Ngày 20/10, Chi cục Phó Kiểm lâm Lâm Đồng - Võ Danh Tuyên từ huyện Bảo Lâm cho biết: Huyện Bảo Lâm vừa triển khai tổ chức công tác phối hợp về quản lý, bảo vệ rừng giữa địa bàn huyện này với các địa phương huyện, thành phố có rừng giáp ranh.
Ngày 20/10, Chi cục Phó Kiểm lâm Lâm Đồng - Võ Danh Tuyên từ huyện Bảo Lâm cho biết: Huyện Bảo Lâm vừa triển khai tổ chức công tác phối hợp về quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) giữa địa bàn huyện này với các địa phương huyện, thành phố có rừng giáp ranh. Ngoài lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lâm, tham dự hội nghị còn có lãnh đạo UBND huyện và các đơn vị công an, kiểm lâm của các huyện Di Linh, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; các huyện Đăk Glong, Đăk Glấp, tỉnh Đắk Nông và huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Theo báo cáo của Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 (Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua, công tác QLBVR ở huyện Bảo Lâm cũng như các huyện, thành phố giáp ranh huyện này tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng tình hình khai thác rừng và vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn diễn ra phức tạp. Sự phối kết hợp giữa các địa phương vẫn còn mang tính hình thức, kém hiệu quả và thiếu tính thường xuyên. Vì vậy, thời gian tới là tăng cường sự phối hợp một cách hiệu quả và thiết thực hơn; tuyên truyền, vận động sâu rộng đối với các hộ dân, nhất là vùng giáp ranh; tăng cường công tác tuần tra, truy quét; ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm, nhất là tại các điểm “nóng”…là những giải pháp quan trọng được các đại biểu nêu lên bàn thảo.
Được biết, từ đầu năm 2016 đến nay, qua kiểm tra truy quét, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã phát hiện 178 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, 80 vụ khai thác rừng trái phép (tịch thu 360 m
3 gỗ các loại); 50 vụ phá rừng (34 ha); 31 vụ vận chuyển lâm sản trái phép (tịch thu 38 m
3 gỗ); 17 vụ mua bán, tàng trữ, kinh doanh trái phép (tịch thu hơn 40 m
3 gỗ). Trong số những vụ vi phạm này có 144 vụ đã được xử lý hành chính và khởi tố 6 vụ, với 18 bị can; tịch thu 3 xe ô tô và 47 xe mô tô các loại…
Những vụ phá rừng “nổi cộm” trong thời gian qua xuất hiện nhiều ở khu vực xã Lộc Bắc, Lộc Bảo; khu vực Thủy điện Đồng Nai 5; khu vực xã Lộc Phú và Lộc Ngãi (Tiểu khu 613, 614); khu vực xã Lộc Tân (vùng giáp ranh Đạ Huoai, Đạ Tẻh) và điều đáng lo ngại là “rộ” lên tình trạng các doanh nghiệp thuê rừng buôn bán đất lâm nghiệp trái phép để sản xuất nông nghiệp. Các ngành chức năng của huyện chỉ mới giải tỏa cây trồng trái phép trên đất lâm nghiệp được 50 ha.
MINH ÐẠO - XUÂN LONG