Trong giai đoạn 2010 - 2013, mỗi năm bình quân trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 250 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 260 người, bị thương 300 người, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn…
Trong giai đoạn 2010 - 2013, mỗi năm bình quân trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 250 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 260 người, bị thương 300 người, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn…
|
Các chức sắc tôn giáo được ông Võ Văn Thiện - Trưởng Ban công tác Mặt trận phía Nam - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và ông Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng bên phải) biểu dương thành tích về xã hội hóa và an toàn giao thông - Ảnh: N.Thu |
Sau 2 năm (2014 - 2016) triển khai thực hiện nội dung ký kết “Đồng hành thực hiện an toàn giao thông”, hầu hết các tổ chức tôn giáo trong tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở thờ tự, các chức sắc, chức việc chủ động vào cuộc triển khai các nội dung ký kết, gắn với tuyên truyền, vận động tín đồ và nhân dân tham gia thực hiện; nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo treo nội dung Bản ký kết của “Các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đồng hành thực hiện an toàn giao thông” tại nơi sinh hoạt.
Đặc biệt, thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo, các buổi lễ, rao giảng tại nhà thờ, chùa, thánh thất, nhà nguyện… nhiều vị chức sắc tích cực tham gia tuyên truyền, động viên, nhắc nhở bà con tín đồ tự giác chấp hành các quy định bảo đảm ATGT. Điển hình như Linh mục Nguyễn Chu Truyền - Quản hạt Bảo Lộc; Linh mục Nguyễn Hưng Lợi - Giáo xứ Phú Sơn; Hòa Thượng Thích Toàn Đức - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh; Mục sự Cil Múp Ha Kar - Trưởng Ban Đại diện Hội thánh Tin lành VN (MN) tỉnh; Giáo sư Thượng Nại Thanh - Trưởng Ban Đại diện Hội thánh Cao đài Tây Ninh tỉnh…
Việc các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đồng hành thực hiện an toàn giao thông là hành động có ý nghĩa thiết thực, nhằm tăng cường phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
|
Ban ATGT tỉnh phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn nội dung tuyên truyền, cung cấp báo Giao thông và thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, đôn đốc, gắn với tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATGT. Một số địa phương chủ động ký kết chương trình phối hợp với các tôn giáo để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác vận động tín đồ và nhân dân bảo đảm trật tự ATGT gắn với tham gia giữ gìn an ninh - trật tự, phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội và bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như: thành phố Bảo Lộc, huyện Di Linh, Đức Trọng…
Nhiều vị chức sắc đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động; nhiều mô hình hiệu quả tham gia bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục được duy trì, phát huy, nhân rộng. Điển hình như Linh mục Trần Thả - Quản hạt Di Linh phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện Di Linh tổ chức ký kết Giao ước thi đua chấp hành tốt Luật An toàn giao thông, trở thành mô hình điểm được nhân rộng ký kết đến 10 giáo xứ và 3 giáo họ, thu hút hàng ngàn giáo dân hưởng ứng tham gia, đến nay lan rộng đến các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn.
Thiền viện Trúc Lâm và một số cơ sở tôn giáo tại thành phố Đà Lạt, nơi có lưu lượng xe của du khách tham quan đông đã bố trí, sắp xếp bãi đậu và thường xuyên duy trì bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Các tôn giáo ở thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng thường xuyên lồng ghép vận động bà con nhân dân gương mẫu chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không chở quá tải, quá số người theo quy định; không phóng nhanh, vượt ẩu, lấn chiến lòng đường, vỉa hè; tham gia bảo vệ công trình, hành lang, ATGT…
Hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (vào ngày Chủ nhật trung tuần tháng 11 hàng năm), các tổ chức tôn giáo có các hoạt động ý nghĩa nhằm tưởng niệm những nạn nhân tử vong với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”. Trong đó Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh và các vị chức sắc phối hợp tổ chức lễ cầu siêu, gắn với các hoạt động tuyên truyền nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về hậu quả to lớn, lâu dài của tai nạn giao thông; chỉ ra các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông để giúp mọi người nâng cao nhận thức, ý thức trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông, giữ gìn tính mạng và tài sản đem lại hạnh phúc cho mỗi người.
Đây là một trong những giải pháp hiệu quả được Trung ương đánh giá cao - ông Phan Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết.
NGUYỆT THU