Giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non

09:10, 31/10/2016

Giáo dục và rèn luyện các cháu lứa tuổi mầm non làm quen với một số hành vi đạo đức đơn giản như biết phân biệt tốt - xấu, ngoan - hư; biết giữ phép tắc, cư xử có văn hóa, lễ độ với người lớn; giữ trang phục gọn gàng, sạch sẽ… Đó chính là tâm huyết của nữ tu Hồ Thị Thanh Xuân - Phụ trách cơ sở mầm non Tư thục Vinh Sơn - Pró, Đơn Dương trong công tác giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non.

Giáo dục và rèn luyện các cháu lứa tuổi mầm non làm quen với một số hành vi đạo đức đơn giản như biết phân biệt tốt - xấu, ngoan - hư; biết giữ phép tắc, cư xử có văn hóa, lễ độ với người lớn; giữ trang phục gọn gàng, sạch sẽ… Đó chính là tâm huyết của nữ tu Hồ Thị Thanh Xuân - Phụ trách cơ sở mầm non Tư thục Vinh Sơn - Pró, Đơn Dương trong công tác giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non. 
 
Giáo dục lễ giáo là một trong những nội dung trọng tâm được các cơ sở giáo dục mầm non chú trọng. Ảnh: N.Thu
Giáo dục lễ giáo là một trong những nội dung trọng tâm được các cơ sở giáo dục mầm non chú trọng. Ảnh: N.Thu

Xã Pró, huyện Đơn Dương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; hầu hết các gia đình làm nghề nông, cuộc sống khó khăn, nên việc chăm sóc con cái thường bỏ bê cho nhà trường. Mặt khác, còn do nhiều gia đình phụ huynh quá cưng chiều con, do cuộc sống bận rộn nên thiếu sự chăm sóc, ân cần với trẻ, con đòi gì cha mẹ liền đáp ứng ngay. Qua khảo sát thực tế tại địa phương ở lứa tuổi từ 2 đến 4 tuổi, nữ tu Hồ Thị Thanh Xuân bắt đầu hình thành và xây dựng ý tưởng về giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non ngay từ những ngày đầu tiên đến trường.
 
Nữ tu Hồ Thị Thanh Xuân cho biết : Đa số các cháu khi đến trường đều rất hồn nhiên, vui tươi, ngoan ngoãn, phát triển cân đối cả về thể chất lẫn tâm lý. Tuy nhiên, để giáo dục các cháu đi vào nề nếp, có lễ giáo thì đây là một nhiệm vụ đòi hỏi sự bền bỉ, kiên nhẫn và có cách làm sáng tạo. Thực tế, một số cháu khi vào trường thường lầm lì ít nói, ai đụng tới hoặc làm phật ý là phản ứng với cả cô và bố mẹ. Có cháu khi buồn lại cứ chui vào gầm bàn nằm vạ không chịu ra. Cháu thì khóc nhè liên tục nhiều ngày, nhiều tháng, hoặc chỉ biết ăn một vài món theo thói quen… Để từng bước xây dựng hoạt động lễ giáo đi vào nề nếp, bản thân nữ tu Hồ Thị Thanh Xuân và giáo viên trong trường đều thống nhất về tư tưởng, mục đích, ý nghĩa của việc làm này. Đồng thời, thống nhất với phụ huynh trong việc giáo dục các cháu, tìm hiểu, nắm rõ đặc điểm từng cháu thông qua gia đình để tìm cách dạy dỗ trẻ sao cho phù hợp từng lứa tuổi, từng bé.
 
Với phương châm “cô giáo như mẹ hiền”,“măng non dễ uốn”; các cô đều phải thật sự kiên trì, gần gũi, yêu trẻ, có cử chỉ, hành động, lời nói thật nhẹ nhàng, khéo léo để tạo sự gần gũi, từng bước giúp trẻ cởi mở hơn với cô và bạn bè.
 
Trường Mầm non Tư thục Vinh Sơn đã triển khai các biện pháp căn bản như: thực hiện đón tiếp các cháu ân cần, vui vẻ; giúp các cháu làm quen với tên trường, tên lớp, tên cô, tên bạn; biết chào cô khi đến lớp, chào bố mẹ khi đi học hoặc khi đón về nhà. Cụ thể, trong quá trình dạy dỗ, các cô giúp bé nhận biết ký hiệu đồ dùng của mình như ly uống nước, chén, nệm, khăn mặt…; biết cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ; biết xin lỗi khi làm điều sai. Xây dựng thói quen cho các bé tự phục vụ trong việc mặc áo quần, đi giày dép, rửa mặt, chải răng, chải đầu, xúc cơm; biết lấy đồ, cất đồ đúng nơi quy định; biết bảo quản giữ gìn đồ dùng học tập trong lớp... Thậm chí những cử chỉ rất nhỏ như thói quen trong ăn uống, đi đứng, ngồi nghỉ, ngáp, hắt hơi… đều được cô tận tình chỉ bảo.
 
Chị Ka Liên có con học trong Trường Mầm non Tư thục Vinh Sơn cho biết: “Do bận rộn việc nương rẫy nên tôi không có thời gian dạy dỗ cháu nhiều, nhưng chỉ sau vài tháng gửi cháu vào trường đã được các cô, các seur dạy dỗ rất chu đáo. Cháu đã biết chào hỏi, thưa gửi lễ phép, biết trả lời trọn vẹn câu, có ý thức sử dụng đồ dùng trong nhà ngăn nắp hơn. Đặc biệt, tôi rất vui và yên tâm khi mỗi ngày cháu đều rất vui thích khi được đến trường, yêu mến bạn và kính trọng các seur các cô giáo”.
 
Với riêng bản thân mình, nữ tu Thanh Xuân chia sẻ: là người lãnh đạo tôi cố gắng xây dựng môi trường sư phạm đẹp, văn minh, xây dựng môi trường học thân thiện, tạo bầu không khí vui tươi, đầm ấm ở mọi nơi, mọi lúc với tinh thần “Tất cả vì trẻ thơ”. Tôi quyết tâm mỗi sáng và chiều thu xếp công việc để ra đón các cháu và trao đổi với phụ huynh về những vấn đề liên quan nếu cần thiết. Thuộc tên từng cháu chính là một lợi điểm giúp tôi thuyết phục các cháu. Sau mỗi giờ thể dục buổi sáng, tôi thường dành 5 - 10 phút để trò chuyện cùng các cháu về nề nếp, lễ giáo, nhắc nhở các cháu thực hiện những hành vi trong trường và ở nhà... Bản thân mỗi người giáo viên, mỗi nữ tu trong trường đều phải thật sự là tấm gương trong mọi cử chỉ, hành động, lời nói để các cháu noi theo. Kết quả sau mỗi năm học, với 98% các cháu đạt hạnh kiểm tốt đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành nhân cách cho trẻ ngay từ khi ở lứa tuổi mầm non, nhất là đối tượng trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
 
NGUYỆT THU