Thứ 5, 10/04/2025, 20:30

Phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng

08:10, 03/10/2016

Tiến sĩ Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao việc triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết của huyện Cát Tiên, đó là phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng. 

Đánh giá bước đầu công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) trong thời gian qua, Tiến sĩ (TS) Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao việc triển khai công tác phòng chống SXH của huyện Cát Tiên. Đó là phòng chống SXH dựa vào cộng đồng, trong đó ngành Y tế “cầm tay chỉ việc” giúp các hộ gia đình triển khai các biện pháp diệt loăng quăng phòng chống SXH. 
 
Phun hóa chất tại nhà dân ở thị trấn Cát Tiên thời điểm bùng phát các ổ dịch nhỏ SXH vào tháng 6 - 7
Phun hóa chất tại nhà dân ở thị trấn Cát Tiên thời điểm bùng phát các ổ dịch nhỏ SXH vào tháng 6 - 7

BS Trần Dương Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Cát Tiên cho biết: Trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay SXH gia tăng so với năm 2015. Đặc biệt gia tăng trong các tháng 6, 7, đến tháng 8 chiều hướng có giảm. Trong các tuần gần đây, ngành chỉ phát hiện vài ca mắc SXH rải rác ở các xã. Tổng số ca bệnh tính từ đầu năm đến ngày 23/9, toàn huyện là 96 ca (trong đó có 2 ca SXH Dengue nặng). 
 
Sở dĩ huyện Cát Tiên kiềm chế được sự gia tăng số ca mắc bệnh SXH, theo BS Ngọc là do công tác triển khai huy động người dân chung tay phòng bệnh SXH, đặc biệt tập trung ở thị trấn Cát Tiên - nơi có 66 ca bệnh SXH, đã mở 2 chiến dịch làm sạch môi trường trên toàn thị trấn. Đồng thời, tham mưu cho huyện tổ chức nhiều buổi họp Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân của huyện, phân công từng thành viên phụ trách phường, xã. Công việc quan trọng là vận động nhân dân làm sạch môi trường, triển khai 2 chiến dịch làm sạch môi trường toàn thị trấn Cát Tiên, đặc biệt ở 3 tổ dân phố 13, 14, 15 - đây là các địa bàn lúc cao điểm tháng 6, 7 xuất hiện các ổ dịch nhỏ nên ngày nào anh em Y tế cũng có mặt ở địa bàn này; triển khai 4 đợt phun hóa chất diện rộng toàn Thị trấn Cát Tiên và 6 đợt cho 3 tổ dân phố 13, 14, 15. 
 
Cũng theo BS Ngọc, trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia chiến dịch làm sạch môi trường, diệt loăng quăng phòng bệnh SXH, ban đầu nhận thấy ý thức người dân chậm chuyển đổi, nhưng từ tháng 6 đến nay, người dân có sự quan tâm thay đổi về nhận thức và hành vi phòng bệnh SXH. Trước đây, ngành Y tế Cát Tiên kêu gọi người dân loại bỏ vật chứa (là nơi muỗi đẻ trứng, sản sinh ra loăng quăng gây bệnh SXH) nhưng phương pháp này không hiệu quả lắm nên chúng tôi chuyển sang thu gom vật chứa. Cán bộ y tế đến từng nhà dân kiểm tra vật chứa, cái nào không thu gom thì bỏ hóa chất xử lý và khuyên người dân súc rửa hàng ngày, bán ve chai; còn những vật phế phẩm thì anh em thu gom ngay tại chỗ cho xe rác vận chuyển. “Việc thu gom vật chứa có hiệu quả nhưng lực mỏng làm chưa được nhiều. Khi anh em đi thu gom các vật chứa tại các hộ gia đình thì có xe rác đi sau thu về các bãi rác xử lý. Nhờ vậy, cắt đứt nguồn sinh sản loăng quăng, muỗi gây SXH, số bệnh nhân có chiều hướng giảm dần, phương hướng tới chúng tôi tiếp tục làm theo phương pháp cùng người dân thu gom vật chứa” - BS Ngọc cho hay. 
 
Kinh nghiệm từ Cát Tiên cho thấy về công tác tuyên truyền phòng chống SXH qua nhiều kênh thông tin thấy hiệu quả nhất là tuyên truyền trực tiếp. Khi cán bộ y tế đi thu gom vật chứa ở các hộ dân thì kết hợp tuyên truyền. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền phòng chống SXH qua truyền thanh của xã, huyện; đặc biệt, hàng ngày xe loa cho phát tại cụm dân cư liên tục hàng tiếng đồng hồ rồi chuyển sang điểm khác, chứ không chạy dọc đường lộ. Khu vực người dân nuôi tằm nhiều ở tổ dân phố 15 thị trấn Cát Tiên không phun hóa chất diệt muỗi được, để làm sạch môi trường cán bộ y tế phải tư vấn người dân hiểu, có ý thức chuyển đổi hành vi, thực hiện loại bỏ các vật chứa. Địa phương triển khai quyết liệt, UBND huyện kịp thời cấp kinh phí 2 đợt tổng cộng 75 triệu đồng để triển khai các hoạt động phòng chống SXH trên địa bàn huyện. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương thực hiện phòng chống SXH dựa vào cộng đồng, người dân thị trấn Cát Tiên ý thức cao, qua giám sát, kiểm tra vật chứa có loăng quăng, chỉ số côn trùng đã giảm thấp. 
 
Trong công tác điều trị, Trung tâm Y tế Cát Tiên tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế cập nhật kiến thức điều trị SXH. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sức khỏe qua các đợt chiến dịch, về kiến thức người dân phòng bệnh SXH ở thị trấn Cát Tiên và các xã dần dần nâng lên, tuy nhiên, sự chuyển đổi hành vi tích cực phòng bệnh SXH của người dân ở các xã còn chuyển biến chậm. Dù vậy, ngành Y tế Cát Tiên quyết tâm khống chế không để dịch SXH bùng phát.
 
AN NHIÊN