Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, trong đó chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động mang tính chiều sâu, cụ thể, chi tiết để công tác BĐG mang lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn.
Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới (CLQGBĐG) giai đoạn 2011-2020, trong đó chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động mang tính chiều sâu, cụ thể, chi tiết để công tác BĐG mang lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn.
|
Dạy nghề đan len cho phụ nữ DTTS thôn Măng Lin, phường 7, TP Đà Lạt. Ảnh: A.Nhiên |
Bước tiến về BÐG trong lĩnh vực chính trị
Kết thúc giai đoạn 1 (2011-2015) của CLQGBĐG giai đoạn 2011-2020, công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả nhất định. Luật BĐG và các văn bản hướng dẫn đã đi vào cuộc sống, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những mô hình lồng ghép giới trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; một số sở, ban, ngành chức năng của tỉnh cũng đã vận động, tuyên truyền và có nhiều biện pháp tích cực triển khai các hoạt động BĐG và phòng chống bạo lực gia đình.
Hiện nay, so với Kế hoạch số 1338/KH-UBND ngày 22/3/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện CLQGBĐG giai đoạn 2011-2020, một số chỉ tiêu của tỉnh đã đạt và vượt so với chỉ tiêu của CLQGBĐG.
Trong công tác quy hoạch cán bộ, các đơn vị đã lồng ghép chỉ tiêu tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, trong đó có tập trung tạo nguồn và tăng tỷ lệ cán bộ nữ (CBN) đương chức và kế cận được quy hoạch và được đi đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng về lý luận chính trị và quản lý nhà nước.
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá việc thực hiện CLQGBĐG tại địa phương, đặc biệt BĐG trong lĩnh vực chính trị đã có bước tiến rõ rệt trong thời gian qua. Kết quả đại hội Đảng bộ các cấp tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ 2010-2015.
Và nhiều lĩnh vực khác
Trong 5 năm qua, việc thực hiện BĐG trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm với các chính sách ưu đãi của Nhà nước về lao động, việc làm, dạy nghề, giảm nghèo đã giúp cho đối tượng là phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, vùng DTTS của tỉnh được tiếp cận các nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và tiếp cận khoa học, công nghệ để hỗ trợ sản xuất, có việc làm để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Riêng tổ chức Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh thực hiện nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hiện các cấp Hội đang nhận quản lý dư nợ ủy thác trên 1.039 tỷ đồng, với trên 39.700 hộ vay, đa phần là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và ở vùng khó khăn.
Trong lĩnh vực giáo dục đã tạo cơ hội học tập cho trẻ em gái, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng thuận lợi nên số trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học ở các xã vùng khó khăn giảm đáng kể. Tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn trong các năm gần đây đều tăng hàng năm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phụ nữ thực hiện tốt chức năng sinh con, nuôi dạy con và tham gia hoạt động xã hội. Ngành Y tế đã tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và cho phụ nữ nói riêng nhằm giảm tỷ lệ bà mẹ tử vong, giảm tỷ lệ phá thai ngoài ý muốn, lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản vị thành niên, dân số - KHHGĐ, phòng chống các bệnh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Thực hiện BĐG trong lĩnh vực văn hóa và thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức xã hội về BĐG, góp phần xóa bỏ các định kiến về giới trong gia đình và xã hội. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận động thực hiện BĐG ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức về giới và góp phần xóa bỏ các tập tục, quan niệm, định kiến về giới không phù hợp.
Trong 5 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động để thực hiện BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Nhờ đó, ý thức nam giới trong việc chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái ngày càng thể hiện rõ nét, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội cống hiến năng lực cho công tác xã hội.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.169 CLB Gia đình văn hóa hoạt động lồng ghép các nội dung liên quan đến gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và BĐG, trong đó có 35 CLB được chọn làm mô hình thí điểm của tỉnh.
Giai đoạn II của CLQGBÐG (2016-2020)
Theo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2 (2016-2020) là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác BĐG; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và sự phối hợp liên ngành về BĐG. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về BĐG. Thực hiện lồng ghép nội dung về BĐG vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt ở các cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học. Đưa nội dung về giới vào các chương trình bồi dưỡng về quản lý nhà nước, đào tạo về lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về BĐG và các giải pháp phù hợp với mục tiêu BĐG. Nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thông qua tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép cơ chế, chính sách cụ thể về độ tuổi trong quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ.
Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình và trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG và huy động nguồn lực cho các hoạt động BĐG.
AN NHIÊN