Huyện nông thôn mới Ðơn Dương đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa

08:11, 04/11/2016

Cùng với tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đã đạt được của huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên ở tỉnh Lâm Ðồng (tháng 9/2015), trong năm 2016, Ðơn Dương chú trọng duy trì phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
 

Cùng với tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đã đạt được của huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên ở tỉnh Lâm Ðồng (tháng 9/2015), trong năm 2016, Ðơn Dương chú trọng duy trì phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDÐKXDÐSVH).
 
Hội nghị sơ kết kết quả 10 tháng thực hiện phong trào của huyện. Ảnh: Đ.T
Hội nghị sơ kết kết quả 10 tháng thực hiện phong trào của huyện. Ảnh: Đ.T
Theo đồng chí Lê Hữu Túc - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện: Năm 2016, Đơn Dương có 21.411/21.420 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH), đạt 99,96%; ước tính qua công tác bình xét sẽ có 19.200 hộ đạt GĐVH vào cuối năm. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở nơi nào phong trào xây dựng GĐVH biết khai thác và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống sẽ có sức lôi cuốn mạnh mẽ nhân dân tham gia. 
 
Các phong trào được triển khai kịp thời, có bước phát triển mạnh và đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia; xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Qua đó, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng huyện phát triển.

Về xây dựng thôn và tổ dân phố văn hóa, toàn huyện có 105/105 thôn, tổ đăng ký và dự tính cuối năm có 92 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Thực hiện phong trào; các xã, thị trấn luôn củng cố hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế, nhất là trong xây dựng NTM. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường cảnh quan: sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các quy định và chuẩn mực văn hóa dần thấm sâu vào từng người dân, hộ gia đình và cộng đồng, góp phần phòng chống TNXH… 

Cùng với đẩy mạnh Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Đơn Dương còn quan tâm đẩy mạnh phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Trên địa bàn hiện có 7/8 xã đạt chuẩn này và Ban vận động các xã thường xuyên đôn đốc, định hướng những giải pháp để giữ vững, nâng dần chất lượng các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Đối với xã Pró, huyện đang hướng dẫn lập hồ sơ để sớm xem xét công nhận, nâng 8/8 xã đạt chuẩn. Về thiết chế văn hóa, có 9/10 xã, thị trấn có nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc. 
 
Về Đơn Dương, chúng tôi có dịp đến thăm xã Ka Đô là xã phát triển khá toàn diện của huyện. Xã Ka Đô có 2.928 hộ và 12.774 khẩu, có 9 thôn (5 thôn của đồng bào DTTS). Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Ban chỉ đạo phân công các thành viên phối hợp với Ban vận động xây dựng kế hoạch theo từng cụm, nhóm dân cư để tổ chức triển khai. Ban chỉ đạo xã họp theo định kỳ để tổng hợp, nắm bắt kịp thời tình hình, từ đó đề ra kế hoạch tổ chức, phối hợp với Ban vận động thôn trong công tác vận động nhân dân. Ngay từ đầu năm, 9/9 thôn phát động phong trào xây dựng GĐVH, thôn văn hóa. Đến thời điểm hiện nay, qua kết quả bình xét của các thôn cho thấy tỷ lệ đạt GĐVH khá cao (từ 92,6% trở lên); đặc biệt ở thôn Ka Đô mới 1 hầu hết là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, bước đầu xét 113 hộ có tới 100% đạt. Thời gian qua, việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ở xã, trên cơ sở công trình được xác định, UBND xã và Ban quản lý dự án xây dựng NTM cùng với các Ban thôn triển khai tổ chức họp dân tại các cụm dân cư có công trình để nhân dân bàn bạc và tự quyết định kết cấu, chất lượng công trình, thời gian thi công, định mức đóng góp để đối ứng xây dựng công trình. Trên địa bàn hiện có 1 nhà văn hóa xã với tổng mức kinh phí đầu tư 2,9 tỷ đồng và 9 nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, có 1 CLB thể thao. CLB thể thao xã là công trình xã hội hóa. 
 
Chị Nguyễn Thị Kim Yến vốn là người con Ka Đô sau về TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tuổi thơ chị chứng kiến vùng nông thôn nghèo không có điều kiện hưởng thụ nhu cầu văn hóa, thể thao nên năm 2013 đã mạnh dạn đầu tư trên 8 tỷ đồng xây dựng CLB Thể dục thể thao trên diện tích 4.500 m2, có 2 sân bóng đá, 2 sân cầu lông, 2 sân bóng bàn, 1 sân bóng chuyền, 1 sân tennis, 1 sân trượt patin, 1 khu vui chơi cho trẻ em. Thời gian qua, tuy đã đông người dân, nhất là học sinh người DTTS tới song số lượt người quả thực vẫn chưa nhiều nhưng chủ nhân CLB vẫn tự tin và hy vọng với tốc độ phát triển KT-XH nhanh của địa phương thì những năm tới hoạt động sẽ khả quan hơn, góp phần tích cực cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho quê hương.
 
Khi đặt vấn đề thời gian tới huyện NTM Đơn Dương cần khắc phục hạn chế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, lãnh đạo huyện khẳng định: Đơn Dương phấn đấu không chỉ là huyện NTM kiểu mẫu, huyện đầu tiên của tỉnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mà còn là một trong những địa phương tiêu biểu của phong trào. Chính vì vậy, Đơn Dương sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng, hạn chế những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa nhằm góp phần thiết thực cho công cuộc phát triển KT-XH huyện nhà bền vững.
 
ÐAN THANH