Nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2016), PV Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Lệ - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về một số kết quả nổi bật của công tác dân vận trong thời gian qua.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn xem công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng. Nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2016), PV Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Lệ - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về một số kết quả nổi bật của công tác dân vận trong thời gian qua.
PV: Xin đồng chí cho biết đôi nét về ý nghĩa Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng trong thời gian qua?
|
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ |
Trong suốt 86 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn chiến thắng kẻ thù, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, công tác dân vận có phương thức, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tạo thành sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo Dân vận, tháng 10/1999, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm làm “Ngày Dân vận” của cả nước để cùng nhau học tập và thực hiện tư tưởng của Bác Hồ dạy về công tác dân vận. Đồng thời, cũng là dịp để ôn lại những chặng đường vẻ vang về truyền thống công tác dân vận của Đảng qua các thời kỳ, ghi nhận và tôn vinh các thế hệ làm công tác dân vận đã có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
PV: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tại Lâm Đồng, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Trong đó, có thể kể đến vai trò của công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới và một số phong trào khác. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của công tác dân vận trong lĩnh vực này?
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2009. Qua 8 năm thực hiện, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2.615 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Kết quả nổi bật nhất của phong trào này đó là xây dựng được các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, với công tác vận động có trọng tâm, trọng điểm, có nội dung, có địa chỉ và cách làm cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tập hợp và đoàn kết rộng rãi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Một số mô hình tiêu biểu như: “Vận động xây dựng nhà lồng, nhà kính sản xuất rau, hoa công nghệ cao” ở Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương; mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Hai lúa, một bắp” ở các huyện Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh; mô hình “Tái canh cây cà phê” ở các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà; “Chăn nuôi bò sữa” ở Đơn Dương, Đức Trọng… Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh; huy động được nhiều nguồn lực, nhiều lực lượng thực hiện phong trào một cách có hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng; giải quyết được những vấn đề bức thiết của nhân dân, đem lại lợi ích cho từng địa phương, đơn vị, cho các tầng lớp nhân dân. Qua phong trào, đã rút ra được những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm hay trong công tác vận động quần chúng để tổng kết nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tạo tiền đề để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới của tỉnh.
|
Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh giúp dân làm cầu vượt lũ ở Đam Rông. Ảnh: XUÂN NGỌC |
PV: Để công tác dân vận tiếp tục phát huy hiệu quả, theo đồng chí thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì?
Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là của cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội về phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; để từ đó, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận theo “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” đã được Bộ Chính trị khóa X ban hành.
Hai là, đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp”. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền với Ban Dân vận của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác dân vận của Đảng.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Thông qua hoạt động thực tiễn, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo phong trào cách mạng rộng lớn trong nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác dân vận các cấp theo hướng tinh gọn nhưng hoạt động có chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong giai đoạn cách mạng mới. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy các cấp có chủ trương, biện pháp phù hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; theo dõi, nắm chắc tình hình nhân dân, nhất là vấn đề liên quan công tác dân tộc, tôn giáo và những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội...
HỒNG HẢI (thực hiện)