Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đã từng bước nâng cao trách nhiệm và phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ theo quy định của pháp luật.
Cử tri huyện Bảo Lâm phát biểu ý kiến, kiến nghị đến ĐBQH tại buổi tiếp xúc. Ảnh: DUY DANH |
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở của tỉnh, hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được tăng cường và đạt hiệu quả. Quy chế phối hợp giữa HĐND - UBND - UBMTTQ được phát huy chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cụ thể, đã tổ chức 3 lần lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt như chủ tịch, các phó chủ tịch HĐND, UBND, trưởng thôn, khu phố vào các năm 2005, 2008 và 2010. Kết quả, đa số các vị được lấy phiếu tín nhiệm đều đạt tỷ lệ cao và nhận được sự tín nhiệm trong nhân dân. Ngoài ra, các hoạt động tiếp xúc cử tri luôn nhận được sự phối hợp thống nhất giữa HĐND - UBND - UBMTTQ nên việc tổng hợp, chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, kịp thời thông báo kết quả trả lời kiến nghị cử tri đến người dân. Đặc biệt, Ban Thường trực MTTQ các cấp đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc triển khai giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo và phát huy dân chủ trực tiếp của nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội đã tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân, các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Vì nạn nhân chịu ảnh hưởng chất độc da cam; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Theo tổng hợp của cơ quan MTTQ tỉnh, hơn 15 năm qua từ nguồn quỹ do nhân dân đóng góp, tỉnh đã xây dựng được 11.630 căn, vận động được trên 41 tỷ đồng xóa nhà tạm. Các phong trào thi đua do MTTQ phát động được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được triển khai hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Việc phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được phát huy trong các nội dung bàn bạc, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định những vấn đề như: Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Qua đó đã tổ chức thực hiện có hiệu quả, tại hầu hết các khu dân cư có trên 80% hộ gia đình tham gia. Đối với các nội dung quy định dân được bàn và quyết định trực tiếp được triển khai tốt như: Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu dân cư, các công trình phúc lợi công cộng vốn do nhà nước và nhân dân đóng góp; các quy ước, hương ước của cộng đồng; các quy định, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng… Các nội dung này được đưa ra bằng hình thức họp khu dân cư công khai, lấy ý kiến để nhân dân quyết định trực tiếp.