Sự kiện Lâm Đồng về đích trước 4 năm, đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong (LTBP) quy mô cấp huyện, thành phố trong tháng 10 vừa qua, đã ghi dấu ấn về thành tựu chăm sóc y tế của Lâm Đồng năm 2016.
Sự kiện Lâm Đồng về đích trước 4 năm, đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong (LTBP) quy mô cấp huyện, thành phố trong tháng 10 vừa qua, đã ghi dấu ấn về thành tựu chăm sóc y tế của Lâm Đồng năm 2016.
|
Ths-BS Lê Thị Mai - Bệnh viện Da liễu Trung ương đang kiểm tra tình hình chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng của bệnh nhân phong. Ảnh: A.Nhiên |
Chuyện 2 người thợ mộc bị mắc bệnh phong nặng
Trong chuyến đi thực tế tại huyện Lâm Hà kiểm tra LTBP - đây là huyện cuối cùng được công nhận LTBP của tỉnh vào cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi chứng kiến niềm hạnh phúc tột cùng của người bệnh khi được chữa lành trở về cộng đồng gặp lại bác sĩ đã chữa bệnh cho mình.
Xã Tân Thanh là nơi có nhiều ca bệnh nhất trong huyện, gọi là nhiều nhưng cũng chỉ có 2 người bệnh phong đã chữa lành hiện đang được hướng dẫn chăm sóc tàn tật tại nhà. Anh K’Bếu, 48 tuổi sau khi được bác sĩ khám và kiểm tra kiến thức tự chăm sóc tàn tật xúc động cho biết: cách đây 12 năm, tôi cảm thấy hai tay tê như có con gì bò bên trong; người mệt mỏi; khi cầm cuốc, cầm cưa xẻ gỗ thấy rất tê tay. Tôi lên tỉnh, tìm đến bác sĩ Nguyễn Quốc Minh chữa bệnh phong. Qua nhiều năm uống thuốc, bây giờ tôi đã khỏi bệnh, không phải uống thuốc nữa, chỉ tập luyện thôi, vết thương ở tay đã lành, tôi vẫn làm việc bình thường. Tôi biết ơn bác sĩ vô cùng.
Lâm Ðồng đã đạt 4 tiêu chí LTBP cấp huyện, thành phố theo Thông tư 17/2013 của Bộ Y tế:
- Tiêu chí 1: Trong 3 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra có tỉ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân.
- Tiêu chí 2: Có 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng.
- Tiêu chí 3: Có 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị người bệnh phong.
- Tiêu chí 4: Có 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở.
(BSCKII Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế - Chủ tịch Hội đồng kiểm tra LTBP cấp huyện, thành phố của tỉnh cho biết)
|
Một trường hợp bệnh phong nặng ở độ II với nhiều tổn thương mặt, tai, chân trái bị lở loét kinh khủng cũng đã được chữa lành trở về với cộng đồng là anh Âu Sinh Phi, SN 1978. Anh gặp lại bác sĩ Minh - ân nhân của mình và luôn miệng cám ơn. Câu chuyện của anh như cổ tích giữa đời thường, bởi có lúc bệnh nhân tuyệt vọng nghĩ rằng mình không thể sống với căn bệnh này. Là người dân tộc Nùng từ Lạng Sơn vào Tân Thanh lập nghiệp năm 1996, khi gia đình anh đã có 2 con nhỏ thì anh phát bệnh, da thịt tê nhức đến nỗi anh dùng kim và điếu thuốc đang cháy chọc vào vẫn không có cảm giác gì. Đến khi chân sưng lên, mặt và tai lở loét, anh đi khám hết các bệnh viện, thực hiện xét nghiệm, siêu âm gan, thận vẫn bình thường. Năm 2007, trong vô vọng, trong đau đớn da thịt dày vò, tình cờ đi ngang qua trạm y tế xã, anh thấy áp phích vẽ các triệu chứng của bệnh phong và thấy mình có các biểu hiện đúng như thế nên anh đến TYT khám. BS Đặng Thị Nguyệt - cán bộ phụ trách chương trình phong của xã đã phát hiện ngay ra bệnh phong và giới thiệu anh lên BS Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (TTPCBXH) Lâm Đồng. BS Minh khám xác định bệnh nhân phong đã tổn thương độ II chuyển về Khu điều trị phong Di Linh điều trị 3 năm. Sau đó, bệnh nhân về nhà tiếp tục uống thuốc 2 năm và hiện nay người bệnh đã được phục hồi hoàn toàn sức khỏe, lao động bình thường.
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc TTPCBXH tỉnh cho biết: “Đây là 2 bệnh nhân làm nghề thợ mộc bị bệnh phong được phát hiện muộn, khi đến bác sĩ thì đã bị các tổn thương, lỗ đáo, lở loét ở độ II (mức độ tàn phế cao nhất của bệnh phong). Bệnh quá nặng nên trong quá trình điều trị, bệnh nhân uống thuốc và đêm nào lên cơn phản ứng phong là gọi điện cho tôi kêu than: “Đau quá bác sĩ ơi! Những cục phong nổi lên chạy trong da thịt đau đớn lắm!”. Những lúc như thế tôi động viên, an ủi, đồng hành với người bệnh để họ vượt qua bệnh tật, kiên trì chữa bệnh. Đến nay, 2 ca bệnh này đã hồi phục thần kỳ.
Chỉ còn người khuyết tật do bệnh phong đang được chăm sóc tàn tật
Một trường hợp tương tự ở Đức Trọng, bệnh nhân bị các tổn thương phong mức độ II đã được điều trị phục hồi hoàn toàn khiến cho Thạc sĩ - BS Lê Thị Mai - Ủy viên giám sát Trung ương, Phó phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu Trung ương, không tin được phải kiểm tra lại lần nữa. Các trường hợp bệnh phong nặng được điều trị phục hồi hoàn toàn các chức năng tổn thương là thành quả kiên trì của đội ngũ cán bộ chuyên khoa phong ở các tuyến y tế trong tỉnh và ý chí kiên cường chữa bệnh của chính bản thân bệnh nhân.
Thạc sĩ Mai đến thăm nhà của bệnh nhân K’Ràng, SN 1931, ở xã Liên Hà, chị bày tỏ sự vui mừng vì nhà cửa bệnh nhân khang trang, con cháu sum vầy. Đây là trường hợp người già đã sống chung với bệnh phong hàng chục năm trời, đến khi phát hiện đã bị các tổn thương độ II, tứ chi cụt rụt, chân mất ngón, tay bị cò. Nhờ điều trị và chăm sóc tàn tật tốt nên bàn tay của bệnh nhân các ngón bị cò mềm - còn kéo duỗi được.
Toàn tỉnh hiện quản lý 86 bệnh nhân phong, trong đó không còn bệnh nhân điều trị (uống thuốc), 77 bệnh nhân đang được chăm sóc tàn tật. Riêng huyện Đạ Tẻh không có bệnh nhân phong. Như vậy, có thể nói toàn tỉnh chỉ còn người khuyết tật do bệnh phong đang được tiếp tục chăm sóc tàn tật. Từ năm 2015 đã có 4 huyện, thành phố: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đam Rông được công nhận đạt 4 tiêu chí LTBP cấp huyện; năm 2016 thêm 8 huyện, thành phố đã được kiểm tra công nhận LTBP. Kết quả 10 huyện, thành phố được kiểm tra đạt loại xuất sắc, 1 huyện đạt loại giỏi và 1 huyện đạt loại khá.
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc TTPCBXH tỉnh cho biết: Chúng tôi có kế hoạch hoạt động sau khi được công nhận LTBP quy mô cấp huyện, thành phố với mục tiêu: duy trì và bảo vệ thành quả đã đạt được, đảm bảo tính bền vững của chương trình, ngày càng phát triển ở tiêu chuẩn cao hơn về tỉ lệ lưu hành và khám bệnh tiến tới thanh toán hoàn toàn bệnh phong (không còn là một vấn đề sức khỏe của cộng đồng), một xã hội không còn bệnh phong. Thực hiện tốt công tác phục hồi chức năng phòng ngừa chăm sóc tàn tật cho bệnh nhân phong và cải thiện điều kiện sống nhằm mục đích đưa người bệnh phong và gia đình của họ tái hòa nhập tốt cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng
Lâm Đồng từ chỗ phát hiện hàng trăm bệnh nhân phong mỗi năm (ở thập niên những năm 1990); nhờ khám phát hiện ra nhiều bệnh nhân phong trong nhiều năm nên càng ngày càng giảm mạnh số bệnh nhân mới. Năm 1999, Lâm Đồng được công nhận LTBP quy mô cấp tỉnh, đứng vào top 10 cả nước đạt LTBP sớm nhất. Hàng năm, chúng tôi khám sàng lọc nửa triệu bệnh nhân để phát hiện bệnh nhân phong mới. Tìm bệnh nhân phong để chữa trị như đãi cát tìm vàng. Nay tỉnh được công nhận LTBP quy mô cấp huyện, thành phố, hướng tới, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác này. Ngành Y tế lồng ghép trong hoạt động chuyên môn để khám, phát hiện bệnh phong mới. Cán bộ y tế cũng phải tiếp tục được tập huấn về bệnh phong để đảm bảo tính bền vững của chương trình LTBP.
Bệnh viện Da liễu Trung ương
Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam và tỉnh thứ 3 của cả nước (sau Thái Bình và Quảng Bình) được công nhận LTBP quy mô cấp huyện, thành phố. Mục tiêu của Bộ Y tế đến năm 2020 LTBP quy mô cấp huyện, thành phố nhưng Lâm Đồng đã đạt rất sớm. Kết quả này có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng y tế trong ngành Y tế Lâm Đồng cho chương trình phong. Qua kiểm tra thực tế ở nhiều địa phương, tôi ghi nhận Lâm Đồng chăm sóc tàn tật cho bệnh nhân phong rất tốt, nhà các bệnh nhân đều khang trang.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà
Phải ghi nhận hệ thống trạm y tế, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản hoạt động hiệu quả, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh phong đúng mức và đúng cách. Đi cùng với thành tựu xóa đói giảm nghèo của huyện, gia đình bệnh nhân phong cũng được chăm sóc mọi mặt về đời sống. Để duy trì thành quả LTBP của huyện, công tác truyền thông hết sức quan trọng, vì vậy, chúng tôi chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác truyền thông và tổ chức nhiều hoạt động rèn luyện, nâng cao thể chất cho quần chúng nhân dân.
Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng
Tỉnh Lâm Đồng được công nhận LTBP cấp huyện, thành phố là nhờ bao cấp toàn bộ túi chăm sóc tàn tật tại nhà cho bệnh nhân phong (chỉ có ở Lâm Đồng). Hơn nữa, chúng ta làm tốt công tác chăm sóc khuyết tật cho bệnh nhân phong nhờ có Khu điều trị phong Di Linh. Vấn đề chúng ta cần làm hiện nay là các trạm y tế đơn giản hóa hồ sơ sổ sách, các cơ sở khám chữa bệnh duy trì hoạt động khám thường xuyên, hàng ngày, chú ý phát hiện bệnh phong. Nguồn lây nhiễm bệnh phong vẫn còn, bởi chúng ta mới đạt được nấc thang đầu tiên của công tác thanh toán bệnh phong, phải 30 đến 50 năm nữa mới thanh toán được bệnh phong. Vì vậy, cần tiếp tục trang bị kiến thức cho cộng đồng về phòng chống bệnh phong. Bên cạnh đó, tình trạng biến động dân số, di dân cũng sẽ mang theo bệnh, thầy thuốc phải đi theo bệnh nhân phong suốt đời.
(DH ghi)
|
AN NHIÊN