Kể chuyện xây dựng quê hương mới trên Nam Cao nguyên

08:10, 26/10/2016

Câu chuyện về lòng nhiệt huyết cùng nghị lực của người Hà Nội - thuộc lực lượng thanh niên xung phong tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới giữa lòng đại ngàn Nam Cao nguyên năm 1976 - để hôm nay có một Lâm Hà từng ngày vươn mình trở thành vùng quê trù phú bên dòng Đạ Dâng hiền hòa… 

Câu chuyện về lòng nhiệt huyết cùng nghị lực của người Hà Nội - thuộc lực lượng thanh niên xung phong tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới giữa lòng đại ngàn Nam Cao nguyên năm 1976 - để hôm nay có một Lâm Hà từng ngày vươn mình trở thành vùng quê trù phú bên dòng Đạ Dâng hiền hòa… 
 
Một góc trung tâm huyện Lâm Hà hiện hữu. Ảnh: Võ Trang
Một góc trung tâm huyện Lâm Hà hiện hữu. Ảnh: Võ Trang

Sau 38 năm chia xa vùng đất đại ngàn, lần đầu tiên có dịp trở lại Lâm Hà, bà Nguyễn Thị Xung (60 tuổi, ngụ Gia Lâm, TP Hà Nội), không khỏi bỡ ngỡ trước sự phát triển của vùng quê mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Câu đầu tiên chia sẻ cùng chúng tôi, bà Xung mở lời: “Lạ lắm, không thể nhận ra chú à”. Bà Xung nhớ lại: Mới đó mà đã 40 năm, khi cô gái Hà Nội vừa tròn 22 tuổi đời “liều lĩnh” cùng với những thanh niên đồng lứa xung phong vào miền sơn cước. Khi chúng tôi đặt chân xuống vùng Suối Cạn, Lâm Hà, lau lách ngập đầu. Rừng xơ xác sau chiến tranh. Dấu chân thú dữ còn vương bên dấu giày của Fulrô, đi đâu cũng gặp gai xấu hổ với ruồi vàng… Muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhưng chúng tôi đã vượt qua, lập nền móng cho một vùng quê mới ở Lâm Đồng.  
 
Trong 10 năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện luôn được quan tâm chú trọng. Cụ thể, thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư 350 công trình, dự án, với số tiền hơn 800 tỷ đồng; 10 chương trình mục tiêu hơn 85 tỷ đồng và 17 công trình xây dựng nông thôn mới gần 79 tỷ đồng.
Cũng theo bà Xung, mùng 6 Tết năm 1976, hơn 120 thanh niên thuộc Tổng đội Thanh niên tiền trạm Gia Lâm, trong đó có bà đã tạm biệt thủ đô vào Nam Tây Nguyên thực hiện công cuộc khẩn hoang, xây dựng một Hà Nội thứ hai giữa lòng đại ngàn. Rồi lần lượt bảy tổng đội lao động tiền trạm Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, các khu phố Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm… mang theo tên đất, tên làng và cả truyền thống văn hóa lần lượt lên đường. Đến tháng 8/1978, đã có 2.662 thanh niên đi tiền trạm vào vùng Nam Ban, Lán Tranh (thuộc huyện Đức Trọng, nay là huyện Lâm Hà) để xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Trong hành trang của họ, không chỉ có cuốc xẻng, dao rựa, mà còn có những ước mơ về một vùng quê trù phú… Ước mơ ấy giờ đã thành hiện thực, từ một vùng đất hoang vu, hoang hóa sau chiến tranh, nay đang trở mình thành một vùng dân cư trù phú, đầy tiềm năng về cây công nghiệp. 
 
Nối tiếp câu chuyện, ông Nguyễn Văn Tính (56 tuổi, ngụ Gia Lâm, Hà Nội), bồi hồi nhớ lại: “Xúc động lắm. Từ một vùng đất hoang vu, lâu lâu mới gặp được một người đồng bào bản địa gốc Tây Nguyên ngày nào, giờ Nam Ban, Lâm Hà không khác gì phố thị”. Theo ông Tính, tháng 10/1976, chàng trai 16 tuổi Nguyễn Văn Tính đã làm đơn xung phong đi tiền trạm. Hàng ngày, trên vùng đất mới, họ cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi để vượt qua muôn vàn khó khăn giữa bạt ngàn hoang vu. Nhưng cũng chính tại vùng đất này, chàng trai Hà thành đã tìm được “nửa còn lại” của đời mình, sau cái nắm tay thật chặt dắt nhau qua suối, anh Tính và cô gái cùng quê đi tiền trạm đã cảm mến nhau. “Đây là cô gái tiền trạm Trần Thị Là, vợ mình. Sau hai năm thực hiện xong nhiệm vụ mở đất, chúng mình đã cưới nhau” - ông Tính thổ lộ.     
 
Câu chuyện vẫn sẽ nối dài như những rẫy cà phê tiếp nối, bạt ngàn xanh, trái của vùng Nam Ban ngoài kia nếu như ông Nguyễn Đăng Giám - một thành viên của đoàn tiền trạm năm xưa, không nhắc mọi người dành thời gian cho việc đi thăm người thân và nghe lãnh đạo huyện thông báo về sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng quê mới Lâm Hà. 
 
Và trong lần thứ ba trở lại thăm Lâm Hà này, ông Giám đã bộc trực: “Không cần phải nhắc lại sự khó khăn, gian khổ nữa vì ai cũng biết rồi. Giờ đây, chúng tôi chỉ biết cảm ơn các thế hệ trẻ đi sau đã tiếp nối, xây dựng nên một vùng quê mới trù phú và phát triển về mọi mặt”. Bởi theo ông Giám: “Thế hệ của chúng tôi, những người đi tiền trạm ngày ấy mới chỉ vẽ ra một tấm bản đồ mờ nhạt, nhưng trong bốn mươi năm qua, các thế hệ trẻ Lâm Hà đã từng bước hoàn thiện, tô đậm, làm cho tấm bản đồ - vùng quê mới Hà Nội - Lâm Hà giờ trở thành rõ nét… Đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của người dân giờ vươn lên gấp cả ngàn lần so với cách đây 40 năm”. 
 
Thực tế, trong 11 năm, từ 1976 đến 1987, vùng quê mới Lâm Hà đã đón hơn 5.100 hộ dân, với 23.665 người con Hà Nội, Kinh Bắc vào sinh cơ lập nghiệp. Giờ đây, dân số huyện Lâm Hà đã hơn 140 nghìn người, gồm 31 dân tộc anh em từ khắp mọi miền của Tổ quốc quần tụ sinh sống tại 14 xã, hai thị trấn. Trong đó, phần lớn là người dân gốc Hà Nội, Hà Tây, vùng Kinh Bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới sau khi đất nước thống nhất. 
 
Như lời cụ Nguyễn Quốc Miên (gốc người Đông Anh, hiện ngụ tại tổ dân phố Đông Anh, Nam Ban): “Cái tên Lâm Hà được ghép từ hai chữ đầu của Lâm Đồng và Hà Nội, ý nghĩa lắm. Và cái ngày 28/10/1987, đánh dấu sự ra đời của huyện mới Lâm Hà trên miền đất đỏ bazan. Hơn nửa đời người mình gắn bó với miền đất này, được chứng kiến sự thay da, đổi thịt trên từng thớ đất, ngọn cỏ. 40 năm tìm về ký ức, miền đất hoang vu ngày nào giờ đã thẳm xanh…”. 
 
Cụ Miên bảo, trên bản đồ Lâm Hà dễ thấy rằng, Nam Ban nằm giữa, quê mới của dân nội thành Hà Nội; phía bắc là xã Mê Linh (người huyện Mê Linh), phía nam là xã Gia Lâm; phía đông là Đông Thanh (huyện Đông Anh và Thanh Trì), phía tây là xã Nam Hà. Và những cái tên rất máu thịt với những người đi mở đất, như xã Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ... 
 
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ vùng đất hoang hóa sau chiến tranh, rừng núi hoang vu, Lâm Hà đã trở thành vùng quê trù phú. Trong câu chuyện tiếp đoàn cựu thanh niên tiền trạm huyện Gia Lâm, Hà Nội thăm lại vùng đất từng in dấu chân họ, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài hồ hởi thông báo: Đến nay, toàn huyện đã có hơn 42,2 nghìn ha cà phê, 1.750 ha dâu, 312 ha chè và 160 ha rau, hoa công nghệ cao; đường nhựa, bê tông đã đến hầu hết các xã, thôn, buôn; cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội luôn được quan tâm chú trọng đầu tư; đời sống người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2015 đạt hơn 45 triệu đồng/năm. Huyện cũng đã đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020. 
 
Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài khẳng định: “Những thành tựu của quá trình xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, đã minh chứng cho sự quan tâm, đầu tư hiệu quả của T.Ư, TP Hà Nội; thể hiện sự gắn bó giữa Lâm Đồng và Hà Nội, bằng tình cảm, trách nhiệm để xây dựng vùng đất mới Hà Nội trên cao nguyên”.    
 
Để sang trang cho câu chuyện dài của vùng quê mới Hà Nội ở Lâm Đồng, chúng tôi nhớ mãi những câu thơ trong bài thơ “Ngày ấy - bây giờ”, của ông Nguyễn Đăng Giám mang từ Hà Nội vào tặng cán bộ và nhân dân huyện Lâm Hà: … Bây giờ quê mới Lâm Hà/ Cà phê trĩu quả, chân đồi dâu xanh/ Nhà tầng thay mái nhà tranh/ Đêm về điện sáng như thành phố quê.
 
 THỤY TRANG - BẢO VĂN