Hiệu quả rõ rệt trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone

08:11, 30/11/2016

Sau hơn một năm triển khai Cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đã có gần 300 bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ tuân thủ điều trị tương đối cao so với trung bình nhiều tỉnh trên toàn quốc: 70% so với 50 - 60%/ tỉnh, thành. 

Sau hơn một năm triển khai Cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đã có gần 300 bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ tuân thủ điều trị tương đối cao so với trung bình nhiều tỉnh trên toàn quốc: 70% so với 50 - 60%/ tỉnh, thành. Đa số bệnh nhân xác định tham gia chương trình lâu dài, suốt đời vì hiểu được đây là căn bệnh mãn tính không có thuốc điều trị khỏi mà chỉ có thuốc điều trị thay thế là Methadone.
 
Mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone
 
 - Năm 2016: Thiết lập 1 Cơ sở cấp phát thuốc đặt tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh (ngày 30/11 khai trương).
 - Năm 2017: Thành lập Cơ sở điều trị Methadone tại TP Bảo Lộc đặt tại Trung tâm Y tế TP Bảo Lộc. Thiết lập 1 Cơ sở cấp phát thuốc đặt tại Trung tâm 05-06 huyện Đức Trọng trực thuộc sự quản lý của Trung tâm 05-06. Thiết lập 1 Cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Lâm Hà đặt tại Trung tâm Y tế Lâm Hà trực thuộc sự quản lý của Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà.
Đối tượng tham gia điều trị Methadone là những người nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) gọi tắt là bệnh nhân (BN). BN tham gia chương trình Methadone cần đáp ứng đủ các quy định của Nhà nước như: Là người nghiện các CDTP; có nơi cư trú rõ ràng; tự nguyện tham gia điều trị nghiện các CDTP và cam kết tuân thủ điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone (đối với người nghiện CDTP chưa đủ 16 tuổi, chỉ được điều trị sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó); không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.
 
Từ tháng 7/2015, Cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đi vào hoạt động. Đến nay, số BN tích lũy điều trị 291 người; BN hiện đang điều trị 274 người; BN bỏ trị 17 người. Trong đó, BN có HIV 21 người; BN có HIV được chuyển gửi dịch vụ điều trị ARV là 20 người; 1 BN có HIV chưa sẵn sàng chuyển gửi. Số chuyển đi cơ sở khác điều trị là 4 người và từ nơi khác chuyển đến tiếp tục điều trị là 3 người.
 
Đánh giá hiệu quả triển khai chương trình, BSCKII Nhữ Đình Hưng - Phụ trách Cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone cho biết: Trong số BN tham gia điều trị Methadone 291 người, tỷ lệ BN tuân thủ điều trị đạt 70%. Tình hình điều trị: liều điều trị trung bình 5,9 ml (59 mg Methadone); liều thấp nhất 10mg, cao nhất 295 mg. Thời gian dò liều trung bình 45 ngày; dò liều ngắn nhất 21 ngày, dài nhất hơn 3 tháng. Thời gian điều chỉnh liều 4 tuần. Tỷ lệ BN gặp tác dụng phụ của thuốc 47%, chủ yếu là táo bón, tăng tiết mồ hôi, giảm nhu cầu sinh lý. Tình trạng quá liều hoặc thiếu liều chiếm 15% khi BN có mắc bệnh và điều trị một số thuốc làm tăng nồng độ Methadone trong máu và ngược lại trong thời gian điều trị.
 
Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người bệnh tham gia chương trình 0%; hành vi nguy cơ nhiễm HIV của người bệnh tham gia chương trình 0%; tần suất sử dụng các CDTP trước, trong và sau khi điều trị thay thế bằng Methadone của người bệnh 30%. Số BN có việc làm tăng dần theo thời gian tham gia điều trị nhưng không nhiều và công việc không ổn định như: phụ hồ, bảo vệ, hay thuê theo giờ, ngày. Hành vi tội phạm hình sự của các đối tượng tham gia chương trình: 8 /291 BN (chiếm 2,7%).
 
Mối quan hệ của các đối tượng tham gia chương trình với gia đình đa số được cải thiện, gia đình hỗ trợ về mọi mặt nhằm giúp BN tuân thủ điều trị tốt. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình: Số người nghiện trong cộng đồng còn nhiều (291 BN/2.042 người nghiện) nên BN dễ bị lôi kéo, dụ dỗ và nhiều BN, gia đình BN chưa hiểu thấu đáo việc điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng Methadone. Toàn tỉnh mới có một cơ sở điều trị, nên một số BN ở các huyện trong tỉnh đi lên Đà Lạt điều trị rất khó khăn, nhất là khi trời mưa bão nên mức độ tuân thủ điều trị giảm. Cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và việc làm còn rất khó khăn.
 
BS Hưng cho biết thêm: Thực tế sự hiểu biết về thuốc thay thế Methadone của BN, gia đình, người thân BN còn chưa thấu đáo, sai lệch. Có thể khẳng định Methadone là chất dạng thuốc phiện tổng hợp giúp BN không xuất hiện hội chứng cai, sau một thời gian điều trị sẽ khóa tác dụng của ma túy và không có 6 tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện ma túy (heroin) như: Methadone không gây thèm nhớ, ngày chỉ uống 1 lần duy nhất không có sự mất kiểm soát việc sử dụng; không cần tăng liều như tăng độ dung nạp của ma túy; không xuất hiện hội chứng cai nếu như hàng ngày không bỏ uống thuốc; BN tỉnh táo, không quên những sở thích, thói quen trước đây như khi sử dụng ma túy, BN tỉnh táo và thấy những lỗi lầm, tác hại khi còn sử dụng ma túy.
 
AN NHIÊN