Những năm qua, Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng đã kết hợp và vận dụng kiến thức của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần cùng chính quyền địa phương "chung sức xây dựng nông thôn mới".
Những năm qua, Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) Lâm Đồng đã kết hợp và vận dụng kiến thức của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần cùng chính quyền địa phương “chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, nhiều mô hình đã mang lại giá trị kinh tế cao, tạo niềm tin và động lực để người dân trong các vùng dự án thuộc các xã của huyện Đam Rông và Lâm Hà vươn lên xóa đói nghèo lạc hậu.
|
Trí thức trẻ Đoàn KTQP Lâm Đồng hướng dẫn bà con ghép cà phê. Ảnh: T.Anh |
Sau hơn 15 năm canh tác, 0,6 ha cà phê của gia đình chị Kơ sớ Ma Lo Ri (thôn Đa Kao II, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) được trồng từ năm 1996 đã trở nên già cỗi và cho sản lượng thấp. Đầu năm 2012, được cán bô,̣ chiến sỹ và đội trí thức trẻ tình nguyện của Đội sản xuất số 1 - Đoàn KTQP Lâm Đồng hướng dẫn cải tạo bằng cách ghép cà phê cao sản Rô bốt ta đã cho năng suất, chất lượng cao. “Lúc đầu, gia đình cũng lo lắm vì sợ hư cây cà phê, nhưng qua thời gian thấy cây phát triển rất là tốt, rất là nhiều quả, năng suất cao gấp hai lần so với trước” - chị Kơ sớ Ma Lo Ri phấn khởi nói.
“Từ năm 2010 đến nay, Đoàn KTQP Lâm Đồng đã tiến hành ươm trên 10.000 cây giống cà phê và tổ chức ghép cho hàng chục hộ gia đình đồng bào ở các xã Đạ Tông, Đạ Long. Các giống cà phê được ghép chủ yếu là giống TR14 được lấy ở Bảo Lộc, Di Linh có ưu điểm là chịu hạn tốt và sau khi tiến hành ghép cho bà con thì đều đạt tỷ lệ sống 100% và hứa hẹn mang lại kết quả rất khả quan”. Bạn Trần Trọng Nhân - Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP cho biết. |
Do trình độ, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Đạ Tông còn nhiều hạn chế, nên bước đầu việc vận động thuyết phục bà con dân tộc thiểu số thực hiện mô hình ghép cành cho năng suất, chất lượng cao gặp rất nhiều khó khăn. Song với quyết tâm để bà con tin, bộ đội phải làm trước, cán bộ, chiến sĩ, đội viên trí thức trẻ tình nguyện Đội sản xuất số 1 đã trực tiếp ghép, chăm sóc 4 ha cà phê của đơn vị. Từ mô hình thí điểm này, cán bộ, chiến sỹ và trí thức trẻ tình nguyện đã tổ chức cho bà con nhân dân trong xã tham quan, kết hợp hướng dẫn tỉ mỉ các thao tác ghép ngay tại vườn, nên nhiều bà con tỏ ra rất tự tin.
Già làng Liêng Hót Ha Choong, thôn Đa Kao II, xã Đạ Tông cho biết: “Sau khi được bộ đội hướng dẫn, tôi đã tiến hành ghép vườn cà phê của gia đình với gần 1 ha, đồng thời, vận động nhiều bà con trong thôn làm theo. Giờ đây, vườn cà phê của gia đình tôi và một số bà con khác phát triển rất tốt, người dân ưng cái bụng lắm”.
Ngoài ra, để tận dụng một lượng lớn vỏ cà phê sau khi thu hoạch, những năm qua, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP Lâm Đồng đã tổ chức hướng dẫn cho khoảng 500 lượt người dân ở các xã Đạ K‘Nàng huyện Đam Rông, Tân Thanh, huyện Lâm Hà thực hiện mô hình ủ vỏ cà phê và rơm rạ làm phân vi sinh. Qua hướng dẫn đã có 54 hộ làm theo và cho kết quả tốt, giảm được rất nhiều chi phí mua phân bón đầu tư sản xuất.
Hiệu quả từ các mô hình kinh tế do Đoàn KTQP Lâm Đồng mang lại thực sự là tín hiệu lạc quan để thay đổi tư duy, nếp nghĩ lạc hậu của bà con ở các xã trong vùng dự án nói riêng và đồng bào DTTS nói chung, góp phần tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
THẾ ANH