Giải tỏa lấn chiếm Vườn quốc gia

08:11, 29/11/2016

Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (gọi tắt là Vườn) là vốn tài nguyên thiên nhiên quý báu đưa lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Thế nhưng, một số hộ dân xã Ðạ Long, huyện Ðam Rông đã lấn chiếm một phần diện tích để sử dụng sai mục đích kéo dài nhiều năm nay là điều không thể chấp nhận được. 

Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (gọi tắt là Vườn) là vốn tài nguyên thiên nhiên quý báu đưa lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Thế nhưng, một số hộ dân xã Ðạ Long, huyện Ðam Rông đã lấn chiếm một phần diện tích để sử dụng sai mục đích kéo dài nhiều năm nay là điều không thể chấp nhận được. 
 
Ngày 21/11, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều, người ký ban hành Kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa cho biết: Đồng thời với các công tác liên quan khác, huyện đã cử các cán bộ đến tận từng hộ dân tại hiện trường bị lấn chiếm và cả nơi cư trú giao các thông báo, tống đạt quyết định.  
 
Hiện trường Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà bị lấn chiếm trái pháp luật vào thời điểm 1/4/2015. Ảnh: M.Đạo
Hiện trường Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà bị lấn chiếm trái pháp luật vào thời điểm 1/4/2015. Ảnh: M.Đạo
 
Ðồng bộ, chặt chẽ và đúng luật pháp 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã chỉ đạo và đề nghị UBMTTQ tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp hệ thống chính trị 2 huyện Lạc Dương, Đam Rông và các đơn vị liên quan của tỉnh tiếp tục vận động 33 hộ dân chấp hành và tự giác di dời toàn bộ vật dụng, dụng cụ tài sản (nếu có) từ TK 26, 27 trở về nơi ở cũ trước ngày 10/12/2016. Vấn đề hỗ trợ các hộ dân luôn được đặt lên hàng đầu từ di dời, giải tỏa đến chuẩn bị đầy đủ các chính sách về đất sản xuất, bò giống, diện tích rừng giao khoán bảo vệ… để hỗ trợ các hộ dân ổn định cuộc sống, sản xuất sau khi di dời, giải tỏa được đề ra. Cùng đó, các sở, ngành liên quan chuẩn bị kinh phí để chi trả cho các hộ dân ngay sau khi ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng (BVR)... Đối với Vườn, chuẩn bị hợp đồng giao khoán BVR với khoảng 50 ha/hộ để ký kết hợp đồng, chi trả tiền ngay sau khi ký; chuẩn bị cây giống thông 3 lá để tổ chức trồng rừng sau khi thực hiện xong việc giải tỏa trên toàn bộ diện tích với mật độ bằng khoảng 50% so với mật độ trồng rừng theo quy định; đồng thời lập chốt quản lý, bảo vệ cây trồng…
 
Trưởng đoàn cưỡng chế giải tỏa Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cũng cho hay: Mục đích yêu cầu của kế hoạch cưỡng chế giải tỏa là ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đang diễn ra trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại địa bàn huyện Lạc Dương nói chung và tình trạng di dân tự do lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa bàn xã Đưng K’Nớ nói riêng. Theo đó, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng tại huyện Lạc Dương. Việc giải tỏa phải đảm bảo tính nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật; đồng thời, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
 
Được biết, trong những ngày qua, huyện Lạc Dương cùng các ngành liên quan đang tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục các bước trước lúc cưỡng chế. Theo đó, ban hành quyết định cưỡng chế, tống đạt quyết định, đôn đốc thực hiện, cho người dân tự di dời trong thời hạn 15 ngày. Song song với việc tống đạt các quyết định, đôn đốc là tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhằm mục đích để người dân tự giác tháo dỡ các chòi tạm, trở về nơi ở cũ sinh sống. Sau khi đã áp dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động, các hộ dân vẫn không chấp hành, không chịu di dời thì thành lập đoàn cưỡng chế giải tỏa theo quy định của pháp luật. 
 
Cương quyết cưỡng chế giải tỏa
 
Theo kế hoạch, vị trí đưa vào cưỡng chế, giải tỏa thuộc lô C2, Khoảnh 1, TK 26. Căn cứ bản đồ rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 2691/QĐ-UBND, ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì toàn bộ vị trí, diện tích người dân lấn chiếm đưa vào kế hoạch giải tỏa thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, quy hoạch rừng đặc dụng. Theo đó, diện tích giải tỏa toàn bộ là 63.198,1 m 2 mà  33 hộ dân đang lấn chiếm làm chòi tạm và sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích 20,32 ha đất lâm nghiệp người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nương, lúa nước, giao cho Vườn tự tổ chức lực lượng giải tỏa theo quy định. 
 
Quan điểm, biện pháp giải tỏa, cưỡng chế đặt ra rất rõ ràng là: Đối với con người, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, biện pháp để người dân ra khỏi khu vực giải tỏa; nếu người dân không tự nguyện ra khỏi khu vực giải tỏa thì tiến hành cưỡng chế đưa ra khỏi khu vực giải tỏa đến điểm tập kết. Đối với cây trồng trong khu vực cưỡng chế giải tỏa, sẽ giải tỏa trắng toàn bộ cây trồng bằng hình thức nhổ bỏ và bàn giao lại toàn bộ diện tích đã cưỡng chế, giải tỏa cho Vườn quản lý và tổ chức trồng lại rừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với các đồ dùng, vật dụng có giá trị, nông sản, yêu cầu các hộ dân tự nguyện thu gom, di dời; nếu các hộ dân không tự nguyện thu gom, di dời thì giao Vườn chủ trì, phối hợp với UBND xã Đưng K’Nớ và UBND huyện Đam Rông lập biên bản kiểm kê theo quy định để vận chuyển ra khỏi khu vực giải tỏa đến điểm tập kết và vận chuyển trả lại cho người dân. Đối với chòi tạm, nếu có vật liệu bằng gỗ chưa qua chế biến và vách, mái làm bằng tre nứa, lá, bạt ny lông… thì đoàn cưỡng chế giải tỏa tổ chức tháo dỡ và để tại chỗ; đối với các chòi lợp tôn, khung bằng gỗ xẻ, vách ván (nếu có) thì tháo dỡ, di dời ra khỏi khu vực giải tỏa và bàn giao cho UBND huyện Đam Rông đưa về quản lý và giao lại cho các hộ dân…               
 
MINH ÐẠO