Nâng cao vốn tri thức cho phụ nữ qua hội thi

08:09, 08/09/2016

Ngày 6/9, tại thành phố Đà Lạt, Hội LHPN tỉnh và Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng giai đoạn II tổ chức Hội thi truyền thông viên giỏi về REDD+. Trọn một ngày sôi động với 3 phần thi chính (giới thiệu, rung chuông vàng, tài năng) của 50 thí sinh chủ yếu là phụ nữ các dân tộc: Kinh, K'Ho, Mạ, Dao, Mông, Thái… 

Ngày 6/9, tại thành phố Đà Lạt, Hội LHPN tỉnh và Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng giai đoạn II tổ chức Hội thi truyền thông viên giỏi về REDD+. Trọn một ngày sôi động với 3 phần thi chính (giới thiệu, rung chuông vàng, tài năng) của 50 thí sinh chủ yếu là phụ nữ các dân tộc: Kinh, K’Ho, Mạ, Dao, Mông, Thái… đến từ 5 huyện: Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Bảo Lâm và Đạ Huoai, cùng một phần thi dành cho khán giả, đã tạo nên “bữa đại tiệc” về tinh thần và đọng lại sự đoàn kết học hỏi, thân thiện cùng nhiều vốn kiến thức bổ ích thiết thực. 
 
Phần giới thiệu của đoàn Lâm Hà
Phần giới thiệu của đoàn Lâm Hà

Gắn với phong trào thi đua
 
Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên triển khai Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tại Việt Nam” - UN-REDD giai đoạn I và là một trong sáu tỉnh được chọn triển khai Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II. Mục tiêu của Chương trình giai đoạn II là nâng cao khả năng của Việt Nam để có thể hưởng lợi từ các khoản chi trả dựa trên kết quả cho REDD+ trong tương lai và thực hiện các thay đổi căn bản mới tích cực trong ngành lâm nghiệp. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình UN-REDD giai đoạn II trên địa bàn toàn tỉnh, việc nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng, biến đổi khí hậu (BĐKH) và REDD+ cho lãnh đạo và cán bộ chuyên môn cấp huyện, xã, chủ rừng và các hộ nhận khoán là hết sức quan trọng. 
 
Hội thi truyền thông viên giỏi về REDD+ cho cán bộ, hội viên, phụ nữ là tuyên truyền viên của 5 huyện được tiến hành trên cơ sở của Quyết định số 793/QĐ-UBND ngày 12/4/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng tỉnh Lâm Đồng năm 2016”. Trưởng Ban giám khảo Phạm Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Mục đích của hội thi là nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; tạo diễn đàn giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; phát huy ý tưởng sáng tạo, các hình thức tuyên truyền liên quan đến BĐKH và REDD+ trong các cấp hội phụ nữ. Cùng đó, sản phẩm từ hội thi sẽ được sử dụng như những công cụ truyền thông về REDD+ tại địa phương, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng, ứng phó với BĐKH. Vì vậy, hội thi phải là một trong những hoạt động thi đua giữa các cấp hội trong đổi mới công tác tuyên truyền, được tổ chức với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, lôi cuốn được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của cán bộ, hội viên, phụ nữ. 
 
Sôi động và thiết thực
 
Thông qua 3 phần thi, ban tổ chức đặt ra nội dung đối với các đoàn là tìm hiểu về Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II nói chung và tiến trình thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Từ hội thi này, mỗi thành viên tham gia sẽ là hạt nhân điển hình để nhân rộng hình thức tuyên truyền trong các cấp hội khi trở về địa phương của mình.
 
Trong phần thi tự giới thiệu, mỗi đội trình diễn một hình thức sáng tạo, sinh động như múa, hát, hoạt cảnh, vè... sát thực tế của huyện mình. Nhiều thông tin về đặc điểm tình hình của địa phương được đưa đến sân khấu như dân số, số hội viên phụ nữ, diện tích tự nhiên, diện tích rừng, đặc trưng văn hóa tinh thần, đặc sản nông nghiệp, nét đặc sắc về du lịch...Sau 10 phút theo quy định của phần thi, mỗi đội khép lại bằng những thông điệp hoặc lời cam kết súc tích và bao hàm tính lan tỏa như: “Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống chúng ta” (đoàn Đạ Huoai); “Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đam Rông tích cực hưởng ứng chương trình REDD+” (đoàn Đam Rông); “Bảo vệ môi trường rừng là trách nhiệm của toàn dân” (đoàn Bảo Lâm)... Phát biểu cảm tưởng với PV Báo Lâm Đồng, thành viên đoàn huyện Đam Rông - cô Nguyễn Thị Mộng Trinh (Hiệu phó Trường THCS Liêng Trang) cho rằng đây là phần thi tâm đắc nhất. “Thông qua màn chào hỏi, xét về mặt nghệ thuật thôi, các đội thể hiện được nhiều thể loại, nhiều hình thức. Còn nội dung thì phong phú, ngoài việc giới thiệu được các thành viên cũng như những đặc điểm của huyện mình, các đội cũng đã gởi được những thông điệp cho hội thi này là tuyên truyền về UN-REDD và các đội gần như đã chuyển tải được nội dung này”, cô Trinh nói.     
 
Ở phần thi rung chuông vàng diễn ra trong 3 vòng, mỗi vòng 10 câu hỏi và thời gian trả lời tối đa 15 phút/vòng. Ngân hàng câu hỏi tập trung những nội dung cơ bản liên quan đến REDD+, BĐKH, chương trình UN-REDD, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững. Vì vậy, nhiều nội dung về học thuật nhưng rất thiết thực như: Thời tiết là gì? - Là trạng thái nhất thời của khí quyển tại một thời điểm. Khí hậu là gì? - Là trạng thái trung bình nhiều năm của thời tiết ở một khu vực. Hoặc Chi trả dịch vụ môi trường rừng gọi tắt là PFES; CO2 là đáp án câu hỏi “Trong các khí gây hiệu ứng nhà kính sau, khí nào do các hoạt động của con người tạo ra nhiều nhất?”. Hoặc đó là: SiRAP có nghĩa là gì?; Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên thực hiện REDD+ tại Việt Nam từ năm nào?; REDD+ thực hiện mấy giai đoạn? Hãy kể tên?; Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn I thực hiện tại hai huyện nào của tỉnh Lâm Đồng?...
 
Ở phần thi tiểu phẩm, xoay quanh chủ đề của hội thi, mỗi đội thể hiện một tiểu phẩm tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa tối đa 20 phút. Phần thi này sôi động và thể hiện sức sáng tạo, sự kết hợp nhịp nhàng của loại hình hoạt động nhóm. Và trên hết, đó là sự đoàn kết gắn bó giữa các thành viên, sự sẻ chia trong cuộc sống. Chị Đỗ Thị Trúc - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm nói với chúng tôi: Qua hội thi, rất vui là chúng em đã giao lưu học hỏi các đội bạn những kiến thức để về địa phương tuyên truyền. Từ cuộc thi này, chúng em sẽ giúp chị em phụ nữ ở địa phương mình nắm bắt được tình hình nạn phá rừng để cùng nhau phòng chống, và qua đó thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch” hiệu quả hơn. Còn đến từ huyện Lạc Dương, chị Đa Rối Ka Xuân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đa Nhim nói: Đa số bên em là chế độ mẫu hệ, mọi việc trong gia đình chủ yếu do phụ nữ quán xuyến. Thông qua cuộc thi này, chị em sẽ được tuyên truyền sâu sắc hơn về công tác bảo vệ rừng. Ở địa phương huyện chúng em, thời gian qua tình trạng sương muối và mưa đá nhiều chính là hậu quả của việc con người thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng và môi trường sống của mình. Đây là những bài học sâu sắc chúng em sẽ phân tích rõ cho các chị em trong địa phương của mình. Với cương vị là một giáo viên, cô Mộng Trinh cũng chia sẻ thêm: Bên cạnh giáo dục học sinh hàng ngày không được xả rác bừa bãi để giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan sinh thái, thông qua kiến thức REDD+ này, em có nhiều kiến thức hơn để tiếp tục giúp các em học sinh tuyên truyền cho bố mẹ không chặt phá rừng bừa bãi gây nên những tác động như xói lở, lụt lội và xa hơn đó là hiệu ứng nhà kính, BĐKH...
 
Những tâm tình chân thành của các chị chính là mục đích hướng tới của hội thi. Kết quả hội thi, về tập thể, giải nhất thuộc đoàn Đam Rông; giải nhì đoàn Lâm Hà; giải ba đoàn Đạ Huoai; giải khuyến khích đoàn Bảo Lâm và đoàn Lạc Dương; giải giới thiệu hay nhất là đoàn Lạc Dương và giải tiểu phẩm xuất sắc nhất là đoàn Lâm Hà. Hội thi truyền thông viên giỏi về REDD+ năm 2016 đã thực sự thành công như mong đợi của nhà tổ chức.
 
Ghi chép: MINH ĐẠO