Trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện Lạc Dương đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm vận động, hỗ trợ học sinh tới lớp, giúp con đường đi lấy cái chữ của các em được "dài" và "rộng" hơn.
Đối với các học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chuyện đi học với các em chưa bao giờ là dễ dàng bởi những khó khăn về đường sá, điều kiện vật chất, kinh tế và ý thức của phụ huynh. Hiểu được điều này, trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện Lạc Dương đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm vận động, hỗ trợ học sinh tới lớp, giúp con đường đi lấy cái chữ của các em được “dài” và “rộng” hơn.
|
Các em Trường Tiểu học Đạ Nghịt trong giờ học |
Từ những khu nhà bán trú
Từ một năm nay, các em học sinh của Trường TH&THCS Đưng K’Nớ đã không còn phải chịu cảnh hàng ngày vượt hơn 10 km trên con đường thường xuyên lầy lội vào mùa mưa để đến trường. Bởi từ tháng 11/2015, khu nhà bán trú với 2 phòng ở, 1 nhà bếp kết hợp với nhà ăn được Nhà nước đầu tư với đầy đủ chăn màn, giường chiếu, khu vệ sinh,... đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Thầy Nguyễn Đặng Nho, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đưng K’Nớ cho biết: “Đối với một trường có học sinh chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, việc duy trì sĩ số học sinh trở thành nhiệm vụ quan trọng và nhiều khó khăn của các giáo viên. Ngoài điều kiện gia đình khó khăn, các em còn ngại quãng đường đi học xa xôi nên lười đi học, thường xuyên vắng học dài ngày. Thực tế là các em học sinh ở thôn Đưng Trang đều phải ở trọ tại nhà bà con ở thôn 1 và thôn 2, thế nên phụ huynh không yên tâm hoặc không chấp nhận để con tiếp tục học”. Sự ra đời của khu nhà bán trú đã giải quyết được nỗi lo lắng này của phụ huynh và học sinh. Với nỗ lực giữ các em ở lại khu bán trú thay vì phải đi về trong ngày, trường đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, chính quyền, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm để đảm bảo cho các em có ít nhất ba bữa ăn (sáng, trưa, tối).
Nhờ những cố gắng đó của thầy và trò Trường TH&THCS Đưng K’Nớ mà các em học sinh đã biết tự giác bảo ban nhau học tập vào buổi ngày, quan tâm chăm sóc lẫn nhau vào buổi tối. Các anh chị lớn kèm các em tiểu học còn đọc chậm viết kém, bảo ban nhau tự giác học bài và chuẩn bị bài mới. Trên hết, các em học sinh đã đến trường đầy đủ hơn, sĩ số buổi 2 được duy trì ổn định, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Với những hiệu quả thấy rõ như vậy nên mô hình nhà bán trú đang được nhiều trường ở Lạc Dương áp dụng như Trường THCS K’Long K’Lanh, Trường THCS Xã Lát. Cô Nguyễn Thị Hiền, quyền Trưởng phòng Giáo dục huyện Lạc Dương cho biết, với trên 85% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức về chuyện học của bà con còn nhiều hạn chế, các khu nhà bán trú không chỉ tạo điều kiện để các em học tập thuận lợi hơn mà còn góp phần thay đổi suy nghĩ và ý thức của phụ huynh về tầm quan trọng của việc học đối với con em mình. Các phụ huynh đã bắt đầu thường xuyên trao đổi chuyện học tập của con em với giáo viên chủ nhiệm, đưa đón học sinh đảm bảo thời gian, luân phiên ở lại khu bán trú để chăm sóc các em học sinh. Em Lơ Mu K’Yên, học sinh Trường TH&THCS Xã Lát, chia sẻ: “Từ lúc được ở lại nhà bán trú ngay tại trường, em không phải nghỉ học buổi chiều vì sợ đi học đường xa nguy hiểm, ba mẹ cũng không phải mất thời gian đưa đón em những ngày trời mưa nữa. Em không còn phải thức dậy thật sớm, đi bộ đến trường vào mỗi sáng, bài học cũng có thể hỏi thêm bạn bè vào buổi tối”.
Xã hội cùng quan tâm
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng những năm trở lại đây, sĩ số học sinh các trường ở Lạc Dương luôn giữ ổn định từ 99-100%. Nếu như trước đây, việc học chưa được phụ huynh chú trọng, thường có tâm lý ỷ lại, giao hoàn toàn con em mình cho giáo viên thì giờ đây, nhận thức của bà con đã thay đổi đáng kể. Cô Nguyễn Thị Hiền cho biết, điều này nhờ vào sự quan tâm của toàn thể xã hội đối với công cuộc giáo dục tại địa phương. Ngành Giáo dục thường xuyên phối hợp với Đài truyền thanh - truyền hình huyện và các ban, ngành tổ chức tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, từ đó nâng cao nhận thức cho mọi người về tầm quan trọng của việc học. Vào ngày tựu trường hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể đồng loạt vào cuộc nhằm vận động học sinh ra lớp, nhất là các em đầu cấp. Cụ thể, trong năm học mới 2016-2017, sau 2 tuần tựu trường, toàn huyện Lạc Dương còn 71 học sinh bậc THPT, 91 học sinh bậc TH và THCS chưa trở lại trường. Với những trường hợp này, các trường nhanh chóng thành lập đoàn, kết hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương đến từng gia đình để vận động, nắm hoàn cảnh cụ thể của từng em để tìm cách giải quyết. Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường TH Đạ Nghịt, người đã không biết bao nhiêu lần đến tận nhà chở các em học sinh tới trường tâm sự: “Với học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, việc vận động các em đi học không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong quá trình học, nếu nhận thấy học sinh có nguy cơ bỏ học thì thầy cô phải quan tâm ngay, nắm tâm tư học sinh như hiểu rõ con cái của mình. Những ngày lễ tết, giáo viên càng không được lơ là vì học sinh rất dễ ham chơi mà quên học, bỏ học”. Chính vì vậy mà các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa như cô Thủy lại càng gần gũi, đồng cảm và chia sẻ với các em, để các em thấy trường học cũng chính là nhà. Nhờ những sự quan tâm kịp thời đó mà số lượng học sinh bỏ học ở Lạc Dương đã giảm dần qua các năm. Nếu như năm học 2012-2013, toàn huyện có 36 học sinh bỏ học thì đến năm học 2015-2016, con số này giảm xuống còn 10 học sinh, chiếm tỉ lệ 0,26%, là một nỗ lực lớn của cả thầy và trò.
Bên cạnh đó, các trường tổ chức họp phụ huynh sớm ngay từ khi chưa tựu trường để có sự chuẩn bị đầy đủ về sách vở, áo quần cho con em mình trong ngày tựu trường thay vì tâm lý ỷ lại vào nhà trường. Nhờ những nỗ lực của nhà trường và các ban ngành mà các trường học ở Lạc Dương đã được xây dựng khang trang, đường sá thuận lợi hơn, phụ huynh cũng yên tâm hơn về đường đi học của con em mình. Con đường tới trường của các em nơi đây nhờ vậy được thuận lợi hơn rất nhiều.
VIỆT QUỲNH