Luôn niềm nở, gần gũi và nhiệt tình với công việc, đó là những ấn tượng đầu tiên của mọi người khi được gặp gỡ, tiếp xúc và đánh giá về Linh mục Vũ Trọng Lâm ở Giáo xứ Tân Lâm, huyện Di Linh.
Luôn niềm nở, gần gũi và nhiệt tình với công việc, đó là những ấn tượng đầu tiên của mọi người khi được gặp gỡ, tiếp xúc và đánh giá về Linh mục Vũ Trọng Lâm ở Giáo xứ Tân Lâm, huyện Di Linh.
Có lẽ với nhiều người ở huyện Di Linh, ít ai biết đến đây là một trong những vị linh mục luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc “truyền lửa” cho bà con giáo dân vì cuộc sống cộng đồng, cụ thể là tham gia các chương trình hiến máu tình nguyện và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
21 lần hiến máu
Linh mục Vũ Trọng Lâm chia sẻ: “Là người theo đạo Công giáo, mình phải ghi nhớ và thực hiện theo những lời chúa dạy về tinh thần bác ái: Sống phải biết chia sẻ, yêu thương và sẵn sàng cứu giúp những người khó khăn, hoạn nạn, người bệnh hiểm nghèo... Với lòng từ tâm đó và nhận thấy tầm quan trọng của việc hiến máu nhân đạo là một trong những nghĩa cử nhân văn sâu sắc, nên từ khi tôi còn là sinh viên đại học (1994) cho tới khi phụ trách Giáo xứ Tân Lâm, năm nào tôi cũng tham gia hiến máu tình nguyện”.
Năm 2012, khi Giáo xứ Tân Lâm được thành lập, Linh mục Vũ Trọng Lâm được Giáo phận Đà Lạt và Giáo hạt Di Linh phân công tiếp quản Giáo xứ Tân Lâm và trực tiếp quản lý 6.000 giáo dân (trong đó, có 5.000 giáo dân là đồng bào DTTS) ở các xã Tân Thượng, Tân Lâm và Đinh Trang Thượng.
Ngoài thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và bổn phận của một vị linh mục với giáo hội, Linh mục Vũ Trọng Lâm còn chăm lo và hướng cho bà con giáo dân vì cuộc sống cộng đồng, xã hội; tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện tốt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sống tốt đời, đẹp đạo.
Là một người đã nhiều năm tham gia hiến máu, Linh mục Vũ Trọng Lâm hiểu rằng: Hiến máu không có hại cho sức khỏe, nhưng tâm lý chung của bà con giáo dân, đặc biệt là đồng bào DTTS luôn nghĩ rằng, khi lấy máu từ cơ thể mình ra là sẽ gây hại cho sức khỏe, nên bà con không dám hiến máu.Chính vì vậy, qua các thánh lễ, ngày Chúa nhật, Linh mục cũng dành thời gian chia sẻ, phân tích và lấy chính bản thân mình làm dẫn chứng để chứng minh cho bà con giáo dân thấy được hiến máu không chỉ không gây hại sức khỏe, mà còn là một việc thiện, nhân đạo có ý nghĩa cao cả, giúp cứu sống những bệnh nhân hiểm nghèo. Những lời giải thích dựa trên cơ sở y khoa của Linh mục Vũ Trọng Lâm chẳng những giúp bà con thay đổi quan điểm, tư tưởng, mà còn được tiếp thêm niềm tin để cùng nhau tham gia hiến máu cứu người.
Từ năm 2012 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Di Linh đã phối hợp với Giáo xứ Tân Lâm tổ chức 4 đợt hiến máu tình nguyện và tiếp nhận được 439 đơn vị máu, trở thành giáo xứ ở vùng đồng bào DTTS đi đầu trong việc tham gia hiến máu tình nguyện ở huyện Di Linh.
Bác sĩ Đỗ Hùng Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Di Linh đánh giá: “Giáo xứ Tân Lâm hiến máu chủ yếu phục vụ cho Bệnh viện II Lâm Đồng. Qua mỗi lần tổ chức đợt hiến máu tình nguyện, chúng tôi nhận thấy, ý thức của bà con giáo dân trong các đợt tổ chức hiến máu ngày càng được nâng cao. Công tác, vận động tổ chức của Giáo xứ Tân Lâm được thực hiện tốt hơn một số nơi trên địa bàn huyện. Có được kết quả đó là nhờ sự nhiệt tình của Linh mục Vũ Trọng Lâm trong công tác phối hợp, tuyên truyền cho bà con giáo dân tham gia hiến máu và trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện Di Linh”.
Góp sức phát triển kinh tế
Không chỉ tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tham gia tốt chương trình hiến máu tình nguyện ở địa phương, những năm qua, Linh mục Vũ Trọng Lâm còn chú trọng hướng cho bà con giáo dân phát triển kinh tế, như: Áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, cải tạo, chuyển đổi cà phê giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Với 1 ha cà phê già cỗi mới mua, Linh mục Vũ Trọng Lâm đã cưa toàn bộ và tiến hành ghép cải tạo bằng chồi cà phê giống mới; đồng thời, kết hợp với kỹ sư nông nghiệp, cộng với kinh nghiệm của bản thân trong việc đầu tư cải tạo đất, chăm sóc… Nhờ thực hiện theo đúng qui trình kỹ thuật, nên cà phê phát triển khá tốt và cho năng suất ổn định. Nếu năm thứ 2 sau khi ghép cải tạo chỉ thu được 4,5 tấn cà phê nhân/ha, thì đến năm thứ 3 đạt 8 tấn.
“Trong quá trình thực hiện cải tạo vườn cà phê, nhà thờ cũng mời và thuê một số bà con cùng làm với tôi, như cải tạo đất, bón phân, cách pha và xịt thuốc… Qua những thực tế đó, họ đã nắm được KHKT áp dụng vào vườn của gia đình” - Linh mục Vũ Trọng Lâm cho biết.
Được linh mục cầm tay chỉ việc và thực hành ngay tại vườn cây, nên việc tiếp thu kiến thức KHKT ghép cải tạo, chăm sóc cà phê của bà con nhanh hơn so với các lớp tập huấn về lý thuyết. Đến nay, một số hộ đã làm theo linh mục và bước đầu mang lại hiệu quả, như hộ K’Lóp, K’Thăng, K’Luận…
Ndong Brừm