Làm gì để có ít nhất 26 trường THPT đạt chuẩn quốc gia

08:10, 28/10/2016

Ngành Giáo dục Lâm Đồng đang đặt ra mục tiêu sẽ có thêm ít nhất 26 trường trung học phổ thông trong toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia trong vòng 4 năm đến.
 

Ngành Giáo dục Lâm Đồng đang đặt ra mục tiêu sẽ có thêm ít nhất 26 trường trung học phổ thông trong toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia trong vòng 4 năm đến.
 
Trường THPT Hùng Vương, Đơn Dương sẽ được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm nay. Ảnh: V.Trọng
Trường THPT Hùng Vương, Đơn Dương sẽ được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm nay.
Ảnh: V.Trọng

Chuyện cơ sở vật chất 
 
Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng, năm học 2016 - 2017 này toàn tỉnh có 59 trường trung học phổ thông (THPT) rải đều trên địa bàn tỉnh. Trong khi bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) trực thuộc Phòng Giáo dục các huyện, thành quản lý, chỉ riêng các trường bậc THPT do Sở GD-ĐT quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, trong số các trường THPT trên có cả những trường vẫn còn 2 cấp học gồm THCS và THPT chưa được tách ra.
 
Trong 59 trường THPT trên cho đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 11 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 18,6%. So với bậc mầm non và bậc tiểu học với tỷ lệ trường đạt chuẩn cao hơn nhiều thì bậc THCS và THPT tỷ lệ đạt chuẩn vẫn còn thấp, nhất là với bậc THPT.
 
Trong 11 trường đạt chuẩn quốc gia trên, Đà Lạt nhiều nhất với 4 trường, Bảo Lộc 3 trường, Di Linh 2 trường, Đức Trọng 1 trường và Đạ Tẻh 1 trường. Còn rất nhiều huyện trong tỉnh hiện nay vẫn “trắng” trường THPT đạt chuẩn quốc gia. 
 
Vì sao tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở cấp THPT tại Lâm Đồng trong nhiều năm nay lại khá chậm? Theo ông Trần Hải, Phó phòng THPT - Sở GD Lâm Đồng, trước nhất vẫn là câu chuyện về cơ sở vật chất. Hầu hết các trường THPT trong tỉnh được xây dựng từ khá lâu nên so với quy định mới nhiều trường hầu như không đạt. Chẳng hạn theo ông Hải, các phòng bộ môn cho khối THPT trước đây thường xây ở mức độ vừa phải, nhưng theo quy định mới hiện nay muốn đạt chuẩn các phòng này phải rộng hơn nhiều, đồng thời phải trang bị đầy đủ các thiết bị dụng cụ dành cho học sinh học tập. 
 
Cùng đó, ở các vùng đô thị, chẳng hạn như Đà Lạt, nơi đất chật người đông, các trường nằm ở khu vực nội thị thường không đủ diện tích quy định so với sĩ số học sinh; trong khi đó các trường ở huyện, trong vùng sâu diện tích không thiếu nhưng lại thiếu các công trình xây dựng cần thiết cho việc đạt chuẩn như thiếu khu hiệu bộ, thiếu phòng chức năng… “Muốn đạt chuẩn trước hết phải tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường THPT” - ông Hải nhấn mạnh.
 
Và không chỉ cơ sở vật chất; chất lượng giáo dục cũng là một vấn đề lớn đặt ra cho rất nhiều trường, đặc biệt là các trường vùng sâu nếu muốn đạt chuẩn quốc gia. Rất nhiều trường trong vùng sâu ở huyện Đam Rông, ở vùng Tân Hà - Lâm Hà… học sinh bỏ học còn nhiều, nhiều nơi trên 2%; chất lượng học tập của học sinh nhiều trường cũng chưa đảm bảo với chuẩn. Theo ông Hải dù nhiều trường có đề ra các giải pháp, nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học nhưng đây là vấn đề không dễ khắc phục trong thời gian ngắn được. 
 
Mỗi năm thêm 6 trường chuẩn
 
Một mục tiêu đầy tham vọng mà ngành GD Lâm Đồng đang hướng đến là trong 4 năm đến sẽ có thêm ít nhất 26 trường THPT trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể đến 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 37/59 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đưa con số tỷ lệ từ 18,6% hiện nay lên trên 62%.
 
Trước mắt trong năm nay, Lâm Đồng có thêm một trường THPT tại Đơn Dương sắp đến sẽ được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đó là THPT Hùng Vương. Ngôi trường này nằm tại thị trấn Dran - Đơn Dương, là trường THPT duy nhất trong tổng số 18 trường mà tỉnh vừa hoàn tất việc kiểm tra để công nhận đạt chuẩn; 17 trường còn lại đều là trường THCS trong đó có 6 trường được công nhận lại.
 
Để đạt được mục tiêu này ngành GD theo ông Hải sẽ tập trung vốn đầu tư trung hạn cho hệ thống trường THPT, trong đó ưu tiên cho các trường đã đăng ký đạt chuẩn trong 4 năm đến. Chẳng hạn như THPT Lâm Hà, vốn nằm ngay trung tâm huyện Lâm Hà, có chất lượng giáo dục dạy và học tốt nhưng trường không thể đạt chuẩn vì tiêu chí cơ sở vật chất chưa đạt, trường đến nay chưa có khu hiệu bộ. Muốn đạt chuẩn trường này phải được đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng nhà hiệu bộ và thêm 1 phòng bộ môn cùng trang thiết bị đi kèm bên trong, dự kiến phải đến năm 2018 THPT Lâm Hà mới có thể đạt chuẩn quốc gia được. 
 
Theo ông Trần Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, điểm thuận lợi cho các trường THPT có thể gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương hiện nay trong việc xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở vật chất cho mục tiêu chuẩn hóa.
 
Để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện phải đạt được các tiêu chí theo quy định, trong đó có tiêu chí phải có trên 60% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia.
 
Về phía ngành, theo ông Lợi, đang yêu cầu các trường cần nhanh chóng nâng chất lượng giáo dục của mình. “Nhiệm vụ của ngành là nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường THPT, chuẩn hóa, phát huy vai trò của cán bộ quản lý giáo viên trong đổi mới công tác dạy và học, tạo sự chuyển biến tích cực đặc biệt là giáo dục trong vùng sâu; đảm bảo sỹ số; đẩy mạnh xã hội hóa để các trường có thêm nguồn lực”.
 
GIA KHÁNH