Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

08:11, 30/11/2016

Với chỉ tiêu thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào các trường dạy nghề đạt 15% vào năm 2020, Lâm Đồng đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS. 

Với chỉ tiêu thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào các trường dạy nghề đạt 15% vào năm 2020, Lâm Đồng đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS. 
 
Trong Chương trình hành động số 74 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW đưa ra chỉ tiêu: thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường dạy nghề đạt tỷ lệ 15% vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2015, con số này chỉ đạt 7,62% so với chỉ tiêu đặt ra. 
 
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề góp phần làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS. Ảnh: T.Hương
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề góp phần làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS.
Ảnh: T.Hương

“Rào cản” của phân luồng
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS chưa cao. Trước hết, phải kể đến tâm lý của phụ huynh, học sinh cũng như “cái nhìn” của xã hội đối với vấn đề này. Đa số phụ huynh đều muốn con em mình sau khi học xong THCS sẽ lên trung học phổ thông (THPT), xong THPT sẽ vào đại học, cao đẳng; các cơ quan, doanh nghiệp đều muốn tuyển lao động có trình độ (tối thiểu phải có bằng THPT) dẫn đến học sinh học nghề xong khó tìm được việc làm. 
 
Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trong việc tạo điều kiện cho người học nghề được thực tập, thực hành và tiếp nhận lao động sau khi tốt nghiệp chưa được thường xuyên, chặt chẽ. 
 
Công tác tuyển sinh của các trường nghề cũng gặp nhiều khó khăn, một phần do tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 hệ THPT còn tương đối cao (trên 85%) nên hạn chế nguồn tuyển; mặt khác, thời gian gần đây, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu nên đã hạn chế tuyển dụng lao động dẫn đến học sinh sau tốt nghiệp khó tìm được việc làm, lương của người lao động qua đào tạo nghề thấp… từ đó, các em không muốn đi học nghề; đồng thời, hiệu quả đầu tư vốn của trung ương và địa phương cho công tác đào tạo nghề chưa cao do đầu tư trang thiết bị, máy móc cho một số nghề nhưng khó thu hồi vốn và khó tuyển sinh. 
 
Cùng với đó, việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (GDTX, KTTH - HN) cấp huyện với trung tâm dạy nghề đang chịu sự quản lý của 3 cơ quan là UBND cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ - TB - XH), nhưng do Liên bộ GDĐT, LĐ - TB - XH chưa ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nên các trung tâm phải tự xây dựng quy chế hoạt động, do vậy, các trung tâm này còn lúng túng trong tổ chức hoạt động và chưa phát huy được vị thế, vai trò của mình. 
 
Triển khai đồng bộ các giải pháp
 
Thời gian qua, công tác phân luồng học sinh sau THCS luôn được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đặc biệt là Sở GDĐT quan tâm triển khai thực hiện. Tỷ lệ học sinh tham gia học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), học nghề, học song song chương trình TCCN và văn hóa phổ thông tăng qua từng năm. Từ chỗ chỉ đạt 6,75% năm học 2011 - 2012 đã tăng lên 9,02% trong năm học 2015 - 2016, tỷ lệ chung đạt 7,62%. 
 
Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút học sinh học nghề đã được triển khai như: Học sinh sau THCS tham gia học TCCN hoặc học song song hai chương trình TCCN và văn hóa phổ thông được miễn 100% học phí theo quy định của Bộ GDĐT; Học viên tham gia học nghề từ sơ cấp đến cao đẳng được hưởng mọi chế độ ưu đãi theo Quyết định 1956 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”… 
 
Ngành Giáo dục cũng như các trường chuyên nghiệp, các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX đã tăng cường tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh và học sinh về tính ưu việt của việc kết hợp đào tạo TCCN với học văn hóa phổ thông để thu hút học sinh theo học nghề sau THCS. 
 
Nhiều giải pháp cũng đã được triển khai nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS như: tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nghề; hỗ trợ các trung tâm GDTX dạy bổ túc văn hóa THPT gắn với dạy nghề; có nhiều cơ chế khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau THCS đã qua đào tạo nghề; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được học liên thông lên các cấp học cao hơn; gắn việc đầu tư, khai thác, kinh doanh phát triển doanh nghiệp với giải quyết việc làm cho người lao động để đẩy mạnh phân luồng học sinh đi học nghề và TCCN sau THCS…
 
TUẤN HƯƠNG