Tháng 10 Hà Nội đang thu, mùa đẹp nhất trong năm xanh biếc mây nước, hương hoa thơm nồng con phố, cũng là mùa reo vang khúc ca khải hoàn "đoàn quân chiến thắng" trở về Thủ đô yêu dấu ngàn năm văn vật...
“Người Hà Nội hôm nay ra đi
Mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ …” *
Tháng 10 Hà Nội đang thu, mùa đẹp nhất trong năm xanh biếc mây nước, hương hoa thơm nồng con phố, cũng là mùa reo vang khúc ca khải hoàn “đoàn quân chiến thắng” trở về Thủ đô yêu dấu ngàn năm văn vật. Lại là tháng 10, “người Hà Nội hôm nay ra đi…” mang theo “ánh đèn”, “ô cửa sổ”, “bầu trời đêm” làm hành trang viễn xứ và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ căng tràn, sục sôi - cách đây tròn 40 năm - bước vào hành trình mở đất trên cao nguyên xa xôi, biến rừng núi hoang vu “trổ hoa” giữa mênh mông đại ngàn mang tên: Vùng kinh tế mới Hà Hội trên quê hương mới Lâm Ðồng.
Con suối Cam Ly bắt nguồn từ miền cao nguyên Lâm Viên - Đà Lạt, qua những địa danh mang tên chính dòng suối ấy: thác Cam ly, đập Cam Ly Thượng… chảy về miền hạ lưu phía Nam xứ sở mộng mơ Đà Lạt. Và, trước khi đi hết hành trình của mình hòa vào sông ra biển để lại thác Voi hùng vĩ, thơ mộng nằm ngay trung tâm thị trấn Nam Ban bây giờ.
Huyền sử của thác Voi được nhiều người ca tụng, ngợi khen, nhưng với tôi có lẽ vẻ đẹp hoang sơ của nó đã quyến rũ những bước chân đi mở đất ngày nào chọn lựa làm nơi dừng chân “đóng đô” cho Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Nam Ban trên quê hương Lâm Ðồng.
Nam Ban - theo một diễn giải đơn giản nào đó là vùng đất phía Nam đường chân thủy, hệ sinh thái từ núi Bà - Langbiang tỏa ra các nơi, được gọi trại ra là vậy.
|
Một góc thị trấn Nam Ban. Ảnh: H.Yên |
Lương duyên
Người Hà Nội lãnh nhận sứ mệnh của “người ra đi” tới các vùng heo hút xa xôi, khai thiên lập địa, dựng xây những vùng kinh tế mới. Đã có bao cuộc tiễn đưa những chàng trai cô gái đất kinh kỳ “lên tàu đi xa” đến các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng không đem lại kết quả như mong muốn bởi nhiều nguyên do. Một số người kiên trì bám trụ ở lại, một số trở về Thủ đô, khi đi một, lúc về theo hai, ba nhân khẩu, sống tập trung tại vùng ven đô thành phố còn lưu giữ đâu đó trong ký ức một thời của nhiều người.
Tình cảnh thiếu đất sản xuất, dư thừa lao động, đời sống khó khăn trở thành vấn đề xã hội cần giải quyết. Bài toán đưa dân đi kinh tế mới ở “3 Tây” - Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ lại được đặt ra với mục tiêu “thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư gắn chặt chẽ với chiến lược an ninh - quốc phòng” mà lãnh đạo thành phố Hà Nội coi đó là nhiệm vụ chính trị, tập trung thực hiện một cách hiệu quả với ý chí quyết tâm “không được thất bại”.
Lịch sử có những mối lương duyên không ngờ. Đấy là những người trong Nam tập kết ra Bắc, trải qua chiến tranh có người ở lại công tác, người đi B nên sẵn mối quan hệ với những lãnh đạo ở Hà Nội. Hòa bình lập lại, họ tiếp tục ra Thủ đô học tập, có điều kiện hội ngộ với bạn bè, những lúc ấy ai cũng mang sẵn trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp để đền đáp xương máu của những anh hùng đã hy sinh cho đất nước. Trong số lãnh đạo Lâm Đồng có ông Lê Thứ, Chế Đặng đã “mách nước” rằng Lâm Đồng có cả 1 triệu ha đất nhưng chỉ có 30 vạn người dân sinh sống. Đất rộng, người thưa, thổ nhưỡng tốt tươi, môi trường sống hiền hòa, đang cần nguồn lực khai thác để nâng cao sản phẩm nông nghiệp. Vậy là Hà Nội chọn Lâm Đồng để đưa dân đi kinh tế mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước khi ấy.
Mở đất
Rút kinh nghiệm từ những lần đưa dân đi kinh tế mới các tỉnh phía Bắc, trong lần tìm kiếm vùng đất mới tại Lâm Đồng này phải tính toán khoa học, từ bộ máy tổ chức đến nguồn nhân lực, thiết lập khu kinh tế Liên hiệp Nông - Lâm - Công nghiệp và các điều kiện xã hội cơ bản khác rồi mới đưa dân vào sinh sống. Một bộ khung Ban kinh tế mới mà nòng cốt là cán bộ Thành đoàn và các quận, huyện cùng 30 anh chị em có chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, cơ khí, giao thông của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội được hình thành. Mùng 6 Tết năm 1976, khi những cánh hoa đào Nhật Tân còn đương khoe sắc, tạm biệt Thủ đô lên đường vào Lâm Đồng khảo sát miền đất mới. Đích thân lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khi ấy đưa đoàn đi khảo sát các vùng đất Phi Vàng (Đơn Dương), Tà In và Lán Tranh, Nam Ban (Đức Trọng). Lợi thế của Nam Ban, Lán Tranh nằm sát bên Đà Lạt, giao thông thuận lợi gần quốc lộ 27, đất đai còn hoang sơ màu mỡ, hầu như không có dân xen ghép, có sông suối chảy qua… được “cấp báo” lên lãnh đạo thành phố trở thành nơi “chọn mặt gửi vàng” quyết định xây dựng tại đây vùng kinh tế mới. Sau khi Thành ủy Hà Hội ra thông báo, nhấn mạnh “Đối tượng vận động đi xây dựng Vùng kinh tế mới bao gồm cả nhân dân nội, ngoại thành. Nhưng ở thời kỳ đầu, phải chọn nam, nữ trẻ, khỏe, là đảng viên, đoàn viên, thanh niên nhiệt tình, tự nguyện, hăng hái đi trước làm nhiệm vụ tiền trạm”. Các lực lượng tiền trạm được phát động biên chế vào 8 tổng đội đến từ các quận, huyện với lực lượng cán bộ nòng cốt và thanh niên trai trẻ. Theo ghi nhận đến tháng 8 năm 1976 đã có 2.662 thanh niên lao động tiền trạm vào công tác tại Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Nam Ban, trong đó 33% nữ, 10,3% đảng viên và 48% đoàn viên. Vượt qua thử thách những ngày tháng gian nan, vất vả giữa núi rừng hoang dã, luôn phải đối mặt với nhiều toán Fulro hoạt động chống phá, để mở rộng vùng đất mới, một cuộc vận động “thanh niên xung kích” tại chỗ được huấn luyện, trang bị vũ khí cùng với cán bộ quy hoạch vượt sông Đạ Dâng tiến vào nơi hoang vu Lán Tranh bất chấp hiểm nguy để khảo sát thực địa, cung cấp số liệu nông hoa, thủy lợi, lập ra phương án kinh tế, kỹ thuật làm cơ sở quy hoạch mở rộng vùng kinh tế mới về vùng Lán Tranh, Tân Hà rộng chừng 41 ngàn ha đất đai màu mỡ. Thành quả của những ngày đầu đi khai mở đất, hình thành vùng kinh tế mới bên cạnh khai hoang đất sản xuất phục vụ lương thực thực phẩm tại chỗ; hệ thống cầu đường, điện, trạm xá, trường học cũng được dựng xây cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao… đảm bảo cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, đặc biệt 5.141 căn nhà mới được dựng lên chờ sẵn để đưa dân vào định cư sinh sống...
Và vùng đất phát triển
Mỗi một con đường được mở mới khi còn hoang vu cần có những người đi tiên phong mở lối thành đường và trong quá trình ấy phải đánh đổi bao giọt mồ hôi, xương máu. Từ 2.662 thanh niên tiền trạm, rồi thanh niên xung phong lúc cao điểm lên đến 4.000 người đến những người đi biệt phái trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương nghiệp… vào công tác tại Vùng kinh tế mới Hà Nội đều gửi gắm nơi đất tuổi thanh xuân, sức lực trong nỗi nhớ “nghìn trùng xa cách “cố hương và không ít người đã hy sinh thân mình để kiến tạo nên môi trường sống mới. Chỉ trong 11 năm ấy 1976 - 1987 - trước khi thành lập huyện Lâm Hà, Vùng kinh tế mới Hà Nội đã có 4.360 hộ với 2 vạn dân từ Hà Nội, Hà Tây di cư vào ở cùng những người bám trụ ở lại mà lên làng, lên xã, thành huyện mới của Lâm Đồng với những vườn cây, nương rẫy chuyên canh cà phê, chè, dâu tằm hơn 43 ngàn ha quanh năm xanh màu trù phú.
Kỳ tích ấy có được là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo hai địa phương và các cấp ngành Hà Nội và Lâm Đồng bằng tất cả tinh thần, tài lực, vật lực và bàn tay khối óc của người dân ngay từ những ngày đầu khó khăn cho đến tận hôm nay. Nhìn lại 40 năm từ thuở ban đầu đi mở đất cho đến bây giờ có thể khẳng định Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng là vùng kinh tế mới thành công nhất trong cả nước trên mọi phương diện. Ghi nhận đóng góp đó, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho “Nhân dân, cán bộ và chiến sỹ Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đã có thành tích xuất sắc trong việc khắc phục khó khăn, kiên cường bám đất, sản xuất và chiến đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Từ miền đất hoang sơ, vùng Nam Ban, Lán Tranh, Tân Hà đã trở thành 2 trong số 3 vùng kinh tế trọng điểm của huyện, đóng góp vào sự tăng trưởng hàng năm, nâng mức thu nhập bình quân của người dân đạt 45 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,58% theo tiêu chí mới tính đến thời điểm này.
Trong hành trình kiến tạo tương lai, bên cạnh đầu tư của Lâm Đồng để Lâm Hà không ngừng phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, nơi đây còn đón nhận tình cảm của người dân, chính quyền Hà Nội và được coi như là “một huyện thứ 30 ở xa Thủ đô” nên trong vòng 5 năm trở lại đây đã được hỗ trợ gần 300 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Điều này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới với những khoản đầu tư mới để mỗi năm ta lại thấy một Lâm Hà, đổi thay so với trước, trở thành huyện phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội và ổn định, bền vững. “40 năm Vùng kinh tế mới Hà Nội đạt được những thành tựa như hôm nay là một chiến công lớn đầy tự hào của hai địa phương Hà Nội và Lâm Đồng. Xây dựng thành công một huyện mới mà không đâu trên đất nước làm được điều đó. Có chăng chỉ là xã kinh tế mới” - ông Phan Hữu Giản - cán bộ Đoàn Thanh niên tham gia trong đội hình tiền trạm và gắn bó thiết thân trên mảnh đất này khẳng định.
Xin mượn ý một bài hát của cố nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn để khép lại bài viết này rằng “Một chàng trai là chiến sỹ biên phòng/ Một cô gái lên đường đi xa. Vẫn thủy chung với cả tấm lòng/Hà Nội ơi một trái tim hồng” đang được viết tiếp, nối dài bản “bản tình ca mở đất” theo tháng năm của những người hôm qua, hôm nay và mai sau trên cao nguyên xanh mênh mang Lâm Hà.
(*) lời nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn
HỒ XUÂN TRUNG