Chương trình phối hợp tham mưu về công tác dân tộc giữa Ban Dân vận Huyện ủy và Phòng Dân tộc huyện Di Linh giai đoạn 2011 - 2016 đã đem lại kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận và công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, nhất là trong vùng DTTS.
Chương trình phối hợp tham mưu về công tác dân tộc giữa Ban Dân vận Huyện ủy và Phòng Dân tộc huyện Di Linh giai đoạn 2011 - 2016 đã đem lại kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận và công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, nhất là trong vùng DTTS.
|
Tuổi trẻ hăng hái giúp dân trong những đợt làm công tác dân vận |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bính, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Di Linh cho biết: “Di Linh là huyện đông dân cư (trên 164 ngàn người) và có hơn 37% là đồng bào các DTTS (trên 60 ngàn người). Nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện về công tác dân tộc giữa Ban Dân vận Huyện ủy và Phòng Dân tộc huyện, sau khi xây dựng Chương trình phối hợp, Ban Dân vận Huyện ủy và Phòng Dân tộc huyện đã tích cực triển khai phối hợp trong công tác tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện các nội dung có liên quan đến đồng bào DTTS; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu; chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ và lực lượng cốt cán DTTS ở cơ sở…”.
Theo đó, thông qua Chương trình tham mưu đã giúp cho Huyện ủy và UBND huyện Di Linh tăng cường chỉ đạo và triển khai chặt chẽ, có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư trong vùng DTTS. Với Chương trình 134, 135; Chương trình định canh, định cư; chính sách trợ giá, trợ cước, trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ trực tiếp (sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt…) hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; công tác cán bộ DTTS…, trong 5 năm qua (từ 2011 đến nay), huyện đã đầu tư gần 45 tỷ đồng. Thực hiện Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/ 2008/ NQ - CP, ngày 27/12/2008, của Chính phủ, huyện đã đầu tư kinh phí trên 14,7 tỷ đồng để hỗ trợ 1.622 hộ nghèo mua phân bón (NPK, Ure, vi sinh) đầu tư chăm sóc cây trồng; mua bò giống, bắp giống và nông cụ sản xuất (máy cắt cỏ, bình bơm thuốc…).
Thông qua nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, tham quan học tập kinh nghiệm…, bà con các DTTS trong huyện đã từng bước tiếp cận, nâng dần trình độ sản xuất và thâm canh. Trong sản xuất nông nghiệp, bà con đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi; biết dùng phân bón, biện pháp tưới tiêu để cải tạo đồng ruộng và thâm canh cây trồng; biết xây dựng các mô hình sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với 1.479 hộ đồng bào DTTS sinh sống gần rừng, huyện đã quan tâm giao khoán 37.270 ha rừng để quản lý, bảo vệ; qua đó, giúp cho bà con có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) trong vùng đồng bào DTTS giảm từ 13,5% (năm 2011) xuống còn 3,45% (năm 2015).
Trong 5 năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy và Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức các đợt công tác dân vận tại các xã Đinh Trang Thượng, Tân Lâm, Hòa Bắc, Đinh Trang Hòa và Đinh Lạc. Trong các đợt công tác dân vận này, huyện đã vận động và tập hợp được hàng ngàn ngày công lao động (chủ yếu là đoàn viên, thanh niên và các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ) tham gia giúp dân sửa chữa, nâng cấp hơn 27 km đường giao thông và kênh mương thủy lợi; sửa chữa, làm nhà ở; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ, thể thao…
Thực hiện Quyết định 18/QĐ - TTg, ngày 18/3/2011, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng DTTS, huyện đã quan tâm đến việc thăm hỏi, động viên trong những dịp lễ, tết và vận động già làng, người có uy tín tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, hăng hái lao động sản xuất để ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 14 - KH / DVTU, ngày 23/6/2008, của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân vận Huyện ủy Di Linh đã phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu gắn với việc tiếp tục triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ đó, những hủ tục về ma chay, mê tín dị đoan, thách cưới, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống… dần dần được xóa bỏ; đời sống văn hóa, tinh thần đã được cải thiện rõ nét và ngày càng văn minh hơn.
Tuy nhiên, Di Linh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đang tiếp tục triển khai để khắc phục đó là: “kinh tế - xã hội trong vùng DTTS còn có những khó khăn, thiếu thốn; việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn xảy ra; trình độ canh tác ở một số nơi còn lạc hậu; khả năng tiếp cận và kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nhất định; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (theo tiêu chí mới, trong vùng DTTS còn 2.463 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,06%); một số bà con còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại nguồn trợ cấp của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên trong lao động sản xuất để thoát nghèo…” - ông K’Broi, Phó Bí thư Huyện ủy Di Linh cho chúng tôi biết.
XUÂN LONG