Trung thu về, nếu trẻ em nơi phố thị sẵn sàng hòa vào tiếng trống, tiếng lân cùng nhiều hoạt động vui chơi trong ngày hội của mình... thì với các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Tết Trung thu vẫn còn là một điều gì đó lạ lẫm và có phần xa xỉ.
Trung thu về, nếu trẻ em nơi phố thị sẵn sàng hòa vào tiếng trống, tiếng lân cùng nhiều hoạt động vui chơi trong ngày hội của mình... thì với các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Tết Trung thu vẫn còn là một điều gì đó lạ lẫm và có phần xa xỉ.
|
Tết Trung thu vẫn còn lạ lẫm với những đứa trẻ nghèo |
Những đứa trẻ không có Tết Trung thu
Những ngày này, trên khắp các nẻo đường ở TP Đà Lạt hay thị trấn Lạc Dương, đều rực rỡ sắc màu của những chiếc lồng đèn, đầu lân và cả sắc đỏ, vàng của những hộp bánh, nhưng ở một xã vùng sâu như Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) không hề có không khí của ngày Trung thu.
Trong gian nhà thấp lụp xụp ở thôn 1, già làng Rơ Ông Ha Tang đưa mắt nhìn lên ngọn núi trước nhà và nói về cái tuổi thơ gắn liền với nương rẫy, những bữa cơm chẳng đủ no, những mùa thu về có gió mùa se sắt mà “chẳng có áo ấm mặc đâu”. Quanh năm ở buôn làng nhỏ chỉ có đôi ba ngày lễ truyền thống, hay có đám cưới của ai trong xóm thì lũ trẻ hớn hở vui lây, “Chứ ở đây chẳng ai biết Trung thu là gì” - già nói. Đường vào Đưng K’Nớ những năm trước đây còn là nỗi ám ảnh vào những mùa mưa, xã nghèo như ốc đảo giữa rừng nhưng các cán bộ tăng cường, sách báo, tivi vẫn vào được với bà con. Để rồi già Ha Tang và những người trẻ nơi này biết được rằng mỗi năm có một ngày mà khi mặt trăng tròn nhất, sáng nhất, trẻ con lại được múa lân, đánh trống tùng tùng và cùng nhau phá cỗ. Để rồi ước ao về một cái Tết Trung thu “cho bọn trẻ con” cứ lớn dần trong ông như thế. Nhưng, cuộc sống đầy trăn trở với chuyện mưu sinh đã làm cho người già làng này dần quên đi ngày hội đó. Để giờ đây, trong những lần hiếm hoi ra phố mùa thu, bắt gặp tiếng trống lân, chiếc đèn ông sao hay ngồi xem tivi thấy trẻ em tưng bừng phá cỗ, vị già làng 78 tuổi lại bần thần nghĩ tới các cháu của mình và cả những đứa trẻ ở Đưng K’Nớ.
Những năm qua, Cil Ka Trinh (7 tuổi), cũng như các bạn nhỏ ở vùng quê nghèo này vẫn chưa một lần thật sự sống trong không khí ngày Tết Trung thu - ngày hội của riêng mình. Có nhìn ánh mắt long lanh niềm vui của Trinh khi nhận gói kẹo nhỏ từ tay chúng tôi mới có thể tưởng tượng được nếu có đèn lồng, có múa lân, có lễ hội trăng rằm cùng nhau phá cỗ; Trinh và những đứa trẻ khác như em ở nơi này sẽ vui đến dường nào.
Với những đứa trẻ ở huyện nghèo Đam Rông, các em hào hứng, háo hức đón chờ Trung thu từng ngày. Trung thu với các em - đơn giản là những ngày mà “được đánh trống vang khắp nơi mà không bị người lớn phàn nàn”. Cũng tiếng trống, cũng múa lân nhưng đối với những đứa trẻ ở huyện nghèo, trống là những chiếc thùng đựng nước được úp ngược lại, còn đầu lân là chiếc rổ cũ của mẹ có nối thêm cái bao tải đựng cà phê đã bị rách ở phía sau làm đuôi. Đơn giản vậy thôi nhưng các em vẫn nhảy múa kể cả trong lúc rủ nhau tắm mưa và vẫn vui theo cách riêng của mình. Vậy là có Trung thu.
Cậu bé Cil Ha Tha Lên (8 tuổi, trú tại xã Rô Men, huyện Đam Rông) nói: “Con cũng thích đầu lân màu đỏ như trên ti vi để cùng các bạn nhảy múa ở sân bóng trong thôn”.
Ước mơ của Tha Lên cũng là giấc mơ chung của những đứa trẻ nghèo vùng sâu, vùng xa mỗi dịp Trung thu về.
Mang Trung thu về với quê nghèo
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề khiến những người cha, người mẹ ở vùng sâu, vùng xa không còn tâm trí đâu để nhớ đến ngày hội mỗi mùa trăng tròn của con cái. Hoặc là, họ có biết, nhưng như già làng Rơ Ông Ha Tang ngậm ngùi nói: “nghèo quá, bố mẹ suốt năm suốt tháng đi rẫy, đâu nghĩ gì tới Trung thu”. Những đứa trẻ cũng đã quen với việc bố mẹ đi vắng. Sau giờ tới trường, đứa nhỏ thì tự chơi với nhau, đứa lớn thì phụ giúp bố mẹ công việc hoặc chăm em. Cứ thế, chúng lớn lên đơn giản và khỏe mạnh như cây rừng. Bởi thế mà Tết Trung thu vẫn luôn là một nỗi khao khát được các em vẽ lên giấy trong giờ mỹ thuật hay thầm ao ước mà chẳng nói ra.
Cũng chính vì mong muốn các em học sinh được đón Tết Trung thu như bao bạn bè cùng trang lứa mà các thầy, cô giáo ở các trường vùng sâu, vùng xa tìm cách tổ chức cho các em phá cỗ đêm rằm. Mỗi mùa trăng tròn, thầy Phạm Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lán Tranh (xã Đưng K’Nớ) lại cùng các thầy, cô giáo vận động quyên góp, kêu gọi các nhà hảo tâm và các hộ kinh doanh ủng hộ để tổ chức lửa trại và phá cỗ Trung thu cho các em. Thầy Thái tâm sự: “Tuổi thơ của các học sinh vùng quê nghèo, nhất là học sinh đồng bào DTTS vốn nhiều khó khăn. Vì vậy mà các thầy, cô cố gắng tổ chức Trung thu cho các em, chỉ mong các em có thêm những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ, sau này lớn lên, các em cũng biết ngày hội này để tổ chức cho con cháu, để thế hệ sau được sống trong điều kiện thoải mái hơn!”. Thầy cô Trường TH&THCS Lán Tranh khoe với chúng tôi: “Trung thu năm nay, thầy cô sẽ đốt lửa trại ở sân trường để các em tới vui chơi, ca hát và phá cỗ”. Ánh mắt các cô giáo long lanh theo từng lời nói như nhen nhóm vào lòng những khách lạ chúng tôi một niềm vui không dễ gọi tên.
Những năm gần đây, mỗi mùa Trung thu về, các tổ chức từ thiện lại đến với những vùng quê nghèo, mang theo bánh kẹo, lồng đèn, mang theo tiếng trống lân rộn ràng và trên hết là tình cảm yêu thương đong đầy đến với trẻ em vùng sâu vùng xa. Đó là chuyến đi của những tấm lòng từ thiện đến với các cháu cô nhi ở xã Tà Nung (TP Đà Lạt), Đoàn khối Các cơ quan tỉnh đến với trẻ em nghèo ở huyện Đam Rông. Hay như nhóm Nhiệt huyết Tuổi trẻ (TP Đà Lạt) đã mang Trung thu đến với làng K’Ho phía sâu trong khu vực hồ Tùng, Thái Phiên. Lần đầu tiên trong đời, 50 hộ dân và trẻ em ở đây được tham gia một cái Tết Trung thu ấm áp đúng nghĩa với những màn múa lân rộn rã, với những phần quà cần thiết, trò chơi vui nhộn và bánh kẹo ngọt ngào. Cậu bé Long Ha Krơng (7 tuổi) nói tiếng Kinh tiếng được tiếng mất, vẫn tranh nói với các anh chị: “Ăn bánh Trung thu ngon lắm, con còn được anh chị cho đèn lồng đẹp lắm, vui lắm”.
Một mùa Trung thu nữa lại về, ở những vùng đồi núi xa xôi, nghèo khó vẫn còn nhiều Tha Lên, Ka Trinh... với bao nhiêu mong ước giản đơn của tuổi thơ. Mây và cả cây rừng còn che mờ ánh trăng rằm của các em nhưng những cơn gió của tình yêu thương và đầy quan tâm dần xua mây, làm lay động lá rừng để các em có được ánh trăng rằm tròn vành vạnh.
N.NGÀ - V.QUỲNH