Tiếp tục cuộc hành trình xuất phát từ lòng yêu thương

08:10, 26/10/2016

Một nhiệm kỳ của những người làm công tác Chữ thập đỏ đã đi qua với những con số ý nghĩa và nhiều sự kiện ấn tượng. Nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp tới, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ được đánh giá có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ gặp không ít thách thức...

Một nhiệm kỳ của những người làm công tác Chữ thập đỏ (CTĐ) đã đi qua với những con số ý nghĩa và nhiều sự kiện ấn tượng. Nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp tới, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ được đánh giá có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ gặp không ít thách thức... Nhân sự kiện này, ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có cuộc trao đổi với Báo Lâm Đồng về những thành công đã đạt được, cùng những khó khăn, thách thức và mục tiêu hướng tới trong giai đoạn tiếp theo. 
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà cho người nghèo. Ảnh: T.Linh
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà cho người nghèo. Ảnh: T.Linh

PV: Thưa ông, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Hội CTĐ tỉnh đã tạo ra được nhiều dấu ấn đậm nét thông qua những việc làm đầy ý nghĩa thiết thực, ông có thể điểm qua những con số và sự kiện ấn tượng đó?
 
Tổng giá trị hoạt động của nhiệm kỳ 2011 - 2016 đạt được trên 188 tỷ 200 triệu đồng (vượt 88% chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VII đã đề ra và tăng 79% chỉ tiêu so với nhiệm kỳ VI).
Ông Đỗ Hoàng Tuấn: Có 10 sự kiện nổi bật nhất mà chúng tôi đã cùng nhau cố gắng và nỗ lực để hoàn thành, cũng như được ghi nhận. Đó là: Hội CTĐ Lâm Đồng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị xuất sắc; giúp đỡ 638 địa chỉ nhân đạo hàng tháng để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; tặng trên 254.000 suất quà tết cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá gần 82 tỷ đồng. Đồng thời phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề… cho trên 1.200 người khuyết tật và nạn nhân da cam, tổng kinh phí 2 dự án là 11 tỷ đồng; vận động mới 5 bếp ăn tình thương CTĐ, có trên 222.300 lượt bệnh nhân nghèo được thụ hưởng và lần đầu tiên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” cấp 2.500 suất cơm miễn phí, tổng trị giá 2,7 tỷ đồng. Hội đã trao 4.409 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tổng trị giá trên 3,5 tỷ đồng; vận động tiếp nhận 8 máy gây mê của tổ chức MESCH - Australia tài trợ, vận động 55 trường hợp mổ tim và cấp 1.334 chiếc xe lăn, xe lắc, tổng trị giá trên 7,5 tỷ đồng; tiếp nhận 47.179 đơn vị máu và lần đầu tiên Lâm Đồng vượt kỷ lục trong ngày hội “Giọt máu hồng thành phố hoa” lần thứ 4, chương trình “Hành trình đỏ” tiếp nhận 906 đơn vị máu và xếp thứ nhất trong 27 tỉnh tổ chức. Không thể không kể đến việc xây dựng trên 100 sân xi măng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, có nơi vui chơi cho trẻ em và phơi nông sản phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới; đoạt giải nhì toàn quốc và giải nhất trang trí trại - Hội trại tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ toàn quốc do Trung ương Hội tổ chức. 
 
PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn với những người làm công tác CTĐ: “Phải xuất phát từ tình yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”, trên tinh thần ấy, công tác xã hội và trợ giúp nhân đạo của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực như thế nào, thưa ông?
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn: Tôi có thể khẳng định rằng, công tác xã hội và trợ giúp nhân đạo trong những năm vừa qua do Hội tiến hành phát động luôn có sự phát triển không ngừng cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Các cấp hội đã phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, triển khai đa dạng về nội dung lẫn hình thức nên đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp cho người già neo đơn, trẻ em lang thang cơ nhỡ, nạn nhân chất độc da cam, những mảnh đời bất hạnh… tự tin vươn lên trong cuộc sống.
 
Rất nhiều chương trình như “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; “Phong trào Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới và phát triển cộng đồng”; Dự án “Hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho người khuyết tật”; Dự án “Ngân hàng bò”… đã trở thành các hoạt động truyền thống của hội và tạo ra được sức lan tỏa, sự hưởng ứng tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân đối với công tác nhân đạo.
 
PV: Cũng như ông đã từng đánh giá và trao đổi, hoạt động của Hội và phong trào CTĐ sẽ gặp nhiều thuận lợi và không ít những khó khăn thách thức, ông có thể trao đổi thêm về vấn đề này?
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn: Đúng như câu hỏi anh đã đặt ra, nói thuận lợi là bởi, công tác CTĐ luôn nhận được sự quan tâm, sâu sát và thường xuyên nhất của Đảng và Nhà nước, cũng như sự hưởng ứng tham gia của toàn xã hội, chính vì vậy trong chặng đường sắp tới luôn đòi hỏi công tác Hội và phong trào CTĐ phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương thức hoạt động. Nói khó khăn, là bởi Lâm Đồng vẫn là một địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, doanh nghiệp ít, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, trong khi đó đối tượng yếu thế cần giúp đỡ của xã hội còn nhiều, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn không nơi nương tựa… Chính vì vậy, vai trò, trách nhiệm của Hội CTĐ lại càng phải thể hiện được rõ nét hơn, thực sự là cầu nối, điểm tựa để những tấm lòng nhân đạo có thể tìm đến được các địa chỉ đỏ cần thiết, để những trái tim có thể kết nối được với những trái tim.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
 
LAM ANH (Thực hiện)