Các mô hình hiệu quả giải quyết vấn đề liên quan đến phụ nữ dân tộc thiểu số

08:11, 22/11/2016

Hội LHPN huyện Di Linh xây dựng các mô hình "Nói không với thách cưới, tiết kiệm việc tang", "Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho con" tại các chi hội có đông hội viên phụ nữ DTTS, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình trong việc tang ma, cưới xin; dần hình thành được thói quen nói và dạy tiếng Việt cho con song song với việc dạy nói tiếng mẹ đẻ. 

Hội LHPN huyện Di Linh xây dựng các mô hình “Nói không với thách cưới, tiết kiệm việc tang”, “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho con” tại các chi hội có đông hội viên phụ nữ DTTS, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình trong việc tang ma, cưới xin; dần hình thành được thói quen nói và dạy tiếng Việt cho con song song với việc dạy nói tiếng mẹ đẻ. 
 
Từ mô hình “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho con”, việc dạy và học giữa cô và trò Trường Mầm non Đinh Trang Thượng đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Phan Nhân
Từ mô hình “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho con”, việc dạy và học giữa cô và trò
Trường Mầm non Đinh Trang Thượng đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Phan Nhân

Nói không với thách cưới
 
Thách cưới là một hủ tục tồn tại từ lâu đời trong đời sống hôn nhân của đồng bào dân tộc K’Ho tỉnh Lâm Đồng. Việc thách cưới là gánh nặng của phụ nữ DTTS và là sự cản trở rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Theo luật tục, nhà trai được thách cưới nhà gái bằng những lễ vật có giá trị như con trâu, vòng, chuỗi hạt, ùi, tiền bạc; tổng trị giá quy ra tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Cũng bởi luật tục này mà không ít cô gái nhà nghèo không thể bắt chồng, hoặc bắt được chồng thì lại phải gánh nặng nợ nần nhiều năm liền. 
 
Trước những khổ đau do hủ tục để lại, Chi hội Phụ nữ thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh đã xây dựng mô hình “Nói không với thách cưới, tiết kiệm việc tang” với mong muốn “mưa dầm thấm lâu”, góp phần đẩy lùi được những hủ tục lạc hậu để những cặp vợ chồng trẻ chung sống với nhau vui vẻ, hạnh phúc. 
 
Hủ tục thách cưới từ 1 cây vàng trở lên và nhiều vật dụng có giá trị khác đã dần được giảm bớt, đám tang chỉ để người chết ở trong nhà 2 ngày thay vì 3 - 5 ngày như trước đây. 
Mô hình được thành lập từ năm 2011 với 31 thành viên là những hội viên phụ nữ rất tâm đắc với mục đích ý nghĩa và quy chế hoạt động. Trong đó, tổ chức sinh hoạt 2 tháng 1 lần để tuyên truyền cho chị em các quy định của Nhà nước về tổ chức cưới, hỏi, tang ma, về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, lồng ghép với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về thực hành tiết kiệm. Đồng thời, qua thực tế việc tang ma, thách cưới trong thôn, chị em đã trao đổi thảo luận về những hệ quả để lại cho các gia đình, con em sau khi lo xong việc tang ma, cưới hỏi, đặc biệt là các gia đình nghèo, từ đó chị em đã nhận thức được rằng những luật tục, tập quán do ông bà xưa truyền lại là quá nặng nề làm ảnh hưởng đến đời sống của con cháu cần phải xóa bỏ. 
 
Nhằm tạo sự đồng thuận của bà con trong thôn, Hội phụ nữ xã, Ban chủ nhiệm mô hình đã khéo léo tranh thủ uy tín của già làng, trưởng họ, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể khác ở thôn tuyên truyền, vận động bà con nên mô hình “Nói không với thách cưới, tiết kiệm việc tang” của Chi hội K’Long Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh đã thu được những kết quả bước đầu. 
 
Thành viên tham gia mô hình ngày một tăng lên, qua 4 năm triển khai đã thu hút thêm 41 chị tham gia nâng tổng số thành viên mô hình đến nay là 72 chị.
 
Từ khi thành lập CLB đến nay, các thành viên tham gia thực hiện mô hình đã tuân thủ những quy định đề ra. Cụ thể, trong thôn có 21 đám cưới thì 17 đám cưới theo nếp sống mới, đó là hai họ góp tiền tổ chức đám cưới chung, không đòi hỏi vàng, tiền. Điển hình như chị Ka Nhền, chị Ka Huy, chị Ka Tris, Ka Nhôm, Ka Duyệt đã thực hiện việc cưới theo nếp sống mới, không đòi hỏi thách cưới. Về việc tang, có 16 người chết thì 11 người gia đình để 2 ngày là mang đi chôn cất; có 2 nhà để 3 ngày. Điển hình như gia đình chị Ka Nhôm, Ka Lách, Ka Nhẽo, Ka Trèm đã làm gương cho bà con. 
 
Mẹ nói và dạy tiếng Việt cho con
 
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS
 
Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xác định mục tiêu: Đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Đến năm 2025 có ít nhất 50% trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hàng năm có 100% học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt.
DH
Với mục tiêu giúp con của hội viên phụ nữ DTTS nghe, hiểu được các từ ngữ bằng tiếng Việt và sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, góp phần hạn chế tình trạng trẻ bỡ ngỡ, khó khăn khi nói, nghe tiếng Việt, từ đó trẻ vui, thích ra lớp mầm non - bậc học quan trọng đầu đời của con và thuận lợi hơn trong tiếp thu kiến thức ở bậc cao hơn, Hội LHPN huyện Di Linh thành lập Tổ Phụ nữ “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho con”. 
 
Ban đầu, mô hình được xây dựng điểm tại Chi hội Phụ nữ thôn 1, xã Đinh Trang Thượng, nơi mà việc tập hợp thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt cũng như cách tổ chức sinh hoạt của cán bộ Hội còn nhiều khó khăn. Xác định được điểm yếu đó, Hội LHPN huyện đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn bám sát chi, tổ hội để kịp thời hướng dẫn và tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm đưa hoạt động của mô hình vào nề nếp và dần chuyển lại cho Ban chủ nhiệm.
 
Các bà mẹ tham gia tổ phụ nữ “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho con” đã nhận thức hơn về ý nghĩa của việc giúp trẻ nghe được, nói được và hiểu được tiếng Việt trước khi trẻ học lớp mầm non 5 tuổi và các lớp học cao hơn. 
 
Chị Ka Đườm - mẹ bé Na tâm sự: “Trước giờ ở nhà chỉ quen nói tiếng dân tộc mình thôi, giờ thì vì tương lai của con, mình sẽ cố gắng tự học thêm vốn tiếng Việt để hàng ngày dạy cho con biết, sau này con đi học không phải bỡ ngỡ với lời dạy của cô giáo”. 
 
Từ những kết quả bước đầu, Hội LHPN huyện đã nhân rộng mô hình này tại các chi hội phụ nữ DTTS khác, đến nay, 8/17 đơn vị có Chi hội phụ nữ DTTS đã xây dựng được 11 tổ, thu hút 342 bà mẹ có con dưới 5 tuổi tham gia, các mô hình đều hoạt động hiệu quả theo quy chế. Ban chủ nhiệm các tổ phụ nữ “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ” thường xuyên phối hợp, trao đổi nắm thông tin với Ban Giám hiệu, giáo viên các trường mầm non tại địa phương về tình hình ra lớp mầm non của các con nói chung, con của các thành viên tham gia mô hình nói riêng để có cơ sở đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm hoạt động mô hình và nhân rộng mô hình cũng như để được hỗ trợ chuyên môn trong tổ chức các buổi sinh hoạt sao cho thu hút được các bà mẹ và các bé. Đa số trẻ em DTTS tham gia mô hình đều mạnh dạn hơn, các mẹ được cung cấp thêm các kiến thức, kỹ năng để nuôi dạy con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, hòa đồng và tạo sự tự tin hơn cho cả mẹ cả con khi giao tiếp bằng tiếng Việt. 
 
Kinh nghiệm xây dựng và nhân rộng mô hình 
 
Chị Trần Thị Tâm - Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh cho biết: Để xây dựng và nhân rộng mô hình “Nói không với thách cưới, tiết kiệm việc tang”, “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho con” trong các chi hội phụ nữ DTTS nói riêng cũng như để xây dựng phong trào phụ nữ huyện nói chung phát triển bền vững trong thời gian qua, Hội LHPN huyện đã áp dụng một số giải pháp và đã đạt được một số kết quả nhất định. Một số kinh nghiệm như: Xác định được những mô hình phù hợp ở từng địa bàn để xây dựng và nhân rộng; chọn được những người uy tín, nhiệt tình, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của mô hình; phát huy vai trò lãnh đạo, sự đồng thuận, sự quan tâm động viên kịp thời của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan truyền thông, công tác khen thưởng phải kịp thời, đúng người đúng việc.
 
AN NHIÊN