Yêu nghề nên không quản ngại khó khăn

08:10, 12/10/2016

Cô giáo trẻ Võ Thị Hồng (sinh 1990), người ở Phước Cát 1- Cát Tiên, ngày cô được nhận trở về quê dạy học sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một ngày vui lớn trong đời.

Cô giáo trẻ Võ Thị Hồng (sinh 1990), người ở Phước Cát 1- Cát Tiên, ngày cô được nhận trở về quê dạy học sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một ngày vui lớn trong đời.
 
Cô giáo Võ Thị Hồng với các cháu trong lớp. Ảnh: G.K
Cô giáo Võ Thị Hồng với các cháu trong lớp. Ảnh: G.K

Cô bảo từ nhỏ đã thích nghề chăm sóc trẻ. Thời đi học phổ thông, ngày ngày ngang qua trường mầm non, cô thích nhìn vào lớp các cháu học, yêu ánh mắt trong trẻo, nụ cười ngây thơ của các em, tự nhủ lòng mình rồi sau này sẽ theo học nghề này. Và rồi cô thi vào Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt bậc mầm non, ra trường cô được nhận về ngay xã Phước Cát công tác.
 
Đó là năm 2011, lớp đầu tiên cô dạy tại ngay thôn của cô - thôn Cát Lương 1, rất gần nhà cô giáo trẻ. Đó là một điểm trường của Trường Mầm non Phước Cát 1, điểm trường lúc đó chưa xây được lớp học, phải mượn nhà sinh hoạt thôn làm lớp. Lớp có gần 30 cháu, không sân chơi với đồ chơi cho trẻ, không có nhà vệ sinh; các phụ huynh trong lớp phải cùng chung tay làm tạm một nhà vệ sinh, che bạt cho các cháu sử dụng. Buổi trưa các cháu về nhà, chiều đến lớp.
 
Rồi sau đó cô về dạy ở trường chính tại trung tâm xã Phước Cát 1. Trường chính vừa xây xong trong tháng 4/2016, là một ngôi trường rất khang trang, có 6 lớp với trên 200 cháu trong xã theo học, đầy đủ sân chơi, đồ chơi cho trẻ, trang thiết bị dạy học. Cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường hiện có trên 20 người. 
 
Dạy học trong vùng nông thôn, theo cô Hồng, có rất nhiều trẻ trong lớp là người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt nên tiếp thu bài học rất chậm; phụ huynh ngày ngày bận rộn chuyện mưu sinh nên chưa chú ý nhiều đến việc chăm cho trẻ vì cho rằng trẻ còn nhỏ, cứ gửi đến trường là được, mọi việc nhờ cô giáo lo liệu. Có phụ huynh bữa đưa cháu đến trường, bữa không, có tuần chỉ đưa đến lớp vài buổi, thế là cô lại phải lặn lội đến từng nhà để vận động, thuyết phục gia đình cho cháu đi học lại.
 
Là giáo viên trẻ nên cô Hồng rất chịu khó học hỏi, học từ sách vở, học từ đồng nghiệp đi trước, và cô cũng rất có duyên với các hội thi. Năm học 2014 - 2015, cô tham gia hội thi “Nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trẻ” của tỉnh và được công nhận là giáo viên trẻ dạy giỏi cấp tỉnh. Cũng trong năm học này, cô có 1 học sinh tham gia hội thi “Bé kể chuyện” cấp huyện và được giải ba.
 
Trong năm học 2015- 2016 sau đó, cô Hồng đạt giáo viên giỏi cấp huyện, được UBND huyện Cát Tiên công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Một cháu do cô dạy tham gia hội thi “Bé vẽ tranh” cấp huyện đoạt giải A; tham gia triển lãm tranh cấp tỉnh đoạt giải C và là một trong 10 cháu được gửi bài vẽ “Triển lãm tranh” cấp quốc gia.
 
Để phát hiện những năng khiếu này, trong quá trình dạy, cô Hồng cho biết cô đã quan sát và phát hiện ra những cháu có khả năng đặc biệt và phối hợp với phụ huynh để bồi dưỡng, giúp cháu phát triển các năng khiếu này. 
 
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phước Cát 1: “Là giáo viên trẻ, mới ra trường nhưng cô Hồng rất chịu khó, làm việc chăm chỉ, không ngừng nỗ lực vươn lên; là giáo viên dạy giỏi của trường, giáo viên giỏi cấp huyện và giáo viên giỏi cấp tỉnh; năng động, nhiệt tình trong mọi công việc, được nhà trường đánh giá rất cao”. 
 
Với cô Hồng, người dân quê nơi đây nhiều người còn nghèo lắm, chưa có điều kiện để chăm con cho tốt như ở phố, như ở vùng thuận lợi. Dạy học ở quê dù còn có những khó khăn nhưng nay đã tốt hơn rất nhiều và cô vì yêu nghề nên dù có khó khăn đến mấy vẫn luôn muốn gắn bó.
 
GIA KHÁNH