Nhằm khuyến khích học sinh trải nghiệm qua thực hành, phát huy tính sáng tạo, tìm tòi kiến thức mới…, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Lâm Ðồng trong nhiều năm nay đã áp dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" trong dạy học bậc tiểu học.
Nhằm khuyến khích học sinh trải nghiệm qua thực hành, phát huy tính sáng tạo, tìm tòi kiến thức mới…, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Lâm Ðồng trong nhiều năm nay đã áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong dạy học bậc tiểu học.
|
Học sinh Trường Tiểu học Phú Thạnh trong giờ học. Ảnh: V.Trọng |
Tùy theo bài để áp dụng
Nằm ven Quốc lộ 20 sâu vào bên trong tại xã Hiệp Thạnh - Đức Trọng, Tiểu học Phú Thạnh đã có 4 năm áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy cho học sinh tại trường.
Năm học này, Tiểu học Phú Thạnh có gần 600 học sinh trong 15 lớp bậc tiểu học với 32 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại đây. Đây là một ngôi trường rộng rãi, sân trường nhiều cây xanh, trường lớp khá khang trang, đạt chuẩn quốc gia từ rất sớm của GD huyện Đức Trọng.
Phương pháp “Bàn tay nặn bột”
- Phát triển tại Pháp từ năm 1995.
- Rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh.
- Chú trọng việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm.
- Phương pháp này đã có ảnh hưởng lớn trong giáo dục nhiều nước trên thế giới.
|
Với phương pháp “Bàn tay nặn bột”, theo cô giáo Phạm Thị Diễn - Hiệu phó, trong năm đầu tiên chỉ được áp dụng cho việc dạy các môn Khoa học ở khối lớp 4 và 5, năm học sau đó mới được mở rộng sang dạy các bài học “Tự nhiên và xã hội” cho các khối lớp 2, 3.
“Tùy theo bài, không phải bài học nào cũng áp dụng được phương pháp này”, cô Diễn cho biết. Nhà trường cho phép các giáo viên đứng lớp chủ động chọn và soạn bài cho các tiết dạy ứng dụng phương pháp này.
Để dạy các bài học theo phương pháp đề ra, theo cô Diễn, giáo viên phải chuẩn bị rất công phu, mỗi bài soạn chỉ một tiết dạy nhưng phải chuẩn bị nhiều ngày, bài học được đặt theo dạng các câu hỏi để học sinh suy nghĩ tìm đáp án. Ví dụ, bài học “Cây con mọc lên từ một số bộ phận của cây mẹ” trong môn Khoa học lớp 5, giáo viên phải chuẩn bị ươm cây từ nhiều tuần trước đó. Học sinh trong khi học cũng có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến bài học và giáo viên cũng phải thật hiểu bài để giải đáp cặn kẽ cho học sinh.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Tự - Hiệu trưởng nhà trường, phương pháp này khi áp dụng tại trường đã tạo nhiều hứng thú cho học sinh trong việc tìm hiểu các vấn đề nêu ra trong bài học, có liên hệ bài học mình học ở trường với thực tiễn cuộc sống, khuyến khích học sinh phát triển trí sáng tạo, đặc biệt là cho những em có năng khiếu về khoa học.
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này, theo thầy Tự, đòi hỏi cơ sở vật chất của trường phải đầy đủ. Chẳng hạn như phải có phòng thí nghiệm và trang thiết bị đi kèm nhưng điều này không dễ đối với một trường vùng nông thôn như Tiểu học Phú Thạnh. Cùng đó, hầu hết học sinh phải học 2 buổi/ngày với rất nhiều tiết học cho một ngày nên quỹ thời gian dành cho học sinh tìm hiểu sâu hơn các vấn đề nêu trong bài học theo phương pháp này không có nhiều.
Khuyến khích học sinh sáng tạo
Ngay từ học kỳ II năm học 2013- 2014, theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT Lâm Đồng đã ứng dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy bậc tiểu học trong tỉnh. Trong năm học này, mỗi phòng GD-ĐT của 12 huyện, thành trong tỉnh chọn từ 1 - 5 trường tiểu học thí điểm phương pháp này trong môn “Tự nhiên và xã hội” cùng môn Khoa học lớp 4, 5; đến năm học sau đó, tất cả các trường tiểu học trong tỉnh bắt đầu triển khai phương pháp mới này.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Lâm Đồng, phương pháp “Bàn tay nặn bột” khi áp dụng trên địa bàn đã có những ưu điểm khá nổi bật. Ưu điểm lớn nhất chính là phát huy được tính sáng tạo của học sinh ngay từ bậc tiểu học; học sinh được chứng kiến, quan sát, trải nghiệm thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực hành cụ thể nên có thể tiếp thu kiến thức từ bài học một cách chủ động, hiểu bài chắc.
Nhưng điều khó nhất hiện nay của hầu hết các trường tiểu học trong tỉnh khi áp dụng phương pháp này chính là việc chưa có phòng bộ môn và phòng thí nghiệm. Yêu cầu cơ bản của phương pháp này là trang thiết bị dạy học phải đầy đủ, đảm bảo số lượng cũng như chất lượng nhưng phần lớn các trường vẫn chưa đáp ứng được.
Với người dạy, các tiết dạy theo phương pháp này đòi hỏi sự công phu và cần thời gian chuẩn bị nên nhiều giáo viên đâm “ngại”, dạy đối phó khiến tiết học không tạo nhiều hứng thú cho học sinh. Với học sinh, vì là học sinh tiểu học còn rất nhiều rụt rè, chưa biết cách thể hiện ý kiến của mình trong tiến trình học, đặc biệt là với học sinh tiểu học vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số nên vẫn còn những khó khăn nhất định.
Trong thời gian đến, Sở GD-ĐT Lâm Đồng chỉ đạo phòng GD-ĐT tiếp tục triển khai phương pháp dạy học này cho các trường tiểu học trên địa bàn; yêu cầu các trường thường xuyên đổi mới sinh hoạt chuyên môn từ tổ đến trường; tổ chức các tiết thao giảng để giáo viên chia sẻ, rút kinh nghiệm.
Sở cũng yêu cầu các giáo viên phải vận dụng triệt để phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong các tiết có địa chỉ của bài dạy, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để học sinh thực hành trải nghiệm, rèn cho học sinh có thói quen và kỹ năng thực hiện 5 bước, tạo sự thoải mái để học sinh thảo luận, trình bày bằng lời nói hoặc viết. Giáo viên cũng được yêu cầu khuyến khích học sinh trình bày ý kiến của mình, biết chấp nhận và tôn trọng quan điểm của học sinh, chú ý rèn học sinh kỹ năng làm việc nhóm và năng lực diễn đạt; đánh giá học sinh thông qua cả tiến trình học tập.
VIẾT TRỌNG