Trong thời kỳ mới, cùng với việc gìn giữ và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp, phụ nữ Việt Nam còn đề cao và coi trọng những phẩm chất đạo đức mới, đó là: Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang.
Phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn giữ một vai trò quan trọng đối với cuộc sống gia đình, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cũng như bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong thời kỳ mới, cùng với việc gìn giữ và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp, phụ nữ Việt Nam còn đề cao và coi trọng những phẩm chất đạo đức mới, đó là: Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang.
Theo lễ giáo phong kiến, xã hội thường lấy tam tòng, tứ đức làm chuẩn mực để đánh giá phẩm chất của người phụ nữ. Đặc biệt, bốn chữ “công”, “dung”, “ngôn”, “hạnh” được xem là khuôn phép, là “quy ước” xã hội khắt khe khi nói về phẩm hạnh và tài năng của phụ nữ và nó đã trói buộc người phụ nữ trong phạm vi tù túng, chật hẹp của gia đình.
Nếu như chữ “công” của người phụ nữ ngày xưa chỉ được coi là nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, thì ngày nay được hiểu rộng hơn đó là có sự nghiệp riêng, có công ăn việc làm, có đầu óc tổ chức cả cuộc sống gia đình lẫn công việc xã hội, nghĩa là “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
“Dung” của người phụ nữ xưa là vẻ đẹp “liễu yếu đào tơ”, yểu điệu thục nữ, khép nép, e lệ. Còn vẻ đẹp người phụ nữ ngày nay phong phú, đa dạng hơn nhiều. Đó là cái đẹp khỏe khoắn, cá tính, năng động, mạnh mẽ, nhưng cũng rất đài các, quý phái, mềm mại và kiêu sa.
Ngày xưa, “Ngôn” là lời nói nhã nhặn, kín đáo, nhỏ nhẹ, dễ nghe, đúng phép tắc và thể hiện sự đoan trang… Ngày nay, lời nói của người phụ nữ không phải lúc nào cũng khuôn phép thưa, dạ, bẩm, vâng mà đang được trí tuệ hóa, khoa học hóa, ngắn gọn, súc tích, chứa đựng hàm lượng thông tin lớn.
“Hạnh” là phẩm giá, đức hạnh, nết na của người phụ nữ được cột chặt trong mối quan hệ “tam tòng”. Ngày nay, bên cạnh phẩm giá, đức hạnh muôn đời là chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh, thủy chung son sắc với chồng, yêu thương con cái, hiếu thảo với cha mẹ…, người phụ nữ Việt Nam còn thể hiện lương tâm đối với nghề nghiệp, biết chia ngọt sẻ bùi với những số phận bất hạnh, là tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, dân tộc…
Sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập hiện nay không chỉ tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi mà còn đặt ra những khó khăn, thách thức đối với người phụ nữ Việt Nam trong việc gìn giữ và phát huy những phẩm chẩt đạo đức truyền thống tốt đẹp; đồng thời tạo dựng, đề cao những phẩm chất đạo đức trong thời kỳ mới, đó là: Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang.
Tự tin là tin vào bản thân mình, sẵn sàng vượt lên trên định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của mình. Tự tin khác hoàn toàn với tự cao, tự mãn. Người tự tin luôn tự đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của mình, không ngừng phấn đấu vươn lên, khao khát học hỏi, trau dồi để nâng cao giá trị bản thân; còn người tự cao, tự mãn thì luôn phóng đại về khả năng của mình để rồi thỏa mãn và coi thường người khác.
Tự trọng là có ý thức coi trọng và giữ gìn giá trị phẩm cách, danh dự của mình; tự mình tôn trọng mình, coi trọng danh dự của mình. Đây là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng nhất để làm nên giá trị của một con người chân chính, là giá trị đảm bảo cho tất cả các giá trị của nhân cách mỗi con người nói chung và phụ nữ nói riêng.
Trung hậu là sự trung thực, thẳng thắn, nhân ái vị tha, bao dung; thủy chung, son sắt, sống có nghĩa, có tình; chỉ muốn đem lại những điều tốt lành cho người khác,… Đó luôn là phẩm chất đạo đức tạo nên cách sống đẹp, làm nên vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, giàu nữ tính nhưng vẫn thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam.
Đảm đang theo quan niệm truyền thống là chỉ người phụ nữ giỏi giang trong lo toan, gánh vác hết công việc gia đình mà hy sinh quyền lợi rất chính đáng của bản thân.
Khái niệm đảm đang ngày nay được phát triển, mở rộng là người phụ nữ thực hiện tốt hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”; hài hòa bổn phận, trách nhiệm trong gia đình và ngoài xã hội; có khả năng quán xuyến cả việc nước lẫn việc nhà.
Trong 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam ngày nay, phẩm chất nào cũng quan trọng, nhưng có thể xem “tự tin” được đặt lên hàng đầu; bởi lâu nay, nhiều phụ nữ vẫn còn mang nặng tư tưởng tự ti, không tin vào chính khả năng của bản thân mình. Chính điều đó đã cản trở phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, công tác quản lý, lãnh đạo, nhất là trong lĩnh vực chính trị.
Để có được sự tự tin, phụ nữ cần phải sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến giới, luôn tạo cho mình một niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống; dám nghĩ, dám làm, tin vào khả năng thành công của mình; có tinh thần vượt khó, có ý chí vươn lên trong cuộc sống; tích cực học tập, lao động sáng tạo; tự ý thức học hỏi, bồi dưỡng trí tuệ, tích lũy tri thức; có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, giữ gìn vẻ đẹp hình thể…; đồng thời phải chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.
Để xây dựng cho mình phẩm chất tự trọng, trước hết phụ nữ phải có ý thức tự tôn trọng ngay chính nhân cách của bản thân mình; tôn trọng, chấp hành pháp luật, các chuẩn mực đạo đức xã hội, không làm những việc trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam; không chạy theo lối sống buông thả, thực dụng đánh mất nhân phẩm của mình; luôn đề cao “đạo đức nghề nghiệp, đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, không làm những việc ảnh hưởng tới giá trị, thanh danh của con người Việt Nam… Từ đó, mới được xã hội và người khác tôn trọng.
Phẩm chất trung hậu trong thời kỳ mới đòi hỏi người phụ nữ phải có lòng nhân hậu, khoan hòa, không ác cảm, xa lánh những người mắc lỗi lầm; luôn ý thức sâu sắc về tinh thần “tương thân tương ái”, đề cao nghĩa tình, coi trọng đạo lí, sống có nghĩa có tình, có trước có sau, thủy chung, son sắt với gia đình cũng như với cộng đồng, tập thể; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; khắc phục tư tưởng ích kỉ, hẹp hòi, níu kéo, đố kị với người khác… Đồng thời, phải luôn sống trung thực, thẳng thắn, không làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức làm tổn hại đến cộng đồng, xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.
Phẩm chất đảm đang đòi hỏi người phụ nữ cần phát huy tính năng động, sáng tạo; biết cách tổ chức cuộc sống gia đình một cách khoa học để vừa làm trọn thiên chức, gắn kết được sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau, vừa tạo điều kiện cho bản thân và các thành viên khác tham gia hoạt động xã hội. Mỗi hành động, mỗi việc làm phải bằng tất cả trái tim, tình yêu và trách nhiệm; xử lý hài hòa trách nhiệm hai vai việc nước, việc nhà; đặc biệt, phải biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình phát triển hơn và hạnh phúc hơn… Muốn vậy, người phụ nữ cần không ngừng học tập, tự bồi dưỡng cho mình kiến thức văn hóa, kĩ năng sống…
Phụ nữ Việt Nam vốn có phẩm chất truyền thống tốt đẹp, luôn tỏa sáng, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, để phấn đấu hoàn thiện bản thân theo 4 phẩm chất nói trên, không chỉ đòi hỏi bản thân người phụ nữ phải có ý thức tự rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục; mà còn rất cần sự hỗ trợ của những người thân trong gia đình, nhất là nam giới; sự đồng thuận, ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, của cộng đồng, xã hội.
KHÁNH LINH