Đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh

08:10, 11/10/2016

Sau hơn một tháng học sinh bước vào năm học mới, số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt tăng nhanh, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm.

Sau hơn một tháng học sinh (HS) bước vào năm học mới, số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt tăng nhanh, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) diễn biến phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm.Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT, nhất là ATGT cho học sinh khi đến trường.
 
Tình trạng học sinh vi phạm Luật ATGT diễn ra khá phổ biến - Ảnh: P.N
Tình trạng học sinh vi phạm Luật ATGT diễn ra khá phổ biến - Ảnh: P.N

11h30 phút trưa, ngã tư Phan Chu Trinh nhộn nhịp, chen chúc xe cộ. Cảnh xe máy chen nhau từng chút một đã không còn xa lạ với người dân khu vực này bởi xung quanh đó là các trường TH Phan Như Thạch, THCS&THPT Chi Lăng, THPT Trần Phú,… Giờ trưa là giờ cao điểm khi công nhân viên chức tan sở, HS tan trường. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều điểm giao thông trọng điểm gần trường học khác trên thành phố như ngã ba Nguyễn Văn Cừ/ Bà Triệu, Bà Triệu/ Trần Phú, tuyến đường Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng… Việc phụ huynh đưa đón con em, dừng, đỗ phương tiện không đúng nơi quy định cũng dẫn đến tình trạng quá tải, có lúc dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2016, Đội đã phát hiện và xử lý 276 trường hợp HS vi phạm Luật ATGT, trong đó lỗi chủ yếu là điều khiển xe máy khi không có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi theo quy định. 
Bên cạnh đó, tình trạng học sinh vi phạm Luật ATGT khi đi xe máy đến trường, ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cũng như chở quá số người quy định cũng đang diễn ra khá phổ biến.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hùng -  Đội trưởng Đội CSGT TP Đà Lạt, số lượng HS vi phạm luật ATGT ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là việc quản lý của gia đình còn buông lỏng, thậm chí còn nuông chiều con cái, mặc dù biết con em mình chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển, nhưng vẫn giao phương tiện sử dụng, dẫn đến nhiều hành vi vi phạm luật giao thông. Bên cạnh đó, học sinh đi xe máy đến trường thường không gửi xe trong trường mà gửi ở các nhà dân cạnh đó, nên nhà trường cũng không thể quản lý được.
 
Bác Nguyễn Đình Thương (phường 12) có con là HS Trường THPT Trần Phú cho biết: “Con gái tôi học thêm ở nhiều nơi, trong khi gia đình lại bận rộn vườn tược, không đưa đón kịp. Do đó mà những lúc bận, tôi đành phải giao xe máy cho con chủ động giờ giấc đi lại”.
 
Trước tình trạng này, lực lượng CSGT TP Đà Lạt đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ mất ATGT cho HS khi đến trường, trong đó thường xuyên ra quân xử lý các trường hợp HS vi phạm khi tham gia giao thông, kết hợp với tuyên truyền giáo dục, thay đổi ý thức cho cả phụ huynh và học sinh. 
 
Từ đầu năm học đến nay, Đội CSGT đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh và HS 2 trường THPT Trần Phú, THCS&THPT Tây Sơn; theo kế hoạch sẽ hoàn thành tuyên truyền cho tất cả các trường học trên địa bàn thành phố vào cuối tháng 10 này. Đội kết hợp với nhà trường triển khai cho phụ huynh ký cam kết không giao xe gắn máy cho con em sử dụng khi chưa đủ tuổi theo quy định. Bên cạnh đó, hàng năm, Đội cũng phối hợp lồng ghép các chương trình học ngoại khóa về ATGT cho HS ở các điểm trường như THPT Thăng Long, THPT Tây Sơn, THCS Quang Trung, THCS Nguyễn Du, THCS Lam Sơn; tổ chức các hội thi tìm hiểu về Luật ATGT đường bộ cho HS trên địa bàn thành phố. 
 
Ngoài ra, Ban ATGT các phường trên địa bàn thành phố cũng thành lập đội Thanh niên xung kích ATGT, kết hợp với công an phường tổ chức điều tiết, đảm bảo trật tự, ATGT vào giờ cao điểm, đồng thời kiểm tra xử lý các hộ giữ xe mô tô, gắn máy cho HS khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. 
 
Công an các phường cũng tham mưu Ban ATGT phường, xã làm việc với Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn tuyên truyền vào đầu năm học, bố trí bãi đậu xe cho phụ huynh đưa đón con em; kết hợp với Đội CSGT thành phố thường xuyên tổ chức ra quân xử lý nghiêm các trường hợp HS vi phạm sử dụng xe mô tô, gắn máy đến trường theo quy định của Pháp luật, lập danh sách thông báo Phòng Giáo dục - Đào tạo trừ thi đua về hạnh kiểm.
 
“Để việc quản lý HS sử dụng xe gắn máy, mô tô khi tham gia giao thông; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an, nhà trường, học sinh và phụ huynh. Có làm tốt công tác phối hợp này thì mới giảm thiểu được những vi phạm của các em khi tham gia giao thông” - ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
 
VIỆT QUỲNH