Phòng, chống sốt xuất huyết tại Di Linh: Cần khắc phục "bệnh" chủ quan!

08:10, 05/10/2016

Tuy có nhiều biện pháp tích cực, nhưng đến thời điểm hiện nay, tổng số người mắc bệnh SXH ở huyện đã tăng lên trên 300 ca, vượt ngưỡng cho phép. Có nhiều nguyên nhân, nhưng do chủ quan từ phía người dân là điều cần được khắc phục!

Tuy có nhiều biện pháp tích cực, nhưng đến thời điểm hiện nay, tổng số người mắc bệnh SXH ở huyện đã tăng lên trên 300 ca, vượt ngưỡng cho phép. Có nhiều nguyên nhân, nhưng do chủ quan từ phía người dân là điều cần được khắc phục!
 
Đội Y tế Dự phòng Di Linh phun hóa chất diệt muỗi phòng ngừa sốt xuất huyết
Đội Y tế Dự phòng Di Linh phun hóa chất diệt muỗi phòng ngừa sốt xuất huyết
Diễn biến sốt xuất huyết
 
Theo Bác sĩ K’Bê Đakrong, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Di Linh: Bệnh sốt xuất huyết phát sinh đầu tiên tại xã Đinh Trang Hòa. Những ca bệnh ban đầu xuất hiện tại thôn 2A, thôn 2B và thôn 5A. Sau đó, người dân mắc bệnh sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng, lây lan đến thị trấn Di Linh và các xã Tam Bố, Bảo Thuận, Liên Đầm, Hòa Nam, Hòa Ninh… Ngay sau khi mới phát hiện sốt xuất huyết, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện và của Sở Y tế Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện đã giao cho Đội Y tế Dự phòng phối hợp cùng với Trạm Y tế các xã, thị trấn triển khai phun thuốc diệt muỗi tại nơi phát sinh sốt xuất huyết; sau đó, triển khai phun trên diện rộng ở các khu dân cư. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện còn phối hợp với UBND các xã và thị trấn cùng các ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai phát động Chiến dịch ra quân diệt loăng quăng và kiểm tra, xử lý các vật dụng chứa nước để tránh muỗi sinh sản và vận động người dân khi ngủ phải có mùng để tránh muỗi đốt.
 
Trước nguy cơ sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng, UBND huyện Di Linh đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ngành, đơn vị và chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong huyện để bàn giải pháp tăng cường phòng chống và tổ chức ký cam kết giữa các ngành và các xã, thị trấn với UBND huyện, quyết tâm ngăn chặn, không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch.
 
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã hỗ trợ huyện Di Linh trong việc phòng, chống sốt xuất huyết. Tại thị trấn và một số xã, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tăng cường cán bộ để phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng; trong đó, tập trung phun kỹ tại những địa bàn (thôn, tổ dân phố, khu dân cư) đã được khoanh vùng, xác định là nơi đã xảy ra sốt xuất huyết trước đó và những nơi đang phát sinh sốt xuất huyết. Cùng với việc phun hóa chất diệt muỗi, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế huyện tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết.
 
Ngoài ra, từ Dự án “Tăng cường phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao; nâng cao năng lực và tính bền vững của Chương trình phòng chống sốt rét Quốc gia giai đoạn 2016 - 2017” do Qũy toàn cầu tài trợ, huyện Di Linh đã tiến hành cấp phát 1.000 chiếc mùng đơn giúp bà con dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng. Trong đó, xã Tam Bố được cấp 500 chiếc, xã Sơn Điền: 400 chiếc và xã Bảo Thuận: 100 chiếc. Chương trình này được triển khai cũng đã góp phần phòng ngừa và ngăn chặn sốt xuất huyết trên địa bàn huyện.
 
Tuy có các biện pháp tích cực nói trên, nhưng sốt xuất huyết vẫn chưa được ngăn chặn mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặc dù chưa đến mức phải công bố “dịch”, nhưng toàn huyện đã có 15 (trong tổng số 19) xã, thị trấn xảy ra sốt xuất huyết. Riêng trong tuần qua xảy ra 25 ca, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện đã lên tới hơn 300 ca, vượt ngưỡng cho phép. Nơi xuất hiện ổ sốt xuất huyết đầu tiên và có số ca mắc nhiều nhất là xã Đinh Trang Hòa (đã xảy ra hơn 80 ca); kế đến là thị trấn Di Linh (60 ca) và các xã Tam Bố, Bảo Thuận, Liên Đầm, Hòa Nam, Hòa Ninh…
 
Cần khắc phục “bệnh” chủ quan 
 
Trước tình hình sốt xuất huyết bùng phát và có những diễn biến phức tạp, trong thời gian vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Phạm Thị Bạch Yến và các Phó Giám đốc cùng với một số cán bộ chuyên môn trong ngành đã nhiều lần đến huyện Di Linh kiểm tra tình hình triển khai phòng, chống sốt xuất huyết. Lãnh đạo huyện và Trung tâm Y tế huyện cũng đã nhiều lần xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở việc triển khai phòng, chống sốt xuất huyết.
 
Khi kiểm tra tại các khu dân cư, lãnh đạo Sở Y tế cũng như lãnh đạo huyện Di Linh và cán bộ chuyên môn trong ngành Y tế chưa thật hài lòng, vì hầu hết bà con rất chủ quan trong việc phòng dịch, nhất là khâu vệ sinh môi trường chưa được quan tâm, có nhiều tiềm ẩn để muỗi phát triển và lây truyền sốt xuất huyết. Bác sỹ Lê Thành Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Di Linh cho biết: “Ngành Y tế đã phối hợp với các ngành và các xã, thị trấn triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, từ việc tuyên truyền, vận động đến kiểm tra, nhắc nhở người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, cấp xã thì rất quan tâm, nhưng cấp thôn lại lơ là và bà con vẫn chưa có ý thức tốt trong việc phòng ngừa sốt xuất huyết”. 
 
Trong việc phòng ngừa sốt xuất huyết, yêu cầu người dân cần xử lý vật dụng chứa nước để không cho muỗi sinh sản và khi nằm ngủ phải có mùng, kể cả ban ngày. Tuy tuyên truyền, vận động và nhắc nhở thường xuyên, nhưng người dân vẫn chưa có sự chuyển biến. Ở bất cứ khu dân cư nào cũng vậy, bà con chưa ý thức việc che đậy các vật dụng chứa nước sinh hoạt (bể chứa nước, thùng phi, lu vại, sô chậu); quanh vườn tồn tại nhiều chai lọ vỡ, vỏ dừa, vỏ bánh xe hư… Đây là những vật dựng chứa nước, là nơi thuận tiện cho muỗi đẻ trứng và loăng quăng sinh sống, phát triển thành muỗi. Bác sĩ K’Nhim, Trưởng Trạm Y tế xã Đinh Trang Hòa: “Việc xử lý vật dụng chứa nước để không cho muỗi sinh sản và khi ngủ phải có mùng, tuy rất giản đơn, nhưng khi vận động là cả một vấn đề khó khăn, vì bà con rất chủ quan, do thói quen từ bấy lâu nay”. 
 
Không riêng ở các xã, tại khu vực thị trấn Di Linh cũng tồn tại phổ biến các vật dụng chứa nước trong nhà và ngoài sân, vườn. Ngoài ra, nhiều tuyến đường nội thị đã được xây kè, mương thoát nước nhưng đã bị rác, đất bồi lấp và không được khơi thông, nước thải sinh hoạt và nước mưa tồn đọng làm phát sinh muỗi quá nhiều. Đây là vấn đề cần được khắc phục, vì đến thời điểm này, tình hình sốt xuất huyết ở các xã, nhất là Đinh Trang Hòa, có phần chững lại, nhưng tại thị trấn Di Linh tiếp tục gia tăng.
 
XUÂN LONG