Ngôi nhà ấm áp của những người cao tuổi không gia đình

10:10, 10/10/2016

Trung tâm Bảo trợ Xã hội Lâm Đồng những ngày đầu tháng 10 không khí thật ấm áp, nhộn nhịp; rất nhiều đoàn từ thiện xã hội đã đến đây chia vui cùng những người cao tuổi. 

Trung tâm Bảo trợ Xã hội Lâm Đồng những ngày đầu tháng 10 không khí thật ấm áp, nhộn nhịp; rất nhiều đoàn từ thiện xã hội đã đến đây chia vui cùng những người cao tuổi. 62 người cao tuổi là 62 số phận neo đơn, không gia đình, không con cái, không người thân đã được sống trong sự đùm bọc thương yêu, sự quan tâm chăm sóc của xã hội, đặc biệt là những cán bộ đang làm việc ở đây.
 
Những dịp gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hóa văn nghệ là món ăn tinh thần quý cho người cao tuổi ở Trung tâm bảo trợ xã hội Lâm Đồng
Những dịp gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hóa văn nghệ là món ăn tinh thần quý cho người cao tuổi
ở Trung tâm bảo trợ xã hội Lâm Đồng

Những mái đầu bạc quây quần trong những căn phòng như một gia đình lớn của những người già, người tâm thần, khuyết tật, không nơi nương tựa. Các cụ đều tìm thấy nơi đây sự ấm áp. Trước dãy hành lang thoáng đãng, các cụ ngồi trò chuyện, ai cũng bảo “ở đây vui lắm cô ạ!”. Trong các căn phòng, mọi thứ đều rất ngăn nắp, gọn gàng, nền nhà sạch bóng, một cụ nhanh nhẹn đang cầm chén cháo đút cho một cụ già yếu lắm, nằm một chỗ không ngồi được, dỗ dành cụ “cố ăn chút cho khỏe”. Sống lâu bên nhau, tình người trở nên khăng khít, gắn bó! Những câu chuyện vui đùa diễn ra giữa những người già đồng cảnh ngộ, thi thoảng lại rộ tiếng cười. Ai cũng nghĩ đây là nơi dành cho “những người bị quên lãng”, “nơi chờ chết”, thế mà đã vào trung tâm rồi, ai cũng muốn xin ở lại, không ai muốn về... 
 
Nhưng sau những câu chuyện vui chung là những câu chuyện riêng, những nỗi niềm được nuốt vào trong. Cụ bà Nguyễn Thị Năm 85 tuổi (quê Hà Nam), thời con gái nghèo khó, cụ lưu lạc khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm sống, không chồng không con, đến khi hơn 70 tuổi, sức tàn lực kiệt, cụ đã vào đây nương nhờ. 11 năm sống ở Trung tâm, cụ Năm được ăn uống điều độ, tập luyện dưỡng sinh, được vui cùng những người cùng cảnh, nên nhanh nhẹn và minh mẫn: “Ở đây vui lắm, chúng tôi được quan tâm chăm sóc từng bữa ăn đến chăm sóc sức khỏe, ai cũng coi đây là nhà của mình rồi, sống ở đây, chết cũng muốn ở đây”.
 
Sẽ là một sự bù đắp lúc cuối đời cho những số phận thiệt thòi, để các cụ được sống vui, sống khỏe, Trung tâm Bảo trợ Xã hội Lâm Đồng đã quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho những người cao tuổi. Trong 62 cụ đang được Trung tâm nuôi dưỡng thì người cao tuổi nhất là 95 tuổi, nhiều cụ đã nằm một chỗ không đi lại được. Với suất ăn 930 ngàn đồng/người/tháng, bình quân 31 ngàn đồng/người/ngày, 5 ngàn bữa sáng và 12,5 ngàn đồng cho mỗi bữa trưa và tối. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng đã chăm sóc 3 bữa ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng, có 3 món xào, mặn, canh cho bữa trưa và tối. Riêng bữa sáng cách một ngày sẽ được cải thiện bằng các món bún riêu, ăn phở, do cân đối kinh phí quà tặng của các tổ chức từ thiện. Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức lễ mừng thọ vào dịp đầu xuân, ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10, ngày sinh nhật tặng quà cho các cụ. Đặc biệt, ngày Quốc tế Người cao tuổi diễn ra với nhiều hoạt động như làm báo tường, đồng diễn dưỡng sinh, văn nghệ... tạo nên không khí vui tươi phấn khởi trong từng khu phòng. Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 năm nay, Trung tâm rộn rã tiếng cười. Liên hoan gặp mặt, tổ chức văn nghệ diễn ra tại hội trường với 2 chiếc bánh kem lớn, trái cây, kẹo bánh; các cụ đã thi nhau hát, ngâm thơ, đọc thơ. Đặc biệt, có sự góp mặt của các thiện nguyện viên của Trung tâm Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh chung vui cùng các cụ. Không chỉ các đoàn từ thiện thường xuyên đến thăm hỏi, mà niềm vui càng nhân lên khi cứ đến dịp này các cụ luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Đà Lạt. Các cụ được thường xuyên thăm khám, theo dõi sức khỏe từ các cán bộ Phòng Y tế của trung tâm, khám chữa bệnh miễn phí cấp thuốc miễn phí của các đoàn từ thiện, khi đau ốm được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được các cán bộ trung tâm túc trực, chăm sóc như những người thân của mình. Chăm sóc con trẻ vất vả, nhưng chăm sóc người cao tuổi càng vất vả hơn. Các cụ mỗi ngày một già yếu. Nhiều cụ ở đây đã 24 - 25 năm như ông Quy, bà Lan ở từ những năm 1992. Đến thăm Trung tâm trong một ngày, có rất nhiều câu chuyện cảm động về tình thương, lòng sẻ chia. Chị Vàng Thị Kim Thoa, nhà ở đường Hoàng Diệu (phường 5 - Đà Lạt) vào làm việc ở Trung tâm từ tháng 2 năm 1996. Hơn 20 năm ròng rã, chị Thoa dậy từ 4 giờ sáng không kể mưa nắng, chị đạp xe lên trung tâm lo bữa ăn sáng cho các cụ, chăm sóc các cụ, chiều lại về; chị thương quý với các cụ như người thân của mình, nếu làm chỉ vì đồng lương chắc sẽ không ai tận tụy đến vậy. Chỉ những người biết thông cảm và yêu thương những hoàn cảnh của từng con người ở đây mới có thể bám trụ được với công việc này - chị An, Phó Giám đốc Trung tâm kể.
 
“Sống dầu đèn, chết kèn trống”- vấn đề tâm linh luôn là vấn đề được các cán bộ ở đây quan tâm. Mai táng phí cho một đám tang là 12 triệu đồng. Khi một cụ “nhắm mắt xuôi tay” sẽ được thờ cúng tại phòng tang lễ của trung tâm. Trung tâm cũng dành riêng một phòng thờ bài vị và nhang khói cho gần 100 cụ đã qua đời tại đây. 
 
Người cao tuổi là tương lai của mọi người, ai cũng sẽ phải già; chăm sóc người cao tuổi là một nghĩa cử, là một đạo lý tốt đẹp. Với người cao tuổi không nơi nương tựa ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, họ đã tìm thấy cho mình một nơi an hưởng tuổi già, một mái nhà đúng nghĩa.
 
QUỲNH UYỂN