Bảo Lâm: Từ thực tiễn công tác luân chuyển cán bộ

09:11, 07/11/2016

Theo đánh giá của Huyện ủy Bảo Lâm, ở những địa phương có cán bộ luân chuyển đến, đội ngũ cán bộ công chức cơ sở chuyển biến hơn về phong cách, lề lối làm việc và tinh thần đoàn kết nội bộ. Nhờ đó, hệ thống chính trị được củng cố, xây dựng ngày càng trong sạch vững mạnh...

Cùng với việc triển khai Nghị quyết 42-NQ/TW về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng bộ huyện Bảo Lâm đã thực hiện tốt Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 25/1/2002, của Bộ Chính trị và Kế hoạch 08-KH/TU, ngày 30/9/2002, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Nhờ vậy, địa phương đã tạo “sức bật” và chuyển biến mới trong công tác.
 
Trù phú vùng nông thôn Bảo Lâm. Ảnh:  B.Trưởng
Trù phú vùng nông thôn Bảo Lâm. Ảnh: B.Trưởng

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Lâm -  Nguyễn Ngọc Nhi, để thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW và Kế hoạch 08-KH/TU, Huyện ủy Bảo Lâm đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/HU, ngày 25/9/2003, về “Luân chuyển, tăng cường, điều động cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở”. Trong giai đoạn từ 2003 đến năm 2010, Huyện ủy Bảo Lâm đã luân chuyển, điều động 24 cán bộ; trong đó, có 9 cán bộ cấp huyện luân chuyển về cấp xã. Đánh giá và rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong giai đoạn này, Huyện ủy Bảo Lâm tiếp tục chỉ đạo và triển khai công tác luân chuyển, điều động cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong những giai đoạn tiếp theo. 
 
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Đảng bộ huyện Bảo Lâm không có cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý luân chuyển về huyện. Đối với cấp huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển, điều động 28 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó, 12 cán bộ được luân chuyển từ huyện xuống xã, thị trấn; 1 cán bộ được điều động từ xã lên huyện và 15 lượt cán bộ được điều động, luân chuyển từ ngành này sang ngành khác (giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể). 
 
Những cán bộ được luân chuyển từ huyện xuống xã, thị trấn phần lớn giữ các chức vụ chủ chốt, như bí thư Đảng ủy và chủ tịch UBND. Trong số 12 cán bộ luân chuyển về xã và thị trấn, đến nay, Huyện ủy đã “rút” 9 cán bộ về huyện; trong đó, có 3 cán bộ được bố trí giữ chức vụ cao hơn, 3 cán bộ bố trí giữ chức vụ thấp hơn trước khi luân chuyển và 3 cán bộ giữ nguyên chức vụ hoặc tương đương. 
 
Cũng theo đánh giá của Huyện ủy Bảo Lâm, ở những địa phương có cán bộ luân chuyển đến, đội ngũ cán bộ công chức cơ sở chuyển biến hơn về phong cách, lề lối làm việc và tinh thần đoàn kết nội bộ. Nhờ đó, hệ thống chính trị được củng cố, xây dựng ngày càng trong sạch vững mạnh; việc lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương đạt hiệu quả cao hơn. 
Theo đánh giá của Huyện ủy Bảo Lâm: “Từ thực tiễn công tác luân chuyển, điều động cán bộ của huyện đã đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý, đã nâng cao nhận thức về công tác luân chuyển cán bộ. Việc điều động, luân chuyển cán bộ đã đào tạo, rèn luyện, thử thách, giúp cho cán bộ tích lũy kiến thức, trưởng thành và dạn dày kinh nghiệm thêm một bước, nhất là cán bộ trẻ, để chuẩn bị nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài. Việc luân chuyển cán bộ cũng đã góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, địa phương trong công tác tổ chức và cán bộ...”. 
 
Đối với bản thân cán bộ được điều động, luân chuyển, phần lớn nhận thức được vai trò, trách nhiệm và luôn có ý thức trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nhanh chóng tiếp cận nhiệm vụ mới, sâu sát quần chúng, quy tụ, tập hợp được đội ngũ cán bộ và nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một số cán bộ tạo được uy tín cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điển hình như Đảng bộ xã Lộc Quảng, trong giai đoạn 2011 - 2015, Huyện ủy Bảo Lâm đã điều động cán bộ huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã. Trong cả nhiệm kỳ, liên tục năm nào Đảng bộ xã cũng đạt “trong sạch vững mạnh” và “trong sạch vững mạnh” tiêu biểu. Số cán bộ được luân chuyển giữa các ngành cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc luân chuyển, điều động cán bộ ở huyện Bảo Lâm cũng còn những hạn chế nhất định. Huyện ủy đã tổ chức tổng kết, đánh giá kiểm điểm và rút kinh nghiệm để có kế hoạch tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.
 
Từ thực tiễn việc luân chuyển cán bộ, Đảng bộ huyện Bảo Lâm đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, điều quan trọng nhất trong công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ là việc đánh giá cán bộ. Việc đánh giá cán bộ phải đúng thực chất, dựa trên sự nhìn nhận của tập thể cấp ủy, với tinh thần dân chủ, khách quan, thấy được năng lực thực tiễn, khả năng và triển vọng, động cơ phấn đấu của từng cán bộ. Việc đánh giá đúng để làm cơ sở cho việc luân chuyển phù hợp với khả năng, trình độ và sở trường của từng cán bộ. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá, phân tích được mặt mạnh, mặt yếu của cán bộ dự nguồn để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, khắc phục những mặt còn yếu; từ đó, giúp cán bộ nâng cao dần năng lực. Việc bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ phải dựa trên cơ sở quy hoạch cán bộ.
 
BÙI TRƯỞNG