tinh thần tự học, tự nghiên cứu của giáo viên.
Sở cũng yêu cầu giáo viên đứng lớp tăng cường công tác dự giờ, thao giảng, hội giảng nhằm rút kinh nghiệm, gắn với yêu cầu của tiết dạy theo mô hình THM; hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng cần thiết để đảm nhận các vị trí trong lớp, quan tâm đến từng đối tượng học sinh, hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy - học; trong đánh giá, nhận xét góp ý; tạo bầu không khí thân thiện, luôn động viên, khuyến khích học sinh trong mọi hoạt động. Thông qua diễn đàn dạy học trên trang “Trường học kết nối”, giáo viên trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm dạy học giữa các thành viên trong nhà trường, các đơn vị bạn trong và ngoài huyện/thành phố, tỉnh. Lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình cụ thể để chỉ đạo giáo viên thực hiện đúng tinh thần mô hình THM. Đối với các giáo viên chưa thực hiện giảng dạy theo mô hình THM cũng được động viên tích cực dự giờ, học hỏi phương pháp và kinh nghiệm để làm tiền đề thực hiện cho những năm tiếp theo.
Theo kết quả đánh giá học sinh mô hình THM năm học 2015-2016, số học sinh đạt về phẩm chất: 1.349/1.387 - 97,3%; số học sinh cần rèn luyện thêm về phẩm chất: 38/1.387 - 2,7%; số học sinh đạt về năng lực: 1.174/1.387 - 84,6%; số học sinh còn hạn chế về năng lực: 213/1.387 - 15,4%. Số học sinh hoàn thành kết quả học tập: 1.168/1.387 - 84,2%; số học sinh có nội dung chưa hoàn thành kết quả học tập: 219/1.387 - 15,8%. Toàn tỉnh trong năm học vừa qua có 758 HS trong chương trình THM được khen thưởng vì thành tích hoàn thành xuất sắc trong học tập và rèn luyện.
Tiếp tục mở rộng mô hình THM trong năm học mới
Có thể thấy nhiều ưu điểm của mô hình THM sau 1 năm triển khai. Đa số cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức được mục đích, ý nghĩa của việc triển khai THM, tích cực tự tìm tòi, nghiên cứu để triển khai có hiệu quả mô hình. Hầu hết giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, có tinh thần học hỏi; bước đầu đã biết tổ chức các hoạt động học cho học sinh theo các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực thông qua chuỗi hoạt động học trong mỗi bài học của mô hình. Giáo viên chủ nhiệm quan tâm đến lớp trong từng hoạt động, phát huy được những điểm mạnh trong mô hình, tổ chức các hoạt động ngoại khóa lôi cuốn học sinh tham gia.
Với học sinh, đa số các em đã bước đầu bắt nhịp được với hình thức học tập mới, có tiến bộ trong giao tiếp, hợp tác; hầu hết học sinh đã làm quen với cách học theo nhóm, biết tự hoạt động, bước đầu biết trao đổi thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm, tích cực và tự lực trong học tập. Học sinh được rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng nghe, nói, kỹ năng đánh giá và tự đánh giá, phát huy tối đa được sự hiểu biết; được bày tỏ ý kiến nhiều hơn; những học sinh yếu được giáo viên quan tâm nhiều hơn và được các bạn trong nhóm giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ, không xảy ra tình trạng “bị bỏ rơi”.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng chưa thực sự hiểu đúng về mô hình THM, dẫn đến việc tổ chức hoạt động học của học sinh chưa được hiệu quả, gây ra một số băn khoăn, lo lắng trong cha mẹ học sinh và cộng đồng... Chương trình, sách hướng dẫn học mô hình THM còn nặng về lý thuyết, lượng kiến thức trong một tiết học còn nhiều; cơ sở vật chất, các thiết bị đồ dùng dạy học còn thiếu và chưa phù hợp với sách hướng dẫn học...
Trong năm học 2016-2017, ngành GD& ĐT Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai mô hình THM đối với lớp 7 cho các trường đã thực hiện trong năm học 2015-2016 và triển khai thêm một số trường học trong tỉnh đối với lớp 6 trên tinh thần tự nguyện. Cụ thể, sẽ có 32 trường trong 12 huyện, thành phố của tỉnh triển khai mô hình THM đối với lớp 6 với 136 lớp, 4.228 học sinh.
Để việc triển khai có hiệu quả mô hình THM, trước nhất, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ đặc điểm, ý nghĩa của mô hình này, nhận được sự đồng thuận cao, đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục. Ngành sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên tham gia mô hình THM theo phương thức kết hợp giữa tập huấn tập trung và tập huấn qua mạng “Trường học kết nối”; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về mô hình THM, tiếp tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện mô hình THM. Bên cạnh việc hỗ trợ tư vấn cho các trường tham gia mô hình, Ngành cũng tăng cường công tác kiểm tra các trường THCS có tổ chức dạy học theo mô hình THM để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo niềm tin cho phụ huynh và học sinh.
Trần Đức Lợi - PGĐ Sở GD&ĐT