Hoa dại mừng cô

08:11, 21/11/2016

Cứ mỗi khi hoa quỳ nở rộ, người dân Nam Tây Nguyên lại nghĩ ngay tới việc kết thúc những ngày mưa để bắt đầu bước vào mùa khô. Còn ở những nơi vùng sâu, vùng xa như khu vực Đầm Ròn thuộc huyện nghèo Đam Rông, khi hoa quỳ nở cũng là lúc đến ngày "mừng thầy cô".

Cứ mỗi khi hoa quỳ nở rộ, người dân Nam Tây Nguyên lại nghĩ ngay tới việc kết thúc những ngày mưa để bắt đầu bước vào mùa khô. Còn ở những nơi vùng sâu, vùng xa như khu vực Đầm Ròn thuộc huyện nghèo Đam Rông, khi hoa quỳ nở cũng là lúc đến ngày “mừng thầy cô”.
 
Những cô giáo vùng sâu vẫn miệt mài trong công tác trồng người. Ảnh: H.My
Những cô giáo vùng sâu vẫn miệt mài trong công tác trồng người. Ảnh: H.My

Chị Cil Ka Nga - người dân thôn Đa Nhinh 2, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông là người mẹ đã có 3 mặt con nhưng chưa một lần chị biết và nghĩ về ngày nhà giáo. Bởi “ngày nhỏ mình có được đi học đâu. Rồi mỗi năm cứ đến mùa hoa quỳ nở, đứa chị, đứa em đều bảo nhau đi hái hoa quỳ tặng cô nên mình biết thôi”.
 
Câu chuyện của chị Cil Ka Nga tưởng như đùa vui nhưng đó là sự thật ở vùng sâu, vùng xa này. Lũ học trò ngây thơ ngắt hoa quỳ ven đường, chặt nải chuối trong vườn đi mừng ngày “Hiến chương nhà giáo”.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân - giáo viên Trường Tiểu học Đa Nhinh vẫn nhớ như in chuyện của 5 năm trước. Khi ấy, cô giáo sinh ra ở thành phố Hà Tĩnh này vừa bước chân vào nghề, nhận công tác tại một xã vùng sâu như Đạ Tông với không biết bao nhiêu hoang mang, lo lắng. Đã có những đêm dài cô ngồi ngẩn ngơ trước cổng khu tập thể và suy nghĩ về việc “mình có nên gắn bó lâu dài ở đây hay không?”. Nhưng tất cả đã thay đổi đối với cô Xuân vào mùa 20/11 năm ấy. Hôm đó, cô về muộn. Nhưng cô không biết rằng ở khu tập thể giáo viên, lũ học trò nhỏ vẫn đang chờ mình. Có em cầm hoa dại, có em mang một ít gạo, có em mang nải chuối, củ khoai mì... ngồi chờ trước sân khu tập thể. 
 
Chúng đặt những món quà tặng cô trên thảm cỏ xanh trước khu tập thể và vẽ lên nền đất những trò chơi trong lúc đợi cô về. Cô Xuân trở về nhà, chứng kiến lũ học trò ngây thơ, lòng xúc động nghẹn ngào: “Cầm món quà trên tay mà cảm giác không thể gọi tên, lòng xót xa cho chính mình thì ít mà thương lũ học trò thơ dại, cuộc sống khó khăn thì nhiều. Cũng nhờ tình cảm của các em mà mình quyết định gắn bó với nơi này” - cô Xuân nói.
 
Ngày 20/11 của thầy cô giáo vùng sâu đơn sơ, giản dị mà ấm áp. Cái nghĩa trò đơn sơ ấy như càng làm sâu nặng thêm cái tình thầy nơi non cao...
Còn đối với các cô giáo trẻ khác như Thanh Tâm, Kim Tuyết, Thanh Nhàn ở Trường Tiểu học Đa Nhinh, mỗi lần trên đường đi dạy về, thấy hoa quỳ nở, kỷ niệm về những bó hoa dại lại ùa về. Cô giáo Thanh Tâm dạy khối lớp 2 kể, mỗi năm đến Ngày Hiến chương nhà giáo, những học trò bé xíu lại cùng nhau mang đến tặng cô một bó dã quỳ. Đối với cô: “Trong bài giảng dạy cho các em về những thứ tình cảm trong cuộc sống, mình dạy cho các em tình yêu đất nước, yêu quê hương, yêu gia đình, bạn bè… và trong đó có cả tình yêu đối với thầy cô. Thú thật, lúc dạy cho các em, mình không nghĩ tới việc các em sẽ tri ân mình bởi ở đây cái nghèo còn ám ảnh quá. Vậy mà cứ sắp đến ngày 20/11, các em thường rủ nhau đi học sớm hơn. Trên con đường đi bộ từ nhà đến trường, chúng sẽ dừng lại, cẩn thận lựa những bông hoa dã quỳ đẹp nhất để hái. Rồi cả lũ chạy ùa vào lớp tặng cô trước giờ vào học”. 
 
“Nghe những bạn bè hồi học chung đại học, dạy ở các trường thành phố, trường huyện kể về ngày 20/11 của họ mà cổ mình như nghẹn lại. Mình cũng có chút chạnh lòng vì sự thiếu thốn đó, nhưng cảm giác này cũng nhanh chóng đi qua vì “Ngày nhà giáo cũng chỉ là một ngày, còn giáo dục là công việc cả năm, công việc suốt đời. Không chỉ vì một món quà mang ý nghĩa vật chất mà quên đi vai trò, nhiệm vụ của mình” - cô Thanh Nhàn nói.
 
Không chỉ ở Trường Tiểu học Đa Nhinh mà hầu hết các trường và điểm trường vùng sâu của huyện Đam Rông đều như vậy. 
 
Có lần đoàn chúng tôi vào thăm điểm trường 179, tại đây, cô Phạm Thị Ngũ, Phó phòng GD huyện Đam Rông bồi hồi nhớ: “Sau bao năm công tác trong ngành giáo dục, trải qua nhiều vị trí khác nhau, nhưng những ký ức về học trò thì không lúc nào mình quên được. Là con gái Thủ đô, vào nhận công tác ở vùng sâu Lâm Hà ngày ấy (là Đam Rông bây giờ) thật sự là một điều “quá sức”. Nếu không có tình cảm của học trò thì không biết có điều gì lớn lao hơn giữ chân mình ở nơi này cho đến hôm nay. Nhiều năm về trước, đến ngày 20/11 có mấy đứa học trò mua chai nước ngọt và mang theo bó hoa dại đến tặng cô. Mình hốt hoảng hỏi ngay “tiền đâu các em mua”? Vậy là mấy đứa khai thật với cô là đi mót cà phê dành dụm tiền mua nước ngọt, còn hoa dại thì hái ven đường. Lúc đó, không kìm nổi lòng, mình đã bật khóc, thương các em và cũng cảm thấy hạnh phúc bởi mình đang làm một công việc rất đỗi thiêng liêng. Tình cảm của học trò là nguồn động lực lớn nhất cho mình đến cả ngày hôm nay”.
 
H.MY - H.YÊN