Tâm lý tự ti, cùng với hạn chế về nhận thức, trình độ văn hóa… là những nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu chủ động trong việc tham gia vào phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Dần nâng cao vị thế của chị em là vấn đề cần được chung tay giải quyết.
Tâm lý tự ti, cùng với hạn chế về nhận thức, trình độ văn hóa… là những nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu chủ động trong việc tham gia vào phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Dần nâng cao vị thế của chị em là vấn đề cần được chung tay giải quyết.
Xuất phát từ thực tế trên, Trường Cán bộ Dân tộc vừa chủ trì cùng các nhà khoa học tìm giải pháp “Nâng cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh Lâm Đồng”. Để có cơ sở đánh giá, nhóm nghiên cứu đề tài đã triển khai 3 mô hình: Mô hình phụ nữ tham gia bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với xây dựng gia đình văn hóa; mô hình phụ nữ tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình và mô hình phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở tại 3 huyện Lạc Dương, Đức Trọng và Bảo Lâm (đại diện cho các nhóm dân tộc khác nhau).
Thôn Tà Sơn (xã Tà Năng, huyện Đức Trọng) là một trong những địa bàn được chọn để triển khai mô hình Phụ nữ tham gia bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với xây dựng gia đình văn hóa.
Chị Hồ Thị Ngọc Loan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Năng cho biết: “Tháng 8/2015 khi nhóm nghiên cứu đề tài tiến hành xây dựng mô hình trên tại địa bàn thôn Tà Sơn, thì đến tháng 1/2016, chúng tôi chính thức thành lập Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy văn hóa ẩm thực Tày và Nùng (là 2 dân tộc chính đang sinh sống trên địa bàn). Câu lạc bộ có 60 hội viên phụ nữ, với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Tham gia vào câu lạc bộ này, các chị đã cùng nhau học tập, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc mình thông qua những món ăn truyền thống, những trang phục độc đáo và tới nay, CLB vẫn hoạt động rất tốt”.
Chị Loan cũng chia sẻ thêm: “Vì địa bàn xã Tà Năng đa số là người dân tộc K’Ho, Chu Ru sinh sống nên từ mô hình trên, chúng tôi đã có ý tưởng nhân rộng việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc ra các thôn khác trong xã. Kế hoạch cũng đã lên, bước đầu, chúng tôi sẽ lấy hội viên tại các thôn, nếu khó khăn thì lồng ghép một vài thôn lại để cùng sinh hoạt. Dự kiến, đầu năm 2017, chúng tôi sẽ bắt tay triển khai”.
Không riêng tại thôn Tà Sơn, mỗi mô hình trên đều có thể triển khai, nhân rộng trong thực tiễn.
Theo Chủ nhiệm đề tài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu, qua quá trình triển khai mô hình, điền dã, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, để phụ nữ DTTS có thể tham gia tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình ở các xã ĐBKK trong tỉnh, cần có sự vào cuộc của không chỉ Hội LHPN, Ban Dân tộc mà còn của nhiều tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp mới đạt hiệu quả và quan trọng nhất, đó là khơi dậy được nội lực của chị em phụ nữ DTTS.
Và, trong khi chờ ban hành chính sách đặc thù, Hội LHPN tỉnh cần phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan lồng ghép, vận dụng các chính sách hiện hành ở vùng DTTS hiện nay để có nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, pháp lý cho phụ nữ DTTS ở các xã ĐBKK của tỉnh.
THY VŨ