Ước mơ dang dở của người lính trong ngày trở về

09:08, 12/08/2016

Nhìn người đàn ông già nua, gầy gò, khắc khổ hàng ngày vẫn phải bưng cơm rót nước cho cô con gái năm nay đã 39 tuổi, tôi cứ tự hỏi rằng, trong gần 40 năm qua, ông đã cố gắng như thế nào mới có thể chịu đựng và vượt qua nỗi đau đớn do chiến tranh để lại, để sống kiên cường và bản lĩnh của ngày hôm nay.

Nhìn người đàn ông già nua, gầy gò, khắc khổ hàng ngày vẫn phải bưng cơm rót nước cho cô con gái năm nay đã 39 tuổi, tôi cứ tự hỏi rằng, trong gần 40 năm qua, ông đã cố gắng như thế nào mới có thể chịu đựng và vượt qua nỗi đau đớn do chiến tranh để lại, để sống kiên cường và bản lĩnh của ngày hôm nay.
 
Hàng ngày, ông Hoàng Văn Hưởng vẫn phải chăm sóc cho con gái đã 39 tuổi
Hàng ngày, ông Hoàng Văn Hưởng vẫn phải chăm sóc cho con gái đã 39 tuổi

Người ta hay bảo: “Cha cho con ăn, con cười, cha cười”, thế nhưng với ông Hoàng Văn Hưởng (sinh năm 1944), mỗi lần nhìn thấy nụ cười vô hồn của hai đứa con bị ảnh hưởng của chất độc da cam, nước mắt ông lại chảy xuống. Trong ngôi nhà nhỏ nằm trong một con hẻm trên đường Trần Phú đó, nỗi đau chiến tranh dường như chưa bao giờ phai. Dù sống trong điều kiện đó, cho đến bây giờ, ông Hưởng vẫn luôn tự hào khi mình là người lính Cụ Hồ, tự hào đã tham gia chiến đấu, góp sức mình vào cuộc chiến anh hùng giải phóng dân tộc.
 
Năm 1966, mang theo tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chàng thanh niên 22 tuổi Hoàng Văn Hưởng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau 2 năm xông pha trên mặt trận, năm 1968, ông bị thương và lui về công tác tại Ban An ninh tỉnh Ninh Thuận mà không hề nghĩ rằng, chỉ trong thời gian 2 năm ngắn ngủi đó, ông đã bị ảnh hưởng bởi thứ chất độc đeo đuổi ông đến suốt cuộc đời.
 
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông nhận công tác tại Ban An ninh TP Đà Lạt. Thành phố sương mù cũng đã trở thành miền đất kết duyên cho ông, khi duyên số giúp ông gặp lại cô gái hàng xóm ở quê nhà mà ngày xưa ông thầm thương trộm nhớ. Vậy là một đám cưới giản dị, ấm cúng được tổ chức ngay tại thành phố hoa. Cuối năm 1977, hai vợ chồng trẻ hạnh phúc đón đứa con gái đầu lòng chào đời. Những tưởng sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, cuộc sống của người lính Cụ Hồ này sẽ được yên ấm và tràn ngập tiếng cười từ đây. Thế nhưng, đó mới chính là thời điểm bắt đầu cho những buồn đau mà gia đình ông phải chịu đựng cho đến bây giờ.
 
Ông Hưởng ngậm ngùi nhớ lại, ông không bao giờ nghĩ rằng mình lại mang trong mình chất độc màu da cam. Thế nên khi đứa con gái mới lọt lòng đã khóc ròng rã suốt 3 tháng, lớn lên lại không biết nói, vợ chồng ông chỉ nghĩ con mình chậm phát triển nên đưa đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng không có kết quả. Đến khi cậu con trai ra đời 3 năm sau đó cũng có những dấu hiệu y như cô chị, hai vợ chồng ông mới phát hiện và chấp nhận sự thật đau đớn mà gia đình mình phải gánh chịu. Vậy là gần 40 năm qua, bốn con người trong ngôi nhà nhỏ đáng thương đó đã cùng dựa dẫm nhau để vượt qua nỗi đau. Với hi vọng hai đứa con sẽ được cải thiện phần nào nhận thức, suốt 9 năm trời ròng rã, ông Hưởng đều đặn đưa đón hai con học tại Trường Hoa Phong Lan. Những lần đứng ngoài cổng trường nhìn trộm vào, lòng người cha đau như cắt khi thấy hai chị em chỉ lủi thủi dắt nhau ngồi trên ghế đá. Hiện tại, khi không còn đi học, hai con của ông là chị Hoàng Thị Thu (39 tuổi) và anh Hoàng Văn Thụ (36 tuổi) hàng ngày chỉ biết quanh quẩn ở nhà, không biết nói và chỉ biết cười những nụ cười ngô nghê như một đứa trẻ. Hàng ngày, người cha năm nay đã 72 tuổi vẫn phải chăm từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa, vệ sinh cho hai đứa con đã cao to hơn ông về thể xác. Thế nhưng, tinh thần lạc quan của anh bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn sống trong người lính già này, vì ông vẫn bảo rằng, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì con ông vẫn còn tự đi đứng được. Vượt qua nỗi đau do chiến tranh để lại, ông Hoàng Văn Hưởng vẫn luôn cố gắng sống và làm việc tốt, sao cho xứng đáng với Đảng, với Bác Hồ. Năm 1988, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục tích cực tham gia công tác tại địa phương. Suốt nhiều năm liền, ông là Phó Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường 3, TP Đà Lạt. Hiện tại, ông là Trưởng Ban Công tác Mặt trận của tổ dân phố 3, phường 3. Trong những năm qua, ông đã có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa tại địa phương. Từ năm 2007 đến nay, ông còn tham gia công tác kế toán của Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Lạt.
 
Tiễn chúng tôi ra về trong một chiều mưa Đà Lạt, ông nhìn cô con gái ngô nghê rồi buột miệng: “Tui chỉ ước giá như ông trời trừa lại cho tui một đứa con lành lặn, chỉ một đứa thôi cũng được, để sau này hai vợ chồng tui chết đi thì chúng còn bảo bọc cho nhau được, đằng này... ”. Cái câu nói bỏ lửng ấy, dù ông chỉ nói qua một lần, nhưng tôi hiểu, đó là mong ước da diết mà ông đã đau đáu suốt cả một đời.
 
Việt Quỳnh