Trăn trở ở một ngôi trường vùng sâu

08:10, 07/10/2016

Trường THPT Nguyễn Huệ (Di Linh) được thành lập từ năm 2005, tọa lạc tại thôn 6, xã Tân Lâm, xây dựng trên diện tích 7.500 m2. Sau khi đi vào hoạt động, trường đã cơ bản giải quyết và đáp ứng được nhu cầu bức thiết về tình trạng thiếu trường lớp cho học sinh trên địa bàn huyện, đặc biệt là con em đồng bào DTTS ở các xã Tân Thượng, Tân Lâm và Đinh Trang Thượng.

Trường THPT Nguyễn Huệ (Di Linh) được thành lập từ năm 2005, tọa lạc tại thôn 6, xã Tân Lâm, xây dựng trên diện tích 7.500 m2. Sau khi đi vào hoạt động, trường đã cơ bản giải quyết và đáp ứng được nhu cầu bức thiết về tình trạng thiếu trường lớp cho học sinh trên địa bàn huyện, đặc biệt là con em đồng bào DTTS ở các xã Tân Thượng, Tân Lâm và Đinh Trang Thượng.
 
Cơ sở vật chất của trường được đầu tư khang trang
Cơ sở vật chất của trường được đầu tư khang trang
Trong năm đầu mới được thành lập, trường có tổng số 10 lớp học, trong đó có 3 lớp 9 và 7 lớp 10, 11, 12 với số lượng học sinh gần 300 em. Đến năm học 2007-2008, trường chủ yếu tiếp nhận học sinh bậc Trung học phổ thông (cấp III). Số học sinh hằng năm có chiều hướng tăng nhưng do cơ sở vật chất còn thiếu dẫn đến hệ lụy số học sinh không có lớp học mỗi năm cũng tăng cao. Nếu năm học 2005-2006, Trường THPT Nguyễn Huệ chỉ có 10 lớp, với gần 300 học sinh thì đến năm học 2015-2016, tăng lên 12 lớp (nhưng có 20 học sinh không vào được lớp 10, do thiếu phòng học); năm học 2016-2017, nhà trường tuyển vào 220 học sinh, nâng tổng số học sinh trong toàn trường lên 498 em, với 14 lớp học (có 51 học sinh không được vào lớp 10).
 
Năm học 2016-2017, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Huệ nói riêng và người dân các xã Tân Thượng, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng rất phấn khởi, vì từ “Dự án THPT 2” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường được đầu tư với kinh phí trên 6 tỷ đồng, xây dựng thêm 6 phòng học, 3 phòng bộ môn Hóa, Lý, Sinh và dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng (từ học kỳ II, năm học 2016-2017). Dù vậy, do diện tích khuôn viên quá chật hẹp, nên hiện nay, đến giờ học thể dục hay môn học quân sự thì nhà trường buộc phải lựa chọn giải pháp một lớp học trong khuôn viên trường, lớp còn lại ra ngoài học tại đường liên thôn. 
 
“Trong quá trình học, giáo viên bộ môn phải cho 2 em học sinh đứng ở hai đầu để cảnh báo có xe cộ qua lại. Nhà trường biết rằng, ra đường học là rất khó nhưng do không có chỗ học thì buộc nhà trường phải chọn giải pháp tình thế là học ngoài đường. Vì nếu học sát các phòng học thì rõ rằng các lớp học chính khóa sẽ không thể nào học được” - ông Phạm Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ trăn trở.
 
Trước thực trạng này, năm 2014, nhà trường đã làm tờ trình gửi UBND huyện Di Linh và huyện cũng đã cử chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường đo đạc nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào từ các cấp chính quyền địa phương. 
 
Theo lộ trình, định hướng xây dựng lâu dài của Trường THPT Nguyễn Huệ gồm có 18 lớp học, với từ 700 - 750 học sinh. Để thực hiện được điều này, theo ước tính, nhà trường cần phải có thêm diện tích đất từ 10.000 - 10.500 m 2 mới đáp ứng được nhu cầu dạy và học của trường.
 
Những kiến nghị của nhà trường, nỗi bức xúc của người dân và phụ huynh học sinh là chính đáng. Vì vậy, rất mong các ngành chức năng huyện Di Linh sớm có những giải pháp giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như hiện nay, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chung là từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn ngày càng tốt hơn.
               
NDONG BRỪM