Trong những năm qua, đội ngũ các nhà giáo đã nỗ lực hết mình, vượt qua biết bao khó khăn gian khổ để giáo dục, đào tạo cho quê hương, đất nước những thế hệ con người mới có tri thức, phẩm chất đạo đức tốt, có kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng sống, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, đội ngũ các nhà giáo đã nỗ lực hết mình, vượt qua biết bao khó khăn gian khổ để giáo dục, đào tạo cho quê hương, đất nước những thế hệ con người mới có tri thức, phẩm chất đạo đức tốt, có kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng sống, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đa số nhà giáo đầy tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, sáng tạo và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”. Tuy nhiên, với sự phát triển của đất nước, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, cùng với đời sống còn nhiều khó khăn, đã xuất hiện một số nhà giáo chưa thật sự gương mẫu, đang có nguy cơ suy thoái về phẩm chất đạo đức, nhân cách, xói mòn lương tâm nghề nghiệp. Một bộ phận cán bộ quản lí giáo dục chưa chủ động, sáng tạo trong quản lí, điều hành và đề xuất biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; thậm chí thiếu gương mẫu, còn buông lỏng quản lí dẫn tới để xảy ra những sai phạm trong nhà trường... Những hiện tượng đó không nhiều nhưng cũng làm ảnh hưởng đến danh dự nhà giáo và giảm uy tín của ngành.
Ngày xưa, nhân dân ta đã tôn vinh, đề cao địa vị thầy giáo trong xã hội “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta cũng xác định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; bởi giáo dục có sứ mệnh quan trọng, thiêng liêng là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo ra những con người mới, có kiến thức, có phẩm chất cách mạng, có kĩ năng để xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, vẫn được xã hội tôn vinh, đề cao.
Tuy nhiên, sự tôn vinh của xã hội là một đạo lý chỉ dành cho những nhà giáo, những cán bộ quản lý giáo dục có nhân cách cao đẹp, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Bởi vì, nghề dạy học khác các nghề khác ở chỗ, người dạy học không chỉ đòi hỏi phải có vốn tri thức, hiểu biết, mà còn phải có đạo đức trong sáng. Người giáo viên cảm hóa, giáo dục và khai sáng cho HS không chỉ bằng kiến thức môn học, mà còn bằng cả tấm gương đạo đức, bằng lối sống, phong cách sống cao đẹp của mình. Vì vậy, đạo đức của nhà giáo có ý nghĩa quan trọng tới việc hình thành và phát triển nhân cách của HS; “dạy chữ” là quan trọng, nhưng việc “dạy người” còn quan trọng hơn. Chính do đặc thù của nghề dạy học, nên xã hội thời nào cũng đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất đạo đức của nhà giáo, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Để giữ gìn, nâng cao phẩm giá cao đẹp của người thầy, ngoài sự nỗ lực của chính đội ngũ nhà giáo và từng giáo viên có tính quyết định, vẫn rất cần sự đồng hành, sẻ chia của xã hội và nhất là cha mẹ HS.
Đối với bản thân đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần ý thức đầy đủ vinh dự to lớn và trách nhiệm nặng nề của nghề dạy học để không ngừng bồi đắp sức lực, trí tuệ và lòng yêu nghề, vượt qua khó khăn, tận tâm tận lực với nghề; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, gắn bó mật thiết với nhân dân, gần gũi, yêu thương chăm sóc học sinh…; thật xứng đáng“ Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Từ đó, đòi hỏi mỗi nhà giáo, cán bộ quản lí quản lý và ngành Giáo dục - Đào tạo cần phải: (1) Tích cực và sáng tạo trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
(2) Nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Quy định về đạo đức nhà giáo theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư TW Đảng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
(3) Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, trọng trách của nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, thấy rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ danh dự của nhà giáo cũng như của ngành giáo dục; phát huy lương tâm, trách nhiệm, nhiệt huyết của nhà giáo để luôn có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo cũng như sự phát triển của đất nước…
(4) Chăm lo đến đời sống của nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất (cả vật chất và tinh thần trong điều kiện có thể) để nhà giáo làm việc và cống hiến; kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
(5) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời tuyên dương những tấm gương nhà giáo tiêu biểu có lương tâm, trách nhiệm, tận tụy, dành trọn tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục, hết lòng vì học sinh thân yêu. Đồng thời chấn chỉnh và xử lí nghiêm túc những biểu hiện vi phạm về đạo đức nhà giáo, góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục.
Đối với học sinh, phải biết kính trọng thầy cô giáo, thân thiện, yêu quý bạn bè; không ngừng tu dưỡng đạo đức và siêng năng học tập, học một cách tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo, chống thụ động, lười biếng; hăng hái tham gia lao động sản xuất và các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường…
Đối với xã hội, cần nhận thức được rằng, ngày nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi, theo đó thang giá trị xã hội cũng thay đổi, trong đó có địa vị của nghề dạy học và người dạy học; về điều kiện sống, làm việc của giáo viên tuy có thuận lợi hơn trước, song vẫn còn nhiều khó khăn, còn phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực đang đặt ra, như: vấn đề đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, đào tạo theo nhu cầu xã hội... Từ thực tế đó, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của mình đối với ngành Giáo dục, nhất là đối với giáo viên; toàn xã hội cần dành sự quan tâm, ủng hộ, sự đồng thuận đối với ngành giáo dục và đào tạo; chăm lo đến đời sống của nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà giáo làm việc và cống hiến, góp phần hoàn thành sứ mệnh “trồng người” cao cả.
Nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của nhà giáo trong sự nghiệp “trồng người” vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; đồng thời góp phần giữ gìn và nâng cao vai trò, địa vị của ngành Giáo dục - Đào tạo và nhà giáo trong xã hội. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta không chỉ gửi đến các nhà giáo những lời chúc mừng tốt đẹp, mà bằng cả tấm lòng và việc làm thiết thực để tôn vinh, tri ân thầy cô giáo.
BAN BIÊN TẬP