Nhân Tháng Hành động Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS năm 2016, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BSCKII Đỗ Công Kim - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân trong thời gian qua
Nhân Tháng Hành động Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS năm 2016, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BSCKII Đỗ Công Kim - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân trong thời gian qua và hướng tới áp dụng chính sách BHYT cho người có HIV/AIDS để đảm bảo cho người bệnh được quản lý, chăm sóc sức khỏe lâu dài.
PV: Thưa BS! Tình hình nhiễm HIV tại Lâm Đồng hiện nay và dự báo xu hướng sắp tới như thế nào?
|
BSCKII Đỗ Công Kim |
BSCKII Đỗ Công Kim: Báo cáo giám sát sau khi rà soát theo quy định báo cáo tại Thông tư 03/TT/2015-BYT ngày 16/3/2015 của Bộ Y tế, tính đến 30/10/2016, số trường hợp nhiễm HIV tích lũy toàn tỉnh là 1.241 người. Trong đó có 265 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 518 người nhiễm HIV đã tử vong. Số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS còn sống tại địa phương là 647 người. Trong 10 tháng năm 2016, đã phát hiện 43 trường hợp nhiễm HIV mới, số chuyển AIDS mới là 8 trường hợp.
Dự báo xu hướng nhiễm HIV/AIDS mới trong cộng đồng đang ngày càng giảm do chúng ta đã tăng cường công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS hiệu quả, triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại địa phương như: chương trình sử dụng bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng, chương trình bao cao su và triển khai công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
PV: Để đạt mục tiêu 90-90-90, trong thời gian qua, cơ quan chuyên môn đã triển khai các hoạt động điều trị ARV, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đem lại kết quả cụ thể như thế nào?
BSCKII Đỗ Công Kim: Hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030; tại Lâm Đồng đã và đang triển khai đồng bộ các hoạt động. Đó là tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện, điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) cho bệnh nhân HIV/AIDS tại 3 cơ sở điều trị thuốc kháng HIV (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng), triển khai hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trên địa bàn toàn tỉnh.
Tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV là 470 người, trong đó có 13 trẻ em. Trong những năm qua, 3 cơ sở điều trị thuốc kháng HIV của tỉnh đã tổ chức tốt công tác hỗ trợ chăm sóc, điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân và tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc điều trị. Bệnh nhân được tư vấn, được điều trị nhiễm trùng cơ hội và điều trị thuốc ARV theo qui định.
Hiện nay, bằng sự kết nối các hoạt động trong công tác phòng chống HIV/AIDS, chúng tôi đã tổ chức giới thiệu tất cả các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tới một trong các cơ sở điều trị thuốc kháng HIV để được hỗ trợ tư vấn và chăm sóc điều trị. Vì vậy, số lượng bệnh nhân ngày càng tăng và chất lượng điều trị ngày càng được nâng cao. Bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt là điều kiện để kiểm soát được số lượng vi-rút trong máu người bệnh thấp giúp người bệnh có sức khỏe ổn định và hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV cho người khác.
Công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nhằm tiến tới không còn em bé sinh ra bị nhiễm HIV. Ngày nay bằng những can thiệp đúng và kịp thời thì tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con giảm xuống chỉ còn từ 1% - 5% và có thể tỷ lệ này sẽ còn giảm thấp hơn nữa. Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các nội dung: truyền thông cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các đơn vị y tế gồm các hoạt động tư vấn xét nghiệm cho phụ nữ mang thai, điều trị thuốc ARV cho bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV, cung cấp sữa miễn phí cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV trong 6 tháng đầu sau sinh và làm xét nghiệm chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV sớm cho những em bé được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV để có những biện pháp can thiệp chuyên môn kịp thời.
|
Bác sĩ phụ trách Cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone khám và dò liều cho bệnh nhân. Ảnh: D. Hiền |
PV: Bên cạnh đó, hoạt động điều trị Methadone cũng đã triển khai giúp cai nghiện ma túy bằng chất thay thế, BS đánh giá hướng phát triển của phương pháp điều trị này tại địa phương?
BSCKII Đỗ Công Kim: Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone có thể giúp người nghiện chất dạng thuốc phiện giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng chất dạng thuốc phiện, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giúp ổn định cuộc sống, có cơ hội tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng, giảm hành vi tội phạm, tăng hiệu quả của điều trị bằng thuốc kháng HIV cho bệnh nhân AIDS.
Hiện nay, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai được 1 cơ sở điều trị thuốc Methadone và đang quản lý điều trị cho 291 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị Methadone đạt khoảng 70%, số bệnh nhân có việc làm tăng dần theo thời gian tham gia điều trị, mối quan hệ của bệnh nhân tham gia điều trị Methadone với gia đình đa số được cải thiện, gia đình hỗ trợ về mọi mặt giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt. Công tác điều trị thay thế bằng thuốc Methadone sẽ hỗ trợ cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện có thể cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng, để bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và tham gia điều trị, chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện mở thêm các cơ sở điều trị tại các địa phương trong tỉnh. Cuối năm nay sẽ mở thêm một cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh.
PV: BS cho biết việc thực hiện chính sách BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS?
BSCKII Đỗ Công Kim: Từ năm 2017 do các nguồn tài trợ cắt giảm, thuốc ARV không còn được cung cấp miễn phí theo các chương trình dự án, thay vào đó người bệnh phải chi trả cho việc điều trị thuốc ARV. Bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT sẽ được BHYT chi trả chi phí điều trị thuốc ARV theo quy định. Hiện nay, chúng tôi đang tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV mua thẻ BHYT theo các quy định hiện hành để phục vụ cho việc khám, chữa bệnh và đề xuất nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho những người nhiễm HIV khó khăn không đủ điều kiện tài chính để mua thẻ BHYT.
PV: Xin cảm ơn BS!
DIỆU HIỀN (Thực hiện)