Thành lập trường nhưng không có cơ sở vật chất khiến suốt 5 năm qua, cô và trò Trường Tiểu học (TH) Đam Bri (xã Đam Bri, TP Bảo Lộc) phải học nhờ một ngôi trường bên cạnh. Bước vào năm học mới này, ngôi trường ấy vẫn chưa có bảng tên trường, chưa có cổng rào và sân chơi, chỉ có vỏn vẹn 4 phòng được tận dụng tối đa vừa làm phòng học vừa làm phòng ban giám hiệu và giáo viên.
Thành lập trường nhưng không có cơ sở vật chất khiến suốt 5 năm qua, cô và trò Trường Tiểu học (TH) Đam Bri (xã Đam Bri, TP Bảo Lộc) phải học nhờ một ngôi trường bên cạnh. Bước vào năm học mới này, ngôi trường ấy vẫn chưa có bảng tên trường, chưa có cổng rào và sân chơi, chỉ có vỏn vẹn 4 phòng được tận dụng tối đa vừa làm phòng học vừa làm phòng ban giám hiệu và giáo viên.
|
Cô Trần Thị Hải Yến và các em học sinh trang trí lớp học rộng chỉ 24 m2 để chuẩn bị cho năm học mới |
Năm 2011, Trường TH Đam Bri được chia tách và thành lập trường mới từ Trường PTCS Trần Quốc Toản. Lúc này, từ cơ sở vật chất chung hiện có, Trường TH Đam Bri được “chia” 4 phòng học đã được xây dựng từ năm 2003. Chủ trương sau khi tách trường sẽ xây dựng cơ sở vật chất mới cho Trường TH Đam Bri. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên suốt những năm qua, trường mới vẫn chưa được xây dựng. Mỗi năm, học sinh của Trường TH Đam Bri đều phải sang Trường THCS Trần Quốc Toản sát bên cạnh để… học nhờ. Không chỉ mượn phòng học, nhà trường còn phải mượn luôn một số phòng chức năng như phòng họp, thư viện, kế toán, văn thư, Đội… Cô Đinh Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường TH Đam Bri chia sẻ: Do thiếu cơ sở vật chất nên trong những năm trước, có hơn 70 học sinh của trường phải chuyển sang Trường TH Lê Lợi (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, cách trường khoảng 1 km) để học. Lý do phụ huynh phải chuyển trường cho con vì thiếu phòng học nên nhà trường lúc đó không thể tổ chức lớp 2 buổi/ngày để dạy môn tiếng Anh cho các em học sinh từ lớp 3. Mượn cơ sở vật chất sử dụng chung không chỉ khó cho trường đi mượn mà ngay cả trường cho mượn cũng gặp khó khăn. Ngay như việc khai giảng năm học mới cũng phải tổ chức chung. Các hoạt động giao lưu hoặc tiếp các đoàn từ thiện đều buộc trường tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật để tránh ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của trường bạn.
Bước vào năm học 2016 - 2017, Trường TH Đam Bri có 340 học sinh theo học tại 14 lớp; trong đó, có 11 lớp phải mượn phòng học của Trường THCS Trần Quốc Toản để học nhờ, 3 lớp còn lại thì học tại các phòng học cũ. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ phòng và tổ chức cho 9/14 lớp học 2 buổi/ngày, thì một phòng học cũ lại phải chia làm đôi. Thay vì rộng 48 m
2 thì nay diện tích chỉ còn một nửa và chỉ có thể tiếp nhận dưới 20 học sinh/lớp. Để tận dụng diện tích của lớp học “tí hon”, các bàn học được ghép đôi và học sinh ngồi xung quanh. Cả lớp có 3 bàn học đôi như thế và một bàn của giáo viên. Cô Trần Thị Hải Yến, giáo viên lớp 3A1 tâm sự: Khó khăn là thế nhưng cả cô, trò đều cố gắng để dạy tốt, học tốt. Nhưng, nhìn các em thiếu lớp học, thiếu sân chơi thì giáo viên chúng em cũng chạnh lòng. Như hiện tại thì mọi hoạt động văn hóa văn nghệ hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp đều gặp khó khăn. Mỗi ngày, giáo viên bên này phải đưa các em qua trường bên cạnh để tập thể dục, chào cờ đầu tuần… Ngay cả nhà vệ sinh cũng phải đi “nhờ” là một bất tiện lớn cho các em học sinh và giáo viên. Cả giáo viên lẫn phụ huynh học sinh đều mong muốn sớm có một ngôi trường hoàn thiện với đầy đủ phòng học, sân chơi cho các em.
Từ đầu tháng 8/2016, 4 phòng học mới cho Trường TH Đam Bri đã được khởi công xây dựng ngay sát dãy 4 phòng học cũ. Dự kiến, đến tháng 11, các phòng này sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng. Điều này sẽ giải quyết được phần nào áp lực phải mượn phòng để dạy học của trường. Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bảo Lộc, sau khi 4 phòng học mới hoàn thiện, nguồn ngân sách tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư thêm 6 phòng học cho Trường TH Đam Bri. Hiện tại, các đơn vị liên quan đang tiến hành làm hồ sơ, thủ tục và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2017. Phòng đã làm việc với ban giám hiệu của 2 trường để phối hợp tốt trong việc sử dụng cơ sở vật chất, đảm bảo tốt nhất cho việc dạy và học trong thời gian chờ đợi các phòng học mới được xây dựng hoàn thiện.
ĐÔNG ANH