Lực lượng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lâm Đồng, phiên hiệu là PC49, tuy mới gần 10 năm thành lập nhưng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, xứng đáng được biểu dương và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình
Lực lượng cảnh sát môi trường (CSMT), Công an tỉnh Lâm Đồng, phiên hiệu là PC49, tuy mới gần 10 năm thành lập nhưng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường (TNMT), an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), xứng đáng được biểu dương và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình.
Tính riêng công tác phòng chống vi phạm pháp luật (VPPL) về TNMT, ATVSTP, trong gần 10 năm qua, PC49 Lâm Đồng đã phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật 1.994 vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều trăn trở…
|
Cùng tham gia với Bộ Công an và các ngành điều tra, khám nghiệm vụ phá rừng nghiêm trọng ở Lộc Bắc huyện Bảo Lâm (tháng 7/2016). Ảnh: M.Đạo |
Bối cảnh còn rất nhiều khó khăn
Lâm Đồng hiện có 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 794 ha và 14 cụm công nghiệp với 662,5 ha. Loại hình sản xuất, kinh doanh chủ yếu như chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, may mặc, tơ tằm, tiểu thủ công nghiệp,...
Trong số đó, mới chỉ có 1 Khu công nghiệp Lộc Sơn đang trong giai đoạn xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung còn lại chưa xây dựng. Nước thải sản xuất của các doanh nghiệp (DN) tự xử lý cục bộ và thải ra ngoài MT tự nhiên.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất chế biến nhỏ về trà, cà phê, rau, củ, quả, nhựa, kim loại…, mặt hồ sơ pháp lý đã đăng ký tương đối đầy đủ, tuy nhiên, thực tế hoạt động một số cơ sở không thực hiện đúng nội dung cam kết về bảo vệ môi trường (BVMT). Với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, hầu hết nằm ở vùng sâu, vùng xa, do đó khó khăn trong công tác bảo vệ, trong lúc các đối tượng khai thác vi phạm từ nơi khác đến không cố định về chỗ ở. Việc phá rừng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là vùng giáp ranh với các tỉnh và giữa các huyện trong tỉnh...
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn và làng nghề, các cơ sở nơi đây không có quy hoạch bài bản, thiết bị kỹ thuật thô sơ… thường phát sinh những chất thải gây hại ô nhiễm.
Lâm Đồng hiện có 1.010 cơ sở lưu trú du lịch, 34 điểm tham quan du lịch, 3 sân golf, 40 đơn vị kinh doanh lữ hành. Qua kiểm tra, phần lớn các DN vi phạm các quy định về BVMT ở lĩnh vực chất thải nguy hại như không bố trí an toàn nơi lưu giữ, chuyển giao bán cho cơ sở không đúng quy định, hồ sơ sổ sách quản lý không đạt chuẩn.
Trên toàn tỉnh có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 12 trung tâm y tế tuyến huyện, 147 cơ sở y tế cấp xã, 1 bệnh viện đa khoa tư nhân, khoảng 600 phòng khám chuyên khoa và 1.230 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống thực phẩm… Một số cơ sở y tế đã trang bị lò đốt chất thải y tế, tuy nhiên hầu hết các cơ sở chưa có đề án BVMT đảm bảo quy chuẩn. Tình hình ngăn chặn vi phạm ATVSTP vẫn chưa thực hiện được triệt để…
Tích cực phòng và chống
Trước bối cảnh còn nhiều phức tạp nêu trên, cùng các ngành chức năng khác, thời gian qua, PC49 Lâm Đồng thường xuyên triển khai công tác phòng chống vi phạm pháp luật về TNMT, ATVSTP.
Kết quả, đã phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật 1.994 vụ; trong đó chủ yếu tập trung là: phá hoại rừng 187 vụ, khai thác bảo vệ rừng 480 vụ, gây ô nhiễm MT 211 vụ. Đó còn là những vi phạm các quy định về hồ sơ BVMT 368 vụ, quản lý chất thải nguy hại 14 vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm 255 vụ, tài nguyên khoáng sản 150 vụ, bảo vệ động vật quý hiếm 61 vụ…Trong đó, khởi tố 261 vụ với 332 bị can; xử lý vi phạm hành chính 1.007 vụ; phạt số tiền 7 tỷ 095 triệu đồng...
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, quá trình hoạt động của PC49 đã một mặt ngăn chặn, răn đe, giáo dục tuyên truyền pháp luật; mặt khác, tham mưu cho chính quyền các cấp; không để xảy ra khiếu nại tố cáo về xử lý vi phạm hành chính…
Lực lượng PC49 trực tiếp xử lý 1.268/1.994 vụ phát hiện, còn lại chuyển các cơ quan khác theo thẩm quyền.
Để sinh động hơn, chúng tôi dẫn chứng một số vụ điển hình trong thời gian gần đây trên một số lĩnh vực. Ngày 15/12/2015, PC49 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Olam Việt Nam và đã phát hiện tại Công ty này xả thải nước từ sản xuất không qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Phòng đã đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) số tiền 416.600.000 đồng.
Ngày12/4/2016, tại địa chỉ 18B, Trần Khánh Dư, phường 8, thành phố Đà Lạt, PC49 phát hiện 80 bao măng với tổng trọng lượng ước khoảng hơn 6 tấn không có nguồn gốc xuất xứ được ủ ngâm bằng hóa chất. Quá trình kiểm tra còn phát hiện bột hóa chất màu vàng (chưa xác định được thành phần) dùng để tẩm ướp, tạo màu cho măng. Cơ sở này đã bị phạt hành chính 15 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ số măng thu được.
Ngày 8/4/2016, Phòng CSMT Lâm Đồng phát hiện trên xe khách 49B-000.27 có 2 cá thể mèo rừng trọng lượng 5,4 kg và 1 cá thể rắn hổ mang chúa trọng lượng 3,4 kg. Các cá thể trên còn sống và đều thuộc nhóm IB (động vật rừng nguy cấp, quý hiếm). Lực lượng PC49 đã nhanh chóng thu giữ và bàn giao cơ quan chức năng thả về rừng tự nhiên an toàn.
Ngày 16/7/2016, PC49 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc, 56 Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Bảo Lộc. Phát hiện hệ thống xử lý nước thải của Công ty không vận hành, nước thải từ hoạt động sản xuất xả trực tiếp ra MT (qua khu dân cư rồi ra suối). Phòng CSMT đã đề xuất UBND tỉnh ra quyết định XPVPHC số tiền 321.100.000 đồng. Ý nghĩa hơn ở vụ việc này là không chỉ ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở mà sau đó Phòng đã tổ chức để công ty này công khai xin lỗi nhân dân, nâng cao ý thức BVMT cho cộng đồng và tạo niềm tin trong nhân dân đối với lực lượng CSMT.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Đó là chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Văn Tài - Phó Phòng PC49. Anh nói: “Qua quá trình hoạt động 10 năm nay, chúng tôi vẫn còn những trăn trở, trong đó, lực lượng CSMT muốn hoàn thiện hơn về cơ chế chính sách pháp luật để tiếp tục phát huy hiệu quả của lực lượng này”.
Tình hình về lĩnh vực MT ngày càng “nóng” với những diễn biến phức tạp. Để thực hiện hiệu quả, cần tăng cường trách nhiệm cao hơn, không buông lỏng quản lý hoặc lợi dụng chức năng nhiệm vụ để bao che hoặc tiếp tay đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
PC49 cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hơn đến lực lượng CSMT, ví dụ đầu tư thêm trang thiết bị bằng kinh phí của địa phương để lực lượng hoạt động có hiệu quả hơn, mặc dù thời gian qua đã phát huy hiệu quả nguồn kinh phí này nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ thực tế vẫn còn khiêm tốn. “Cũng qua đây, chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung chức năng nhiệm vụ cũng như quyền hạn của lực lượng CSMT thông qua điều chỉnh, bổ sung Nghị định 179/CP”, anh Tài nói thêm. Với Nghị định này, vẫn còn quy định đối với lực lượng CSMT những khó khăn, chồng chéo trong triển khai thực hiện với các cơ quan quản lý nhà nước như thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...
Còn theo Thiếu tá, Đội trưởng Nguyễn Viết Hưng kiến nghị với tỉnh cần đưa lực lượng CSMT được tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của tỉnh để phát huy tốt hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành công an (ví dụ giám sát, điều tra...) như các tỉnh, thành đã thực hiện. Ở mặt chủ quan, thượng tá, Phó Phòng PC49 Bùi Tiến Đạt thẳng thắn nêu lên: Lực lượng CSMT còn mỏng (hiện có gần 40 cán bộ, chiến sĩ); năng lực nghiệp vụ chưa đáp ứng tốt nhất so với yêu cầu nhiệm vụ… Một trong những khó khăn của lực lượng CSMT là theo chức năng được kiểm tra đột xuất đối tượng có căn cứ về dấu hiệu vi phạm, do đó, việc củng cố hồ sơ ban đầu là hết sức quan trọng…
MINH ÐẠO