Cùng với tăng cường đổi mới phương pháp dạy - học, những năm gần đây, Khoa Xã hội - Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt còn tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và coi đây là thế mạnh cần phát huy của khoa.
Cùng với tăng cường đổi mới phương pháp dạy - học, những năm gần đây, Khoa Xã hội - Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt còn tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và coi đây là thế mạnh cần phát huy của khoa.
|
Tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa Xã hội - CĐSP Đà Lạt. Ảnh: V.TRỌNG |
Chặng đường 40 năm
Là một trong những khoa lớn trong trường, tiền thân của Khoa Xã hội hiện nay của CĐSP Đà Lạt là các tổ chuyên môn Văn, Sử, Chính trị - Tư tưởng, Nga văn, Tâm lý… Năm 1985, Khoa Xã hội được thành lập với tên gọi lúc đó là Khoa Văn - Sử - Chính trị với gần 30 cán bộ giảng viên.
Thời gian sau đó, có lúc khoa tách thành 3 tổ bộ môn trực thuộc gồm Ngữ văn, Lịch sử, Chính trị như năm 1992, có lúc sáp nhập trở thành một khoa rất lớn trong năm 1999 với 5 tổ chuyên môn gồm Ngữ văn, Lịch sử, Anh văn, Lý luận Chính trị, Tâm lý và Công tác đội, lấy tên là Khoa Khoa học xã hội (thường gọi là Khoa Xã hội) với nhiệm vụ giảng dạy các học phần chung trong toàn trường và các chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Hiện nay, Khoa Xã hội gồm 4 tổ chuyên môn là tổ Ngữ văn, tổ Lịch sử, tổ Địa lý - Văn hóa - Du lịch và tổ Anh văn với 27 cán bộ, giảng viên giảng dạy tại 7 mã ngành đào tạo với trên 500 sinh viên đang học tại khoa.
Gần 40 năm trưởng thành cùng CĐSP Đà Lạt, Khoa Xã hội hiện nay được đánh giá có một đội ngũ cán bộ giảng viên hùng hậu, có năng lực chuyên môn cùng bề dày kinh nghiệm sư phạm trong đào tạo. Mặc dù những năm gần đây, một số cán bộ lớn tuổi lần lượt đến tuổi nghỉ hưu nhưng đội ngũ cán bộ giảng viên kế cận đã bắt nhịp rất tốt với truyền thống của khoa, được đào tạo bài bản, hầu hết đều đã hoàn thành bậc cao học, không ít người là tiến sỹ, nhiều người đang là nghiên cứu sinh.
“Từ khi thành lập cho đến nay, Khoa luôn nỗ lực xây dựng thành một tập thể đoàn kết, thân thiện, dân chủ, tạo dựng môi trường làm việc cởi mở để mọi người cùng trao đổi, học tập lẫn nhau, cùng nỗ lực vươn lên; để sinh viên thấy thầy cô giảng viên là những tấm gương hướng đến” - thạc sỹ Phan Văn Bông - Trưởng khoa cho biết.
Trong 40 năm đó, Khoa Xã hội đã tích cực góp phần không nhỏ trong công tác đào tạo của nhà trường, góp phần rất lớn trong việc đào tạo đội ngũ thầy cô giáo nòng cốt bậc trung học cơ sở (THCS) ở khắp tất cả các trường học tại Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Rất nhiều người trong số này đang là giáo viên giỏi các cấp, đang giữ các vị trí lãnh đạo nhà trường, đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, ban, ngành của tỉnh; nhiều người là lãnh đạo cao cấp của tỉnh và trung ương.
Phát huy thế mạnh
Một trong những thế mạnh của Khoa Xã hội những năm gần đây, theo Thạc sỹ Phan Văn Bông, chính là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học.
Trong nghiên cứu khoa học, chỉ tính trong 3 năm gần đây, Khoa đã hoàn thành 4 đề tài, giáo trình giảng dạy lưu hành nội bộ cùng 2 đề tài nghiên cứu cấp trường gồm Đề tài “Dạy tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số” của tổ Anh văn và Đề tài “Phong trào học sinh, sinh viên Đà Lạt giai đoạn 1965 - 1968” của tổ Lịch sử.
Cùng đó, các giảng viên trong tổ Ngữ văn của khoa đã tham gia cùng Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng biên soạn tài liệu học tập các môn Văn học - Lịch sử - Địa lý địa phương dành cho khối học sinh THCS của tỉnh; tổ Lịch sử tham gia Đề tài “Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý cấp THCS ở Lâm Đồng”. Khoa cũng tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp trường như Hội thảo “Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Bác sỹ A. Yersin”; Hội thảo khoa học nhân dịp 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cùng rất nhiều các hội thảo cấp khoa, cấp tổ.
Trong đổi mới giảng dạy, cán bộ giảng viên trong khoa đã vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại, như dạy học theo dự án; dạy học nêu vấn đề; thảo luận nhóm; quản lý tốt công tác tự học của sinh viên…
Trong thời gian sắp đến, theo Thạc sỹ Phan Văn Bông, Khoa Xã hội sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong nghiên cứu khoa học. Khoa đang yêu cầu và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên trong khoa đăng ký làm nghiên cứu sinh, trước mắt có một người sắp hoàn thành chương trình này, sắp đến sẽ có thêm 3 cán bộ, giảng viên nữa đăng ký chương trình Nghiên cứu sinh và làm các đề tài khoa học...
Trong đổi mới phương pháp giảng dạy, Khoa cũng yêu cầu cán bộ, giảng viên tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới trong kiểm tra, đánh giá sinh viên theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất của người học; triển khai các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên THCS trong tỉnh; khuyến khích giảng viên mạnh dạn áp dụng các phương tiện hiện đại vào giảng dạy.
VIẾT TRỌNG