Trong cuộc điện thoại liên hệ ghé thăm tìm hiểu văn hóa Thái của bà con thôn Tân Đức (xã Tân Văn, Lâm Hà), chúng tôi có phần băn khoăn khi biết ông Mào Văn Mỹ (người dân tộc Thái) - Bí thư chi bộ thôn vẫn còn trên rẫy, nhưng ông đã khẳng định chắc nịch với chúng tôi "các bạn cứ vào đi, văn hóa cha ông lúc nào cũng chảy tràn trong huyết quản".
Trong cuộc điện thoại liên hệ ghé thăm tìm hiểu văn hóa Thái của bà con thôn Tân Đức (xã Tân Văn, Lâm Hà), chúng tôi có phần băn khoăn khi biết ông Mào Văn Mỹ (người dân tộc Thái) - Bí thư chi bộ thôn vẫn còn trên rẫy, nhưng ông đã khẳng định chắc nịch với chúng tôi “các bạn cứ vào đi, văn hóa cha ông lúc nào cũng chảy tràn trong huyết quản”.
|
Anh Vũ (trái) vẫn trăn trở việc phục dựng văn hóa, nhất là về chữ viết và ngôn ngữ truyền thống. Ảnh: NGỌC NGÀ |
Tân Đức là nơi cư trú của bà con nhiều dân tộc nhưng đây là thôn duy nhất ở Lâm Hà có đông bà con dân tộc Thái sinh sống, chiếm hơn 60%.
Văn hóa cha ông chảy tràn trong huyết quản
Bên cạnh ngôi nhà xây khang trang - sản phẩm lao động cần cù suốt những năm dài trên miền kinh tế mới, gia đình anh Mỹ vẫn dựng một ngôi nhà gỗ nhỏ bởi “người Thái mình xưa giờ vẫn thích ở nhà gỗ hơn”. Trước cổng ra vào, ngôi nhà anh vẫn dán tấm giấy nhỏ với những ký tự khác nhau, đó là một phần phong tục của người Thái.
Lễ hội và ẩm thực là hai thứ còn đậm nét văn hóa Thái trên mảnh đất cao nguyên này. Ánh mắt ông Mỹ rực sáng lên khi kể về một thời trai trẻ. Những trai làng như ông, cứ đến dịp xuân về lại quây quần uống rượu cần, rượu nếp... Người già, người trẻ trong thôn cùng nhau nướng thịt, nướng cá ở bãi cỏ rộng và xem những thanh niên như ông Mỹ lúc ấy tung còn. “Nam nữ chia làm hai hàng. Bên tung, bên đón. Nếu ai bắt trượt làm quả còn rơi xuống đất sẽ phải có tặng vật cho người tung là cái khăn piêu, vòng bạc. Bao cặp đôi đã được xe duyên thắm, nên vợ nên chồng. Mình cưới được vợ mình cũng nhờ đi chơi ném còn đấy”, anh Mỹ cười nói.
Còn ẩm thực người Thái ở Tân Đức được chế biến đậm đà qua đôi tay của người phụ nữ. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lò Thị Hội (53 tuổi) say mê kể về những món ăn mà “lâu lâu nhớ quá, phải làm để cả nhà ăn cho đỡ thèm” như: pa pỉnh tộp (cá gập nướng), nhắm pỉnh (thịt nướng)…
Tay vẫn thoăn thoắt đan lưới bắt cá lòng tong để cuối tuần làm món cá gói lá chuối nướng, bà Hội khoe với chúng tôi món thịt trâu hun khói của những người phụ nữ Thái nơi này: “Để làm được món này không dễ đâu cô ơi. Thịt trâu, mình phải chọn phần nhiều nạc thật ngon, tẩm ướp gia vị rồi đem sấy khô trên bếp than 1 ngày 1 đêm. Rồi cũng phải canh than cho thật đều, phải trở thịt thường xuyên như vậy mới đều và ngon được. Than là than củi được đốt từ thân cây cà phê lâu năm người ta cải tạo đấy. Ngày nay, người Thái ở đây không làm món này thường xuyên, vì thời gian cũng như điều kiện kinh tế chi phối. Nhưng mỗi dịp tết đến là nhà nào nhà nấy cũng sẵn sàng rượu nếp, rượu cần, nếp cẩm để đồ xôi, tiêu rừng để làm món chéo (nước chấm) và đặc biệt bếp lúc nào cũng đỏ lửa, hồng than. Tuy sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng nhưng bà Hội được mẹ truyền dạy cho nhiều món ăn truyền thống của dân tộc mình với lời nhắn nhủ: “Mình phải biết để sau này còn dạy lại cho con cháu, nhắc chúng nhớ về nguồn cội”.
Miệt mài gìn giữ
Cũng như hầu hết những vùng miền khác, người trẻ ở Tân Đức ít quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống.. Họ thích nhạc sôi động hơn là tiếng đàn tính tẩu; thích hippop, dance hơn điệu xòe quạt, xòe khăn… Và thậm chí nhiều người trẻ còn tỏ ra lạ lẫm đối với thứ văn hóa đã nuôi dưỡng tâm hồn ông cha.
Bà Lò Kim Nga (71 tuổi) - là người già duy nhất còn giữ được các điệu múa truyền thống. Thời còn trẻ, bà Kim Nga từng là thành viên đội múa. Đôi mắt người đàn bà đã đi qua gần 2/3 cuộc đời long lanh hơn khi nói về những điệu múa. Bà lục tìm trong đống “bảo bối” của mình những chiếc vòng tay bằng bạc, thứ không thể thiếu của người con gái Thái. Mân mê chiếc vòng trong tay, cả một thời xuân xanh với tiếng đàn, lời ca, điệu múa như sống lại trong người phụ nữ này.
Đưa đôi tay nhăn nheo và chằng chịt những vết đồi mồi, bà Kim Nga nói với chúng tôi: “Cô xem này, ngày xưa tôi cũng mặc quần áo của người Thái, đội khăn Piêu đi múa. Da tôi còn căng, còn trắng như bông hoa ban vậy. Nhưng bây giờ da nhăn nheo hết rồi, thời gian trôi qua nhanh quá. Liệu có còn những đôi tay khác, trắng như hoa Ban tiếp tục múa xòe?”. Đôi mắt bà Kim Nga ngấn lệ.
Sợ những điệu múa sẽ thất truyền, bà Nga từng dạy múa khăn, múa quạt, múa rổ… cho giáo viên và học sinh cấp 2 trên địa bàn. “Cứ khi nào các cháu rảnh là tôi dạy. Quan trọng là thời gian của các cháu thôi, còn tôi lúc nào cũng sẵn sàng”. Nhưng đã hai, ba năm nay, cáu cháu nhỏ đã không còn tới sân nhà bà Nga tập múa. Lòng những thế hệ người Thái đi trước lại băn khoăn. Bởi với những người con dân tộc Thái trên cao nguyên, nỗi niềm trăn trở phục dựng được phần nào văn hóa truyền thống luôn thường trực. Anh Lý Ngọc Vũ, trưởng thôn Tân Đức khẳng định: “Hàng năm, cứ mỗi lần có đoàn khách ghé thăm, thôn Tân Đức chúng tôi là nơi mà lãnh đạo huyện Lâm Hà lựa chọn làm điểm đến đậm đà bản sắc văn hóa để giới thiệu với du khách. Điều này làm cho bà con chúng tôi rất phấn khởi, tự hào. Trong thời gian tới, những người tâm huyết trong thôn, nhất là cán bộ trong thôn sẽ cố gắng học hỏi nhiều hơn, không chỉ gìn giữ mà còn phát triển hơn nữa nét văn hóa dân tộc. Nhất định không thể để bản sắc văn hóa của mình bị mất đi được”.
Đã gần 40 năm trên vùng kinh tế mới, ở thôn Tân Đức, nét đặc trưng văn hóa của người Thái vẫn âm ỉ cháy trong chính trái tim những người con đang sinh sống trên đất cao nguyên.
HỒNG THẮM